Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao toàn diện chất lượng hoạt động kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:05, 25/10/2018

(BKTO) - Báo cáo công tác năm 2018 của KTNN vừa được gửi đến các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Theo đó, với quyết tâm cao của Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN đã tập trung lãnh đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng hoạt động kiểm toán, trên cơ sở thực hiện các giải pháp đột phá về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới phương pháp, cách thức kiểm toán.


Minh bạch trong xây dựng kế hoạch kiểm toán

Năm 2018, quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán (KHKT) của KTNN được thực hiện chủ động, đảm bảo tuân thủ pháp luật, khoa học, chặt chẽ, minh bạch, công khai với 232 cuộc kiểm toán, trong đó, số cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề tăng 11 cuộc so với năm 2017.

Đặc biệt, KHKT được đổi mới công khai chi tiết danh mục cụ thể các đơn vị, đầu mối, dự án được kiểm toán ngay từ khi ban hành KHKT năm. Đây là điểm khác biệt, đổi mới so với các năm trước, góp phần tăng cường tính minh bạch; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị được kiểm toán; hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra; giảm thiểu sự phiền hà đối với các đơn vị được thanh tra, kiểm toán.

Để thực hiện có hiệu quả KHKT năm 2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành và quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo đúng trọng tâm, mục tiêu, nội dung và phạm vi kiểm toán đã được lãnh đạo KTNN phê duyệt; nghiêm cấm việc bỏ sót, cố tình làm sai lệch, không đầy đủ kết quả kiểm toán. Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, thanh tra công vụ được chú trọng và tăng cường, đặc biệt là kiểm soát và thanh tra đột xuất; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động kiểm toán.

Kiến nghị xử lý tài chínhhơn 56.000 tỷ đồng

Với các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt và đồng bộ, đến ngày 30/9/2018 KTNN đã triển khai 211/232 cuộc kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc 150 cuộc kiểm toán, xét duyệt 140 dự thảo báo cáo kiểm toán (BCKT), phát hành 85 BCKT. Dự kiến đến ngày 10/11/2018, KTNN sẽ kết thúc các cuộc kiểm toán và phát hành các BCKT thuộc KHKT năm 2018 trước ngày 31/12/2018.

Tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của 140 BCKT là 56.009 tỷ đồng (thu về NSNN 8.385 tỷ đồng, giảm chi NSNN 17.555 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 30.069 tỷ đồng), kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 41 văn bản (6 nghị quyết, 12 thông tư, 8 quyết định và 15 văn bản khác) nhằm bịt chỗ hổng chính sách, tránh thất thoát, lãng phí.

Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán. Nổi bật là, qua kiểm toán, đánh giá việc quản lý, sử dụng vốn ODA giai đoạn 2015-2017, KTNN đã chỉ rõ một số hạn chế, bất cập, thiếu sót trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, như: giao kế hoạch vốn ODA chưa sát thực tế, chưa theo thứ tự ưu tiên, không đúng quy định, một số dự án được đề xuất chưa thực sự cần thiết, không phù hợp với thực tế, dẫn đến chậm triển khai hoặc không thực hiện được những nội dung chính của dự án, phải rà soát, điều chỉnh nguồn vốn.

Kiểm toán, đánh giá công tác quản lý hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) năm 2017, KTNN phát hiện, việc hoàn thuế GTGT cho các dự án xây dựng - chuyển giao (BT), dự án đầu tư mở rộng, đầu tư đã đi vào hoạt động, dự án còn vi phạm pháp luật về đầu tư chưa đúng quy định; hoàn thuế cho các hàng hóa dịch vụ xuất khẩu chưa đủ điều kiện; hoàn thuế cho DN không lưu trữ sổ sách kế toán, không phục vụ cho sản xuất kinh doanh; công tác ban hành chính sách hoàn thuế GTGT còn chưa đồng bộ, rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau...

Qua kiểm toán, đánh giá việc thực hiện một số hợp đồng BT thanh toán bằng quyền sử dụng đất trên địa bàn TP. Hà Nội, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 1.393 tỷ đồng, đồng thời chỉ rõ nhiều hạn chế, bất cập và sai sót qua thực hiện các hợp đồng BT, như: 11/12 dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh trong thực hiện dự án; cơ chế giao đất ở dự án đối ứng của dự án BT thực hiện chưa thống nhất; giá đất không sát với giá thị trường, khu đất đối trừ được giao chỉ định trái Luật Đất đai... tiềm ẩn nguy cơ có thể dẫn đến lãng phí nguồn NSNN. Kết quả kiểm toán chọn mẫu 3 dự án BT để thực hiện xác định lại giá trị của hợp đồng BT cho thấy, giá trị hợp đồng BT của 3 dự án sau kiểm toán là 1.727,3 tỷ đồng, bằng 39% giá trị hợp đồng BT ban đầu.

Kiểm toán, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển khu công nghệ cao TP. HCM, KTNN chỉ rõ nhiều bất cập như: giá cho thuê đất chưa áp dụng các phương pháp xác định giá đất theo quy định; cho phép miễn tiền thuê đất không đúng quy định; xác định giá thuê đất thấp hơn bảng giá đất quy định của Thành phố; việc cấp phép đầu tư cho một số dự án vào khu công nghệ cao không đáp ứng tiêu chí về DN công nghệ cao; giải ngân nguồn vốn NSNN, vốn vay Quỹ Hỗ trợ phát triển Thành phố không đúng quy định...

Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán ngân sách địa phương của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cho thấy: Một số địa phương phân bổ, giao dự toán nhiều lần trong năm; không giao hết ngay từ đầu năm; phân bổ kinh phí khi chưa có nhiệm vụ chi cụ thể; còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi không đúng nguồn kinh phí; việc quản lý và thực hiện thu ngân sách không chặt chẽ, bỏ sót nguồn thu, tình trạng trốn thuế, nợ thuế, thất thu ngân sách còn lớn.

Đặc biệt, qua đối chiếu thuế 2.605 DN ngoài quốc doanh tại 41 địa phương, KTNN xác định nộp NSNN tăng thêm 1.769,4 tỷ đồng, nợ đọng thuế phát hiện tăng thêm 3.083,4 tỷ đồng (năm 2017 đối chiếu thuế 2.344 DN ngoài quốc doanh, KTNN kiến nghị tăng thu NSNN 1.351 tỷ đồng, thất thu ngân sách 93,87% DN được đối chiếu); riêng kiểm tra, rà soát hoạt động xuất khẩu quặng sắt qua cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai của 13 DN, KTNN xác định số thuế xuất khẩu phải nộp tăng thêm 405,2 tỷ đồng.

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, tính đến ngày 30/9/2018, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện 50.020,5 tỷ đồng, đạt 55,1% tổng số kiến nghị xử lý tài chính, bằng 95,9% so với cùng kỳ năm 2017 (57,4%); đã thực hiện sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 7 văn bản, đồng thời đang quyết liệt tổ chức thực hiện nhiều kiến nghị về xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân và hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Với tinh thần khắc phục khó khăn, hạn chế, bám sát sự chỉ đạo của Quốc hội, hoạt động kiểm toán của KTNN luôn hướng đến đảm bảo chủ động, khoa học, chất lượng và hiệu quả, ngày càng khẳng định vị thế của KTNN trong hệ thống nhà nước pháp quyền, xứng đáng với địa vị pháp lý là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Đ. KHOA
Theo Báo Kiểm toán số 43ra ngày 25-10-2018