Co-opBank tiếp tục thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 19:32, 09/03/2024

(BKTO) - Hiện, Co-opBank và Quỹ tín dụng nhân dân đang tập trung nguồn lực, khẩn trương xây dựng và triển khai có hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo đúng định hướng của Chính phủ.
coobank.jpg
Năm 2023, dư nợ cho vay doanh nghiệp và cá nhân của Co-opBank tăng 14,41%. Ảnh minh họa

Theo thông tin tại Đại hội đại biểu thành viên năm 2023 Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank), năm 2023, tổng tài sản tăng 14,45%; tiền gửi điều hòa của Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) tăng hơn 19.000 tỷ đồng, tương đương tăng 78,16%, cao nhất từ trước tới nay; dư nợ cho vay doanh nghiệp và cá nhân tăng 14,41%, lợi nhuận trước thuế đạt 104,94%.

Mặt khác, Co-opBank cũng nỗ lực triển khai các giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và cơ bản hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra trong năm 2023.

Tỷ lệ nợ xấu luôn được duy trì ở mức thấp (tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 0,68%). Trong năm qua, Co-opBank đã 15 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động và 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay phù hợp với tín hiệu thị trường, theo chỉ đạo của NHNN, thúc đẩy doanh nghiệp và người dân mở rộng sản xuất kinh doanh, đặc biệt khu vực nông nghiệp nông thôn.

Năm 2023, ngoài việc nỗ lực nâng cao năng lực tài chính bằng nội lực, Co-opbank đã tích cực đề xuất và hoàn thiện phương án xin cấp bổ sung vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng trình Thống đốc NHNN xem xét trình Chính phủ, Quốc hội phê duyệt.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, với vai trò là Ngân hàng của các QTDND, Co-opBank đã thực hiện tốt các nhiệm vụ là công cụ quản lý của NHNN đối với hệ thống QTDND, hỗ trợ tích cực cho các QTDND phát triển an toàn, ổn định.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Co-opBank và các QTDND đang đứng trước một cơ hội đặc biệt khi Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực vào ngày 01/7/2024 sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn trong hoạt động của hệ thống QTDND hiện nay và hoàn thiện hành lang pháp lý cho sự phát triển của hệ thống QTDND.

Hiện các cơ quan, đơn vị chức năng đã cố gắng xây dựng hoàn thiện Nghị định, Thông tư hướng dẫn để đưa 2 Luật vào cuộc sống, những quy định này gắn chặt với quyền lợi của các QTDND và Co-opBank. Vì vậy, Phó Thống đốc yêu cầu các QTDND cùng Co-opBank và các vụ, cục chức năng NHNN nghiên cứu, tìm hiểu hiểu, góp ý vào việc ban hành văn bản thi hành Luật trong thời gian tới.

Phó Thống đốc đề nghị Co-opBank tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ và chất lượng hoạt động, nguồn nhân lực; nâng cao vai trò và trách nhiệm trong việc liên kết hệ thống, điều hòa vốn, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống QTDND theo quy định của pháp luật, hướng tới mục tiêu là ngân hàng trung ương của các QTDND. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ kinh doanh được giao, góp phần hỗ trợ vốn cho sản xuất, đặc biệt là khu vực nông nghiệp - nông thôn.

ong-tu.jpg
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đề nghị Co-opBank tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Ảnh:sbv.gov.vn

Phó Thống đốc cũng yêu cầu Co-opBank khẩn trương thực hiện các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp theo đúng lộ trình đã đề ra tại Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Trong đó, bám sát việc xem xét phê duyệt của Chính phủ về phương án tăng vốn điều lệ, phát triển tăng trưởng về quy mô, cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của NHNN.

Trong bối cảnh năng lực tài chính của các QTDND còn yếu, khó tự chuyển đổi số, Phó Thống đốc đề nghị Co-opBank cần phát huy tốt hơn vai trò đầu mối đối với hệ thống, mở rộng hợp tác kết nối với các đơn vị trong và ngoài ngành ngân hàng để phát triển đa dạng các dịch vụ ngân hàng số an toàn, tiện ích phù hợp với đối tượng khách hàng của Co-opBank và QTDND ở khu vực nông thôn.

Dịp này, Co-opBank đã chính thức cho ra mắt bộ 3 sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng số dành riêng cho các QTDND thành viên là: ứng dụng Co-opBank CFeBiz; Dịch vụ định danh CF-eAM; Hệ thống Khởi tạo dịch vụ từ xa cho QTDND CFePCF. Đây là những công cụ tài chính đắc lực, hữu hiệu giúp QTDND giải quyết bài toán khó về công nghệ nhằm thu hút và tăng cường mối quan hệ giữa QTDND và khách hàng, xây dựng lòng tin, tạo ra một môi trường kinh doanh tích cực, bền vững.

THÀNH ĐỨC