Luật Quản lý thuế cần quy định rõ nhiệm vụ kiểm toán thuế của KTNN để phù hợp với Hiến pháp và thông lệ quốc tế

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:50, 25/10/2018

(BKTO) - Phỏng vấn TS. Đặng Văn Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, KTNN


Thưa ông, mới đây, Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã chỉnh lý một số quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN đối với vấn đề kiểm toán thuế. Là người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực pháp chế, ông có ý kiến như thế nào về lần chỉnh lý này?

- Trong quá trình xây dựng Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đã có nhiều dự thảo được cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính đưa ra. Tại dự thảo xin ý kiến các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương theo Công văn số 8991/BTC-TCT ngày 27/7/2018 của Bộ Tài chính, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN được quy định như sau:

         
   
   TS. ĐẶNG VĂN HẢI
   
“Điều 21. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN
1. Thực hiện kiểm toán các hoạt động liên quan đến quản lý thuế, nghĩa vụ thuế của người nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật về KTNN, quy định pháp luật về thuế, quản lý thuế;

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận do KTNN ban hành.”
Tuy nhiên, tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ ngày 05/9/2018 của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, quy định trên đã được chỉnh lý theo Dự thảo 5. Trong Dự thảo này, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN đã được chỉnh lý và quy định như sau:

“Điều 22. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN

1. Thực hiện kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về KTNN.

2. Trường hợp quyết định của cơ quan quản lý thuế có sự khác biệt với báo cáo kiểm toán về nghĩa vụ thuế thì thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý thuế.”

Vừa rồi, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 29, ngày 11/10/2018 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, quy định trên lại được chỉnh lý theo dự thảo mới (Dự thảo 6). Cụ thể là:

“Điều 21. Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN

1. Thực hiện kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về KTNN, quy định của pháp luật về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Đối với kiến nghị của cơ quan KTNN khi kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc kiểm tra, thanh tra thuế theo quy định tại Điều 110, Điều 113 và Khoản 3, Điều 119 của Luật này.”

Sau khi nghiên cứu các dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) nêu trên, chúng tôi cho rằng: Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN tại Khoản 1, Điều 21 Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) xin ý kiến các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương vào ngày 27/7/2018 là phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan; đồng thời cũng phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và thông lệ quốc tế.

Đâu là những cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn để chúng ta có thể khẳng định về sự phù hợp trên, thưa ông?

- Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 1, Điều 118 Hiến pháp năm 2013, KTNN là cơ quan hiến định độc lập, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; trong đó có nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế. Điều này cũng được cụ thể hóa trong quy định của Luật KTNN năm 2015 và các luật khác có liên quan.

Luật KTNN năm 2015 quy định: “Đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán” (Điều 4). Đồng thời, thuật ngữ “tài chính công”, “tài sản công” cũng được giải thích rõ tại Khoản 10, Khoản 11, Điều 3 Luật KTNN năm 2015.

Tại Luật NSNN năm 2015, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN đã được quy định, đó là: “Thực hiện kiểm toán NSNN và báo cáo kết quả kiểm toán với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; gửi báo cáo kiểm toán cho Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác có liên quan theo quy định của Luật KTNN” (Khoản 1, Điều 23). Đồng thời, Khoản 14, Điều 4 cũng giải thích rõ: “NSNN là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước”.

Tại Luật Quản lý thuế năm 2006, nguyên tắc quản lý thuế đã được quy định như sau: “Thuế là nguồn thu chủ yếu của NSNN” (Khoản 1, Điều 4).

Thứ hai, xuất phát từ vai trò thuế là nguồn thu chủ yếu của NSNN, Tuyên bố Lima về hướng dẫn các nguyên tắc kiểm toán tài chính công của INTOSAI đã đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ kiểm toán thuế của cơ quan KTNN. Điều 20 của Tuyên bố Lima quy định về nhiệm vụ kiểm toán thuế của Cơ quan Kiểm toán tối cao như sau:

“Điều 20. Kiểm toán thuế

1. Cơ quan Kiểm toán tối cao phải có quyền kiểm toán việc thu thuế ở mức càng rộng càng tốt, khi thực hiện việc này phải có quyền kiểm tra hồ sơ thuế cá nhân.

2. Kiểm toán thuế trên hết là kiểm toán tính pháp lý và tính chuẩn tắc, tuy nhiên, khi kiểm toán việc áp dụng luật thuế, Cơ quan Kiểm toán tối cao còn phải kiểm tra hệ thống thu và hiệu quả thu thuế, việc thực hiện các chỉ tiêu thu và nếu có thể, phải đề xuất các biện pháp cải tiến cho cơ quan lập pháp”.

Về mặt thực tiễn, qua hoạt động kiểm toán ngân sách những năm gần đây, KTNN đã tiến hành đối chiếu thuế ở các DN ngoài quốc doanh và đã phát hiện nhiều vụ gian lận về thuế, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng NSNN. Tuy nhiên, do Luật KTNN chưa quy định nhiệm vụ kiểm toán nghĩa vụ nộp thuế của các DN ngoài quốc doanh nên trên thực tế, việc kiểm tra đối chiếu thuế ở những tổ chức này gặp rất nhiều khó khăn.

Trên thế giới, nhiều cơ quan KTNN cũng đã xem kiểm toán thuế là một bộ phận quan trọng của kiểm toán tài chính công và đã thực hiện kiểm toán với các cấp độ khác nhau, phù hợp môi trường pháp lý và năng lực của cơ quan KTNN.

Sau khi nhận được thông tin chỉnh lý tại Dự thảo 6, ông có đề nghị như thế nào về vấn đề này?

- Cùng với việc đưa ra những cơ sở và phân tích trên đây, chúng tôi đề nghị giữ nguyên quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN như quy định tại Khoản 1, Điều 21 Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được Bộ Tài chính gửi xin ý kiến các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị bỏ quy định tại Khoản 2, Điều 21 và Khoản 3, Điều 119 Dự thảo Luật Quản lý thuế (Dự thảo 6) vì không phù hợp với quy định của Hiến pháp và trái quy định của Luật KTNN năm 2015. Cụ thể là:

KTNN đã được Hiến pháp năm 2013 quy định là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, còn cơ quan quản lý thuế là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính. Do vậy, việc so sánh và phân định kết quả hoạt động giữa KTNN và cơ quan quản lý thuế là không có cơ sở pháp lý.

Tại Luật KTNN năm 2015, giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán đã được quy định rõ, đó là: “Báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công” (Khoản 1, Điều 7).

Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng: Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cần quy định rõ nhiệm vụ kiểm toán thuế của KTNN để cụ thể hóa và phù hợp với quy định của Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước; phù hợp với Tuyên bố Lima và thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện kiểm toán các đối tượng có nghĩa vụ nộp NSNN và kiểm soát các nguồn thu này. Đây là quy định nhằm xác định thẩm quyền kiểm tra tài chính của Nhà nước với tư cách là chủ thể công quyền có quyền huy động sự đóng góp của các chủ thể kinh tế vào NSNN, còn kế hoạch kiểm toán hằng năm của KTNN được thực hiện theo nguyên tắc chọn mẫu theo yêu cầu quản lý của Nhà nước và phù hợp với năng lực (biên chế, kinh phí) của KTNN trong từng thời kỳ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
XUÂN HỒNG (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 25-10-2018