Chậm giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia do đâu?
Kinh tế - Ngày đăng : 05:29, 14/03/2024
Bố trí vốn đối ứng chưa đúng tỷ lệ, giao kế hoạch vốn muộn
Tại Công văn số 1660/BTC-ĐT về tăng cường công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành, quản lý vốn đầu tư công các CTMTQG, chi phí quản lý dự án, Bộ Tài chính cho biết, nước ta đang triển khai 3 CTMTQG là: Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Giảm nghèo bền vững. Các CTMTQG được triển khai đồng bộ tại các địa phương đã tạo cơ hội và điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động. Đặc biệt, các CTMTQG đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được tăng cường đã tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân.
Các Bộ, ngành, địa phương phải có chế tài xử lý các chủ đầu tư, ban quản lý dự án giải ngân chậm, không đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính đề nghị khẩn trương tổ chức triển khai các dự án thuộc các CTMTQG đã được giao theo đúng quy định của pháp luật; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Bộ Tài Chính
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho địa phương, nhưng theo Bộ Tài chính, việc bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện các CTMTQG chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu theo quy định các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mẫu biểu phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm chưa đúng quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn đầu tư công của Chính phủ. Nhiều địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn thuộc các CTMTQG cho các dự án cụ thể. Đáng chú ý, một số địa phương phân bổ vốn cho các dự án không đúng đối tượng quy định tại Luật Đầu tư công và quyết định của Thủ tướng Chính phủ như: Phân bổ vốn đầu tư cho các dự án chỉ thực hiện “sửa chữa”; phân bổ vốn đầu tư ngân sách trung ương hỗ trợ vượt định mức, quy định… Do đó, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này trong năm 2023 chưa được như mong đợi.
Nguyên nhân được Bộ Tài chính chỉ ra là, kế hoạch vốn năm 2022 giao muộn (tháng 6/2022) dẫn tới tình trạng các địa phương không kịp giải ngân trong năm 2022, phải chuyển nguồn sang năm 2023 để giải ngân với số vốn lớn (hơn 10.000 tỷ đồng). Mặt khác, kế hoạch vốn năm 2023 cũng được giao rất lớn, với 25.425 tỷ đồng, nhưng cũng đến ngày 30/6/2023 nguồn vốn này mới được giao cho các địa phương với số vốn trên 24.216 tỷ đồng. Do đó, nhiều địa phương chờ có vốn mới lập hồ sơ dự án nên chưa kịp hoàn tất thủ tục đầu tư để giải ngân. Hơn nữa, cơ chế, chính sách hướng dẫn thực hiện các CTMTQG chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế, phải bổ sung, điều chỉnh, chưa đáp ứng được thời gian. Một số địa phương chưa tuân thủ các quy định về bố trí vốn đầu tư công tại pháp luật về đầu tư công cũng như mức hỗ trợ tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn, việc giải ngân vốn các CTMTQG còn chậm do vướng nhiều cơ chế chính sách, phân bổ vốn trễ, thiếu nhân lực thẩm định dự án, quy trình đấu thầu lâu nên khi thực hiện dự án vào mùa mưa tiến độ chậm... Ngoài những khó khăn chung, năng lực, nhân lực miền núi hạn chế cũng ảnh hưởng nhiều đến thực hiện các dự án. UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các Bộ, ngành sớm hướng dẫn các nội dung liên quan đến Nghị quyết số 111 và Luật Đấu thầu số 22 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2024, nhằm phát huy hiệu quả, bảo đảm đạt mục tiêu chung của các CTMTQG.
Phân bổ vốn đúng quy định, hoàn thiện thủ tục giải ngân đúng tiến độ
Trước thực trạng này, Bộ Tài chính đã đề xuất giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn CTMTQG. Cụ thể, đối với các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính yêu cầu thực hiện việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm theo đúng thời gian quy định. Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát việc bố trí vốn đầu tư công; vốn đối ứng ngân sách địa phương cho các dự án thực hiện các CTMTQG phải đảm bảo theo đúng quy định tại pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công, đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng, địa bàn, nội dung, mức hỗ trợ quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chịu trách nhiệm về nội dung này.
Các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương nghiệm thu và hoàn thiện các thủ tục giải ngân, tránh dồn vào những tháng cuối năm; tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện để tìm ra nguyên nhân giải ngân chậm ở từng dự án, từ đó xử lý theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công và các văn bản hướng dẫn; phấn đấu giải ngân hết kế hoạch được giao.
Bộ Tài chính cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên tổ chức giao ban với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án về tình hình thực hiện và thanh toán vốn đầu tư công của các dự án, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch vốn theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền sớm có văn bản báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải có chế tài xử lý các chủ đầu tư, ban quản lý dự án giải ngân chậm, không đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính đề nghị khẩn trương tổ chức triển khai các dự án thuộc các CTMTQG đã được giao theo đúng quy định của pháp luật; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đồng thời, chủ đầu tư, ban quản lý dự án chủ động phối hợp với các nhà thầu, các đơn vị tư vấn để giải quyết những vướng mắc thuộc thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền phải kịp thời đề xuất với cấp trên có biện pháp xử lý những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án./.