Khai thác giá trị kinh tế, song cần tránh thương mại hóa lễ hội

Xã hội - Ngày đăng : 19:12, 09/03/2024

(BKTO) - Khẳng định lễ hội là môi trường văn hóa quan trọng giúp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc, PGS,TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện quản lý tốt lễ hội còn góp phần mang lại những giá trị kinh tế lớn thông qua phát triển du lịch.
img_1107.jpg
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội ngày càng đi vào nền nếp và giảm bớt tiêu cực. Ảnh: N.Lộc

Đây chính là sự cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về việc bảo tồn, phát triển văn hóa trong thời đại mới, trong đó có khía cạnh giá trị kinh tế trong văn hóa. 

Thưa ông, ông đánh giá ra sao về công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong tình hình hiện nay?

Như chúng ta thấy, trong những năm 1990, khi lễ hội truyền thống được tổ chức rầm rộ trở lại, nhiều hiện tượng như mê tín dị đoan, phục hồi của các hủ tục lạc hậu, thương mại hóa thái quá và rất nhiều hiện tượng tiêu cực khác xảy ra tại lễ hội đã khiến ngành văn hóa phải liên tiếp ra 3 quy chế tổ chức lễ hội.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 110/NĐ-CP ngày 29/8/2018 về quản lý và tổ chức lễ hội, cơ bản những hiện tượng trên đã được quản lý, kiểm soát, tạo điều kiện để phát huy các giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống trong bối cảnh xã hội đương đại.

Việc xây dựng môi trường văn hóa cho lễ hội truyền thống văn minh, lành mạnh sẽ tạo ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp địa phương và tăng cường nguồn thu nhập cho cộng đồng. Du lịch văn hóa cũng sẽ phát triển khi lễ hội trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch cả trong và ngoài nước.

_dsc9137.jpg
Du lịch mùa lễ hội tại Việt Nam trở thành điểm nhấn đặc sắc thu hút du khách. Ảnh: N.Lộc

Tuy nhiên, việc tổ chức và quản lý lễ hội vẫn còn rất nhiều khó khăn, do bản chất lễ hội là một cuộc vui đông người nên dù quản lý đến đâu cũng khó có thể tránh được những sai sót. Một nguyên nhân khác đến từ xu hướng thương mại hóa trong việc tổ chức lễ hội, hiện tượng mê tín dị đoan đi kèm với các hoạt động tâm linh luôn tiềm ẩn khiến chúng ta không thể lơ là với hoạt động quản lý lễ hội.

Vì thế, việc ban hành Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống đã giúp hiện thực hóa hoạt động quản lý này, để lễ hội truyền thống thực sự trở thành không gian thuận lợi để thực hành các sinh hoạt và giá trị văn hóa dân tộc, lưu giữ bản sắc văn hóa.

Như ông có nhắc đến, lễ hội giờ đây không chỉ là một sinh hoạt văn hóa, mà còn đem lại nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội cho địa phương. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Hiện cả nước ta có hơn 7.000 lễ hội truyền thống với nhiều hình thức tổ chức và mang giá trị độc đáo khác nhau. Cùng với các di sản văn hóa khác, lễ hội văn hóa truyền thống được coi là một trong những nguồn lực quan trọng tạo sức hút lớn đối với du lịch gắn với sản phẩm du lịch văn hóa đa sắc màu đặc trưng của từng vùng miền hấp dẫn đông đảo du khách hiện nay.

221220230255-z4998984265108_f3cef3f6e09b78a19c3e8c9012663b4f.jpg

Lễ hội nếu được tổ chức và khai thác tốt sẽ góp phần mang lại giá trị rất lớn cho kinh tế - xã hội, đặc biệt là với ngành du lịch văn hóa. Thông qua du lịch còn góp phần gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống và quảng bá văn hóa độc đáo của dân tộc đến bạn bè quốc tế theo đúng định hướng của Đảng về phát triển văn hóa, tạo "động lực mềm" cho phát triển đất nước. 

PGS,TS. Bùi Hoài Sơn

Xét ở phương diện kinh tế, khi chúng ta đã quản lý và tổ chức tốt thì lễ hội truyền thống ở các địa phương chính là những sự kiện đặc sắc, tạo lợi thế cho việc thu hút du khách, nhờ đó, đem lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và các bên liên quan.

Nhiều lễ hội như lễ hội Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), chùa Hương (TP. Hà Nội), núi Bà Đen, Bà Chúa Xứ (tỉnh An Giang), chùa Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh)... đã trở thành những sự kiện lớn ở địa phương. Đây là cơ sở rất tốt để phát triển công nghiệp văn hóa, khi các lễ hội này trở thành chất liệu tuyệt vời để tạo ra các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, không chỉ phù hợp để phát triển ngành công nghiệp du lịch văn hóa, mà còn kết nối và tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm kinh tế khác.

_dsc0027(1).jpg
Dòng người tham dự lễ hội Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: N.Lộc

Đặc biệt, điều này giúp đưa những lợi ích kinh tế đến người dân địa phương, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa, bà con dân tộc, miền núi - những người được hưởng lợi từ chính di sản văn hóa của chính họ, giúp họ có thêm một sinh kế mới phù hợp với hoàn cảnh của họ.

Khai thác giá trị kinh tế từ lễ hội, song cần phải hạn chế tình trạng thương mại hóa lễ hội. Để làm được điều này, theo ông, các cơ quan chức năng cần quan tâm thực hiện những giải pháp gì?

Chúng ta đang sống trong nền kinh tế thị trường và những yếu tố, quy luật của nền kinh tế ấy đã len lỏi vào mọi mối quan hệ xã hội, trong đó có cả văn hóa, bao gồm lễ hội truyền thống. Chúng ta đã chứng kiến rất nhiều nghi lễ bị giải thiêng vì mục đích thương mại hóa, tương tự như vậy là những hoạt động thái quá trong tổ chức lễ hội truyền thống vì mục đích trục lợi.

Để đảm bảo rằng các lễ hội truyền thống phát huy được giá trị để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, song không bị thương mại hóa thái quá và vẫn giữ được bản sắc văn hóa, theo tôi cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, chính quyền địa phương cần thực hiện các biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ việc tổ chức các lễ hội, nhất là việc xây dựng các quy định và hướng dẫn cụ thể về cách tổ chức lễ hội, giới hạn quảng cáo thương mại và kiểm soát hoạt động kinh doanh.

_dsc0129.jpg
Khai thác giá trị kinh tế từ lễ hội, song cần phải hạn chế tình trạng thương mại hóa lễ hội. Ảnh: N.Lộc

Thứ hai, cần tăng cường ý thức cộng đồng. Công tác tuyên truyền và giáo dục ý thức cộng đồng về việc giữ gìn và tôn trọng giá trị văn hóa của lễ hội là rất quan trọng. Những hoạt động tuyên truyền có thể được tổ chức để nâng cao nhận thức về ý nghĩa lịch sử và văn hóa của các lễ hội.

Thứ ba, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng. Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc tổ chức và quản lý lễ hội giúp giữ cho các lễ hội truyền thống không bị thương mại hóa thái quá. Các tổ chức cộng đồng nên được khuyến khích nhiều hơn nữa để tham gia tích cực và chịu trách nhiệm lớn hơn nữa trong tổ chức các hoạt động lễ hội.

Thứ tư là tiếp tục xây dựng các quy định pháp lý chặt chẽ hơn nữa. Chính phủ và các cơ quan quản lý có thể thiết lập các quy định pháp lý cụ thể và chặt chẽ để hạn chế hoạt động thương mại trong các lễ hội. Việc áp dụng các biện pháp phạt và xử lý nghiêm đối với việc vi phạm các quy định này cũng là một cách rất tốt để đảm bảo tuân thủ.

Thứ năm là khuyến khích hình thức tài trợ hợp lý. Thay vì phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp và quảng cáo thương mại, cần khuyến khích các hình thức tài trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức xã hội, và các nhóm quan tâm đến văn hóa để hỗ trợ cho các lễ hội mà không làm mất đi bản sắc truyền thống của lễ hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

N.LỘC