Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp
Kết quả kiểm toán - Ngày đăng : 09:39, 14/03/2024
Chậm trễ trong sửa đổi, ban hành văn bản quản lý
KTNN đánh giá, trong giai đoạn 2017-2021, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hà Nam đã ban hành các văn bản, chỉ thị, kế hoạch... về BVMT, tài nguyên nước; công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở trong việc quản lý, BVMT được thực hiện hằng năm với nhiều hình thức đa dạng...
Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy, công tác ban hành văn bản chưa đảm bảo đầy đủ, kịp thời; trong đó, UBND tỉnh chưa ban hành 2 văn bản; Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chưa sửa đổi, bổ sung kịp thời 3 văn bản để triển khai thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác BVMT trong các KCN tại địa phương. Đến thời điểm kiểm toán, Luật BVMT 2020 đã có hiệu lực (ngày 01/01/2022) song UBND tỉnh chưa ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn các nội dung được giao trong Luật, dẫn đến nhiều văn bản chưa được thay thế, sửa đổi; chưa có quy định chi tiết phù hợp với Luật BVMT 2020. UBND tỉnh Hà Nam cũng chưa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật môi trường của địa phương theo Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách BVMT.
Đáng chú ý, KTNN chỉ ra, các Quyết định số 33/2015/QĐ-UBND ngày 25/12/2015 của UBND tỉnh Hà Nam về việc Quy định BVMT trên địa bàn tỉnh Hà Nam và Quyết định số 1663/QĐ-UBND ngày 22/12/2011 của UBND tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt Quy hoạch BVMT tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030; đến thời điểm kiểm toán, các văn bản trên không còn phù hợp quy định tại Luật BVMT 2020 và còn căn cứ trên các văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực. “Các tồn tại trên đã làm ảnh hưởng đến hiệu lực triển khai thực hiện nhiệm vụ và các văn bản pháp luật trong công tác BVMT đối với các KCN trên địa bàn” - Báo cáo kiểm toán nêu.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, kế hoạch, chương trình... cũng còn hạn chế. Sở TNMT không thực hiện phổ biến, tuyên truyền văn bản, kế hoạch của UBND tỉnh về công tác BVMT trong KCN giai đoạn 2017-2021; công tác tuyên truyền chưa phát huy được hiệu quả, còn những tồn tại trong tuân thủ Luật BVMT và các quy định có liên quan của các dự án...
KTNN chỉ rõ, giai đoạn 2017-2021, Sở TNMT Hà Nam không tham gia thực hiện việc lấy ý kiến, tham vấn ý kiến về công tác điều chỉnh quy hoạch các KCN (KCN Đồng Văn I, Đồng Văn IV, Châu Sơn). Điều này làm tiềm ẩn nguy cơ các KCN điều chỉnh khi chưa đáp ứng được các chỉ tiêu môi trường.
Giai đoạn 2017-2021, Sở TNMT chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra về công tác BVMT đối với 6/408 dự án đang chính thức hoạt động trong KCN (đạt 1,47%), chủ yếu thực hiện công tác phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra (phối hợp thực hiện 38 cuộc thanh tra, kiểm tra về công tác BVMT trong KCN); không thực hiện kiểm tra các biện pháp BVMT theo Kế hoạch BVMT đã được xác nhận tại các KCN, KKT trên địa bàn theo quy định; nhiều phát hiện còn chưa được xử lý theo quy trình, quy định, dẫn đến nhiều sai phạm chưa được xử phạt; ban hành kết luận thanh tra không đúng thực trạng của đơn vị.
Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức
Qua thực hiện kiểm tra chọn mẫu đối với một số hồ sơ cấp giấy phép môi trường tại địa phương, UBND tỉnh Hà Nam và Sở TNMT tỉnh Hà Nam, KTNN chỉ ra, Sở TNMT khi tham mưu cho UBND tỉnh cấp giấy phép đã có nội dung tham mưu về hệ số áp dụng; giới hạn các thông số và nồng độ chất ô nhiễm chính trước khi xả nước thải vào nguồn tiếp nhận. Tuy nhiên, UBND tỉnh Hà Nam ban hành Giấy phép xả nước thải thiếu nội dung nêu trên là không phù hợp theo Mẫu số 20 quy định tại Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT. Điều này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác giám sát môi trường, giảm hiệu lực thực hiện các văn bản pháp luật của Chính phủ, tiềm ẩn nguy cơ các cơ sở xả nước thải vượt quy chuẩn môi trường theo các quy định hiện hành.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa, phát hiện các sai phạm, Báo cáo kiểm toán nêu rõ, công tác thanh tra, kiểm tra trong công tác BVMT tại các KCN trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn hạn chế, chưa đủ tính bao quát hiện trạng công tác BVMT; tỷ lệ các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ được thanh tra, kiểm tra trên địa bàn còn rất thấp; chưa đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chưa thực hiện triệt để theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và các Kế hoạch đã được phê duyệt.
Trong giai đoạn 2017-2021, công tác thanh tra, kiểm tra tại Sở TNMT chưa được quan tâm đúng mức. Tại Ban quản lý các KCN tỉnh Hà Nam, số lượng các cơ sở sản xuất trong KCN được kiểm tra cũng hạn chế. Giai đoạn 2017-2021, đơn vị đã thực hiện kiểm tra công tác BVMT tại 63/408 (15,44%) cơ sở trong KCN đã đi vào hoạt động... Đến hết thời điểm kiểm toán, 2 đơn vị trên cũng chưa cung cấp đầy đủ các bằng chứng liên quan đến công tác giám sát thực hiện, khắc phục vi phạm của các cơ sở sản xuất kinh doanh được thanh tra, kiểm tra.
UBND tỉnh Hà Nam chưa đầu tư hoàn thiện hệ thống tiếp nhận dữ liệu quan trắc chất lượng nước thải KCN từ hệ thống quan trắc tự động liên tục lắp đặt tại các KCN theo quy định. Tồn tại này làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác giám sát môi trường của địa phương. Điều này cũng tiềm ẩn rủi ro nước thải KCN không đảm bảo tiêu chuẩn hoặc xả thải vượt lưu lượng cho phép ra môi trường nhưng không được phát hiện, xử lý kịp thời.
Qua kiểm toán cũng cho thấy, nội dung báo cáo quan trắc môi trường của Sở TNMT chủ yếu là thống kê kết quả quan trắc, chưa có đánh giá đầy đủ tác động và phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục kịp thời đối với các chỉ tiêu nước thải, nước mặt, nước ngầm vượt quy chuẩn cho phép. Hiện nay, Sở TNMT đang chỉ áp dụng giá trị C (thông số ô nhiễm nước thải), không áp dụng giá trị tối đa cho phép (Cmax) để giám sát môi trường nước thải công nghiệp, dẫn đến Báo cáo quan trắc chưa phản ánh chính xác hiện trạng chất lượng nước thải tại các KCN (KCN Châu Sơn, Đồng Văn I, Đồng Văn II), một số chỉ tiêu chất lượng nước thải KCN xả ra môi trường không đảm bảo quy chuẩn quy định nhưng không được phát hiện, cảnh báo, báo cáo kịp thời. Theo đó, tại thời điểm quan trắc, nước thải tại một số KCN có thông số vượt ngưỡng khi xả ra ngoài môi trường như: BOD¬5 (vượt từ 1,3-2 lần), COD (vượt 1,4 lần), Tổng N (vượt cao nhất 3,5 lần), Coliform (vượt cao nhất 2,5 lần).
Qua thực tế kiểm toán, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Hà Nam rút kinh nghiệm và chấn chỉnh kịp thời đối với các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, BVMT đối với KCN trên địa bàn đã được KTNN chỉ ra. Sở TNMT cần tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành công tác BVMT tại KCN trên địa bàn.../.