Thực hiện phê bình cấp trên như thế nào?
Chính trị - Ngày đăng : 05:25, 14/03/2024
Trong nhiều bài viết đăng báo, nhiều buổi nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân, lãnh tụ Hồ Chí Minh thường xuyên đề cập đến vấn đề quan trọng đó. Ở bài "Phê bình" đăng trên Báo Nhân Dân ngày 12/7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cách mạng sở dĩ phát triển mãi, tiến bộ mãi, càng gặp nhiều gian khổ càng mạnh mẽ thêm, là nhờ có phê bình và tự phê bình. Cho nên toàn thể đảng viên và cán bộ cần làm gương mẫu thật thà phê bình và tự phê bình để tự giáo dục mình và giáo dục nhân dân, để làm tròn sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc”. Ngày 21/02/1961, trong buổi nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Cao Bằng, Người nêu cụ thể: “Giữa đồng chí với nhau, cấp trên và cấp dưới với nhau phải thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình để giúp nhau tiến bộ”.
Khi thực hiện nguyên tắc phê bình và tự phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh cần phải chú ý đến việc phê bình đối với cấp trên và nêu ra nhiều nội dung liên quan đến việc phê bình đối với cấp trên. Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích và tác dụng thiết thực của việc phê bình đối với cấp trên là để tăng cường đoàn kết, để tiến bộ, thành công. Trong bài “Tự phê bình, phê bình, sửa chữa” đăng Báo Nhân Dân ngày 26/7/1956, Người viết: “Do tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên - mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ, càng đồng tâm nhất trí, càng tiến bộ không ngừng…”. Từ đó, Người nhắc nhở cả cán bộ cấp trên cũng như cấp dưới cần chú ý thực hiện nghiêm túc dân chủ trong phê bình: Cấp trên phải tự phê bình, cấp dưới có quyền đòi hỏi dân chủ và việc phê bình cấp trên không phải là “tự do quá trớn, tự do bừa bãi” mà đó là “dân chủ đúng mức”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Lề lối làm việc phải dân chủ, trong đó cấp trên phải thường kiểm tra cấp dưới và cấp dưới phải phê bình cấp trên; phải giúp nhau kinh nghiệm và sáng kiến, giúp nhau tiến bộ. Người nhấn mạnh yêu cầu cán bộ lãnh đạo, cấp trên phải thật sự cầu thị, gương mẫu tiếp thu phê bình của cấp dưới để khắc phục, sửa chữa, tiến bộ: “Nếu ưu điểm không biết phát triển, khuyết điểm không biết khắc phục là lãnh đạo kém” và “Kiểm thảo phải khởi đầu từ cấp trên, dần đến cấp dưới. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu thật thà tự phê bình, phải hoan nghênh và khuyến khích mọi người phê bình mình, tức là phải thực hiện dân chủ rộng rãi. Từ trên xuống, rồi từ dưới lên”. Từ ngày 23-28/10/1950 diễn ra Hội nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong II, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và phát biểu: “Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cao cấp phải làm gương trước”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xác định rõ những việc mà cấp trên và cấp dưới cần chú ý khi tiến hành phê bình cấp trên. Người căn dặn khi thực hiện tự phê bình và phê bình nhau phải theo tinh thần thân ái và lập trường cách mạng, Người nhắc nhở cấp trên phải có thái độ đúng mực nhằm tiếp tục có được ý kiến phê bình của cấp dưới, tránh thái độ thành kiến, khó chịu khiến cấp dưới ngại phê bình: “Nếu họ phê bình ta, ta phải vui vẻ thừa nhận. Không nên tỏ vẻ bất bình, để lần sau họ không dám phê bình nữa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý cán bộ cấp trên khi được cấp dưới phê bình đúng thì phải nghe theo, khuyến khích họ có thêm ý kiến, để nâng cao tinh thần và sáng kiến của họ. Còn nếu ý kiến của cấp dưới không đúng thì cấp trên nên có thái độ cầu thị, thân thiết, giải thích cho họ hiểu, tuyệt đối phải tránh việc “phùng mang trợn má, quở trách, giễu cợt họ”.
Kiểm thảo phải khởi đầu từ cấp trên, dần đến cấp dưới. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu thật thà tự phê bình, phải hoan nghênh và khuyến khích mọi người phê bình mình, tức là phải thực hiện dân chủ rộng rãi. Từ trên xuống, rồi từ dưới lên”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hiện nguyên tắc phê bình và tự phê bình, trong đó có việc phê bình cấp trên đã và đang được Đảng Cộng sản Việt Nam triển khai nghiêm túc và hiệu quả. Qua đó đã giúp cho Đảng ngày càng vững mạnh, đoàn kết thống nhất, trở thành một trong những truyền thống quý báu của Đảng, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã viết trong dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng: “Đó là truyền thống đoàn kết thống nhất, có tổ chức và kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và tình thương yêu đồng chí”.
Truyền thống quý báu trên đã góp phần thiết thực làm thất bại sự chống phá của các thế lực thù địch, thế lực xấu khi chúng cố tình xuyên tạc, vu cáo, cho rằng phê bình và tự phê bình trong Đảng Cộng sản chỉ là hình thức, không thực chất, không hiệu quả. Chúng tung tin, quy kết cán bộ cấp dưới sợ không dám phê bình cấp trên vì sẽ có sự trù dập, trả thù, tình trạng cá lớn nuốt cá bé, đấu đá nội bộ diễn ra phổ biến… Trên thực tế, trong quá trình thực hiện nguyên tắc phê bình, tự phê bình và phê bình cấp trên, bên cạnh ưu điểm là cơ bản, vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm, nhưng đều được Đảng thẳng thắn chỉ ra và có biện pháp sửa chữa khắc phục.
Tình hình và nhiệm vụ cách mạng giai đoạn mới đòi hỏi Đảng phải tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng với chủ trương, giải pháp đúng đắn, phù hợp đồng bộ, trong đó có việc tiến hành nghiêm túc, hiệu quả nguyên tắc phê bình, tự phê bình, phê bình cấp trên. Một trong những giải pháp quan trọng mà từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp, cán bộ cấp trên phải đặc biệt chú ý chấp hành là luôn tiên phong, gương mẫu trong mọi công việc, mọi lúc, mọi nơi, góp phần thực hiện thành công tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng Cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, bằng kiểm tra, giám sát; …Các tổ chức của Đảng và đảng viên, nhất là tổ chức, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước vừa phải gương mẫu tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, vừa phải nêu cao vai trò tiên phong trong thực hiện chủ trương, đường lối, các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”./.