Xóa bỏ rào cản về vốn để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Kinh tế - Ngày đăng : 13:34, 14/03/2024

(BKTO) - Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là hướng đi đúng đắn được ngành nông nghiệp đẩy mạnh nhằm thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất, hình thành chuỗi giá trị nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Tuy nhiên, những khó khăn về nguồn vốn đang trở thành rào cản lớn để thúc đẩy mục tiêu phát triển nông nghiệp CNC…
13.jpg
Khắc phục rào cản về vốn để phát triển của nông nghiệp CNC. Ảnh: ST

Đóng góp lớn vào tăng trưởng nông nghiệp

Xác định tầm quan trọng của khoa học công nghệ (KHCN), đặc biệt là CNC, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tập trung ứng dụng các thành tựu công nghệ vào các lĩnh vực chủ đạo của ngành nông nghiệp. Nhiều ứng dụng CNC ngày càng được nhân rộng như: Các hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới kết hợp với ứng dụng công nghệ số để điều khiển tự động hoặc bán tự động; trí tuệ nhân tạo trong quản lý và chăm sóc cây trồng, vật nuôi; ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), hiện cả nước đã hình thành được 33 khu nông nghiệp ứng dụng CNC, trong đó có 6 khu do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và 27 khu do cấp tỉnh thành lập. Việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp đã trở thành nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp, nhà sản xuất. Hàng chục doanh nghiệp lớn ứng dụng CNC, tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới như: TH (sữa), Dabaco (chăn nuôi), Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Masan (giết mổ, chế biến), Nam miền Trung (tôm), Vingroup (rau), Ba Huân (chăn nuôi)... góp phần khẳng định dấu ấn của CNC trong nông nghiệp. Nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng CNC được áp dụng đã góp phần nâng cao giá trị, gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Cùng với việc thu hút nguồn lực đầu tư, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến và chuyển đổi số, coi đây là một trong những động lực và giải pháp có tính chất quyết định sự thành công của tái cấu trúc ngành nông nghiệp.

Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy, nhờ đóng góp của KHCN, tốc độ tăng GDP toàn ngành nông nghiệp giai đoạn 2013-2020 đạt bình quân 2,65%/năm. Năm 2023, khu vực nông nghiệp trở thành điểm sáng và tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, tăng trưởng GDP đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế; xuất siêu nông sản đạt 12,07 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. “KHCN đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp” - bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết.

Đặc biệt, tại các khu nông nghiệp CNC, công nghệ tiên tiến được ứng dụng mạnh trong hầu hết các khâu, từ sản xuất đến chế biến, bảo quản. Nhờ đó, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, đơn cử như Khu nông nghiệp ứng dụng CNC của TP. Hồ Chí Minh, các nghiên cứu CNC phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được triển khai thông qua các mô hình sản xuất trong trồng trọt, chăn nuôi và không ngừng được nhân rộng, góp phần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp, đô thị ứng dụng CNC trên địa bàn. “Điểm khác biệt tại khu nông nghiệp CNC là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động phối hợp trong áp dụng giống mới, quy trình canh tác tiên tiến, hình thành chuỗi liên kết giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cần có giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư

Theo đánh giá của các chuyên gia, mô hình nông nghiệp CNC đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực và đang dần trở thành hướng phát triển chủ yếu của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình ứng dụng CNC trên phạm vi vùng, rộng hơn là cả nước đang gặp phải nhiều rào cản, đặc biệt là vấn đề về nguồn vốn đầu tư.

Theo thống kê của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng KHCN còn hạn chế, chưa hiệu quả. Hiện nay ngân sách nhà nước đầu tư chung cho KHCN chỉ chiếm 0,6% GDP, còn KHCN cho nông nghiệp mới được khoảng 0,21% GDP nông nghiệp. Trong khi đó, tỷ lệ đầu tư ngoài ngân sách cho nông nghiệp còn thấp, chưa có giải pháp hữu hiệu để huy động được các nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp cho KHCN trong nông nghiệp…

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, trong phát triển nông nghiệp CNC, vốn là một yếu tố rất quan trọng. Bởi chi phí đầu tư cho xây dựng hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống, đào tạo lao động theo mô hình CNC thường khá tốn kém. Đơn cử như để xây dựng được một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình CNC, cần khoảng 140-150 tỷ đồng (gấp 4-5 lần so với trang trại chăn nuôi truyền thống); hay hệ thống tưới nước nhỏ giọt của Israel được ứng dụng tự động cũng có mức đầu tư cả tỷ đồng…

Trong khi hiện nay vẫn còn thiếu những chính sách ưu đãi đủ để hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp. “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng CNC mới dừng lại ở miễn giảm thuế, phí và cung cấp một phần cơ sở hạ tầng theo quy hoạch của địa phương. Tuy nhiên, chưa có chính sách cụ thể khuyến khích về đầu tư mạo hiểm trong nghiên cứu” - TS. Khổng Trung Quân (Bộ NNPTNT) cho biết.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường đầu tư ngân sách cho nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đạt mức tương đương với các nước trong khu vực, mức 0,84% GDP nông nghiệp; thí điểm thực hiện cơ chế hợp tác công - tư để huy động nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân trong hoạt động KHCN; đổi mới hoạt động của các tổ chức nghiên cứu khoa học công lập theo hướng nâng cao tính tự chủ…

Bên cạnh đó, để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, cần phải đẩy mạnh tích tụ đất đai sản xuất với quy mô lớn, tạo vị trí sản xuất thuận lợi với hạ tầng đồng bộ, nếu không "khó có thể khuyến khích doanh nghiệp, nông dân mở rộng sản xuất, ứng dụng CNC vào nông nghiệp” - chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn lưu ý./.

NGUYỄN LỘC