Hà Lan: Cần “nhìn xa, trông rộng” trong phòng, chống thiên tai
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 13:33, 14/03/2024
Công tác phòng, chống lũ chưa được chú trọng
NCA bày tỏ mối quan ngại khi MIWM quá tham vọng và tự tin rằng, Hà Lan vẫn là “vùng đồng bằng được bảo vệ tốt nhất trên thế giới”. Với niềm tin này, lãnh đạo MIWM đã xây dựng kế hoạch đối phó với lũ lụt đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh sẽ tiếp tục ưu tiên cho công tác gia cố đê điều với chi phí ước tính hơn 13 tỷ euro. Ngoài ra, các công tác khác để góp phần phòng, chống và đối phó với những hậu quả do lũ lụt gây ra chưa được chú trọng hoặc tiến hành rất chậm.
Hà Lan đã phải chiến đấu với vấn đề nước dâng gần một thiên niên kỷ qua do phần lớn đất của quốc gia này nằm dưới mực nước biển, 3 con sông lớn ở châu Âu đều chảy qua Hà Lan, 60% đất nước đối mặt với nguy cơ lũ lụt.
Từ năm 2009, MIWM đã xây dựng chiến lược phòng, chống lũ lụt mới, gồm 3 cấp độ bảo vệ. Theo đó: Cấp độ 1, các biện pháp phòng ngừa vỡ đê, tràn đê gồm gia cố đê và mở rộng sông; cấp độ 2, các biện pháp can thiệp quy hoạch không gian để giảm thiểu tác động của vỡ đê, tràn đê và các biện pháp quy hoạch để rút lũ; cấp độ 3, quản lý khủng hoảng, gồm kế hoạch sơ tán và các khuyến nghị khi lũ lụt xảy ra.
NCA đã phân tích các phương pháp MIWM nâng cao khả năng kiểm soát, xem xét chính sách của Bộ về gia cố đê và thấy rằng, công tác chống lũ cấp độ 2 và 3 rất chậm. NCA cho rằng, các nhà quản lý đê có thể thực hiện các biện pháp khác ngoài việc gia cố đê, chẳng hạn như mở rộng sông và bổ sung các biện pháp giảm thiểu thiệt hại do lũ.
Tại Hà Lan, đê được quản lý bởi Tổng cục Quản lý công trình công cộng và nước (PWWM), các cơ quan cấp nước khu vực, cùng các ban quản lý nước, gia cố đê. NCA nhận thấy, các cơ quan quản lý đê đã lên kế hoạch thực hiện nhiều biện pháp nhưng lại bỏ dở công việc. Trong 65% dự án được xem xét, các nhà quản lý đê chỉ lựa chọn gia cố đê. Chỉ trong 30% dự án, việc gia cố đê mới được đi kèm với các biện pháp đi kèm khác.
Kiểm tra 25 dự án gia cố đê điều (40% dự án thực hiện trong năm 2022), NCA cho biết, các nhà quản lý đê chỉ thực hiện các biện pháp giảm thiểu thiệt hại trong 5% số dự án. Trong các dự án còn lại, các biện pháp chuyên sâu như vậy thường bị loại ra từ giai đoạn lập kế hoạch.
Kết hợp nhiều biện pháp giúp nâng cao hiệu quả chống lũ
Trong Báo cáo kiểm toán đánh giá về tình trạng an toàn trước lũ lụt, NCA cho rằng PWWM đang chỉ tập trung vào việc gia cố đê truyền thống mà chưa có tầm nhìn xa hơn năm 2050, trong khi an toàn lũ được xác định chủ yếu bằng các biện pháp dài hạn hơn. Nếu chỉ tập trung vào hoạt động gia cố đê điều, MIWM sẽ không thể chủ động đối phó với những thiên tai có thể xảy ra trong tương lai.
Theo NCA, những nhà quản lý đê điều như PWWM và các cơ quan khu vực có thể lựa chọn các biện pháp chống lũ khác ngoài việc gia cố đê, đồng thời phải chứng minh các biện pháp thay thế này hiệu quả hơn. Hiện, NCA chưa thể đánh giá rõ chi phí và lợi ích của các biện pháp khác do chưa đủ thông tin.
Trước tình trạng biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ lũ lụt, an toàn trước lũ lụt đòi hỏi nhiều hành động hơn là chỉ gia cố đê điều. Hà Lan cần kết hợp nhiều giải pháp, cần có các biện pháp quy hoạch không gian để nâng cao khả năng chống chịu với lũ. NCA cho biết thêm, sự ủng hộ và chung tay của công chúng cũng đóng vai trò lớn đối với các dự án có ý nghĩa quyết định của PWWM.
Hà Lan là một trong những quốc gia có cơ sở hạ tầng quản lý nước tốt nhất trên thế giới, bao gồm những bức tường chắn lũ khổng lồ, các cồn cát ven biển được gia cố bằng 12 triệu m3 cát mỗi năm và hệ thống đê dài hàng chục km.
NCA gợi ý, nhiều quốc gia trên thế giới đang cải thiện tình trạng an toàn trước lũ lụt thông qua đẩy mạnh việc quy hoạch không gian; các công cụ quy hoạch, quản lý đô thị có thể trở thành các giải pháp ngăn ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai. NCA khẳng định việc sử dụng phương án này tại Hà Lan là hoàn toàn khả thi.
Tác động của thiên tai đặc biệt được quan tâm ở các đô thị. Mức độ rủi ro của thiên tai ở đô thị được quyết định không chỉ bởi cường độ, tần suất của thiên tai mà quan trọng hơn là khả năng chống chịu của đô thị và tính dễ bị tổn thương của các đối tượng chịu tác động. Quy hoạch đô thị có thể làm thay đổi các yếu tố quyết định rủi ro thiên tai, từ đó có thể ngăn ngừa, giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra./.
(Theo NCA và tổng hợp)