Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 08:00, 11/03/2024

(BKTO) - Từ đầu tháng 3 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Theo giới phân tích, việc duy trì lãi suất huy động thấp trong thời gian đủ lâu là điều kiện cần để kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống.
lai-suat.jpg
Theo các chuyên gia, lãi suất huy động được duy trì ở mức thấp trong thời gian đủ lâu cũng là điều kiện cần để kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống. Ảnh minh họa. 

Nhiều ngân hàng đưa lãi suất huy động về dưới 6%/năm

Khảo sát biểu lãi suất huy động trực tuyến của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam cho thấy, từ đầu tháng 3 đến nay, nhiều ngân hàng đã đưa lãi suất huy động về dưới 6%/năm (không kể lãi suất đặc biệt dành cho khách hàng gửi hàng trăm tỷ đồng trở lên).

Có thể kể đến các ngân hàng đã giảm lãi suất như: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank), Ngân hàng Bản Việt (BVBank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank), Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank). Trong đó, BaoViet Bank, GPBank đã hai lần giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng 3.

Sau khi điều chỉnh giảm, ở kỳ tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất phổ biến ở mức 4,6 - 4,7%/năm tùy từng ngân hàng. Đối với tiền gửi kỳ hạn 9 tháng, lãi suất cao nhất 4,8%/năm, thấp nhất là 4,7%/năm.

Còn với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất ở mức từ 5 - 5,3%/năm. Với mức lãi suất 5,8%/năm, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) vẫn là ngân hàng dẫn đầu thị trường ở kỳ hạn 18 tháng, Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) và Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đứng sau với lãi suất là 5,7%/năm.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm sâu và còn ít dư địa để giảm thêm, nhưng trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ được ưu tiên. Lãi suất huy động được duy trì ở mức thấp trong thời gian đủ lâu cũng là điều kiện cần để kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống.

Hiện tại, lãi suất cho vay đã giảm so cuối năm 2023. Hầu hết các ngân hàng đều áp dụng 2 mức lãi suất, đó là lãi suất vay ưu đãi áp dụng ở kỳ vay ngắn từ 3-12 tháng và lãi suất sau thời gian ưu đãi. Biên độ điều chỉnh lãi suất vay ngân hàng giữa ưu đãi và sau ưu đãi ở các nhà băng phổ biến từ 2-3,8%.

Lãi suất vay mua nhà tháng 3/2024 hiện vẫn dao động ở mức khoảng 10%, trong đó, mức lãi suất thấp nhất là khoảng 5,3%/năm. Đáng chú ý, sang tháng 3, lãi suất vay mua nhà của các ngân hàng lớn đều có sự điều chỉnh với mức giảm từ 0,5 - 3%/năm, tuy nhiên, mức giảm này chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định. Làn sóng giảm lãi suất cho vay cũng đã lan sang một số ngân hàng thương mại cổ phần. Điển hình như Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) đã điều chỉnh lãi suất cho vay về mức 8,5%/năm.

Trong báo cáo chiến lược 2024, Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS) kỳ vọng lãi suất cho vay mua nhà giảm về mức hấp dẫn hơn, điều này sẽ tạo động lực cho nhu cầu vay mua nhà quay trở lại kể từ nửa cuối năm 2024.

Lãi suất đầu vào có tạo đáy trong quý I?

Nhận định về xu hướng lãi suất, Công ty Chứng khoán MBS cho rằng lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý I và khó có khả năng giảm thêm chủ yếu do cầu tín dụng sẽ có xu hướng tăng lên trong năm 2024.

Theo MBS, áp lực tăng lãi suất không lớn do chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Mỹ hầu như đã chấm dứt. Với dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ hạ lãi suất cơ bản xuống mức xấp xỉ 4% cuối năm 2024, áp lực lên tỷ giá không lớn, NHNN sẽ có dư địa để duy trì chính sách tiền tệ như hiện tại.

“Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 25 - 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,25 - 5,5% trong năm 2024” - MBS dự báo.

TS. Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư tài chính DG Capital - cho rằng, lãi suất khoản vay trung dài hạn tại các ngân hàng thương mại nhà nước hiện tương đối thấp, nhưng ở các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn còn khá cao, với lãi suất cho vay từ 9 - 12%/năm do giá vốn của các ngân hàng này ở mức khá cao (lãi suất huy động kỳ hạn dài đầu năm 2023 ở các ngân hàng cổ phần tư nhân dao động trong khoảng 9 - 10%/năm). Tuy vậy, cùng với thời gian, nguồn huy động lãi suất cao giảm dần, đây là cơ hội cho các ngân hàng giảm dần lãi suất cho vay.

Dự kiến, Hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy tín dụng, giảm lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ chủ trì sẽ diễn ra vào giữa tháng 3/2023. Để chuẩn bị cho Hội nghị này, NHNN đã có Công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại về việc chuẩn bị nội dung tham dự Hội nghị do Thủ tướng chủ trì để bàn giải pháp thúc đẩy tín dụng. Trong Công văn, NHNN yêu cầu lãnh đạo các ngân hàng thương mại báo cáo tình hình triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng và giảm lãi suất cho vay.

Việc giảm lãi suất cho vay sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn, đẩy vốn tín dụng ngân hàng ra nền kinh tế và cũng là để thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 05/3/2024.

Tại Công điện này, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng thực hiện ngay các giải pháp điều hành để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng, ngoại tệ lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu ngân hàng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân để người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận tín dụng, lựa chọn ngân hàng để vay vốn./.

THÀNH ĐỨC