Sự phối hợp trong công tác quản lý thuế và kiểm toán thuế tại một số quốc gia
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:25, 25/10/2018
(BKTO) - Thuế là một công cụ tài chính có tính pháp lý cao, được quyết định bởi quyền lực chính trị của nhà nước và quyền lực ấy thể hiện rõ bằng pháp luật. Các luật thuế sẽ do các cơ quan quyền lực nhà nước ban hành để tránh việc thu thuế tùy tiện.
Trung Quốc: Kiểm toántại nơi làm việc của người nộp thuế
Tại Trung Quốc, hoạt động quản lý thuế được thực hiện bởi Cục Quản lý nhà nước về thuế (State Administration of Taxation of The People's Republic of China - SAT). Được thành lập vào năm 1950, SAT hiện là cơ quan độc lập của Hội đồng nhà nước, có trách nhiệm quan trọng trong việc ban hành luật thuế.
Kể từ năm 2002, tại Trung Quốc, ngoại trừ một số ngành công nghiệp mang tính đặc thù đã có quy định miễn thì tất cả các DNNN còn lại đều phải được cơ quan KTNN kiểm toán hằng năm. Khi tiến hành kiểm toán thuế, KTNN Trung Quốc sử dụng kết hợp các nguồn dữ liệu. Cụ thể là: sử dụng dữ liệu từ SAT để cảnh báo “người nộp thuế có nguy cơ cao”; thông tin của bên thứ ba được chia sẻ bởi công tố viên; hoặc người được ủy thác điều tra về hoạt động thuế trái quy định; các cơ quan an ninh công cộng, kiểm sát, kiểm toán và kỷ luật từ bên ngoài cũng như các phòng thanh tra, kiểm toán nội bộ và giám sát kỷ luật SAT… Quá trình kiểm toán thuế luôn được lập kế hoạch chi tiết. Việc kiểm toán đều có sự thông báo và phối hợp với đơn vị được kiểm toán để kiểm tra tại nơi làm việc của người nộp thuế. Công tác quản lý quy hoạch kiểm toán được tăng cường, tránh sự gián đoạn không cần thiết đối với người nộp thuế thông thường. Các quy trình kiểm tra thuế sẽ được sắp xếp hợp lý, các tiêu chuẩn xử lý phải phù hợp để từ đó thực hiện những tiêu chuẩn thực thi pháp luật chung, đảm bảo tính công bằng trong kiểm toán thuế cũng như thực thi pháp luật của cơ quan thuế.
Việc thực hiện Bộ luật Kiểm toán thuế của Trung Quốc đã thúc đẩy cơ quan thuế tăng cường sự công bằng và toàn vẹn trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý thuế.
Australia: Cơ quan đưa ra đánh giá cuối cùng vẫn là KTNN
Tại Australia, hoạt động thu thuế và quản lý thuế được thực hiện bởi Cục Thuế Australia (The Australian Taxation Office - ATO). Trên thực tế, ATO cũng thực hiện luôn hoạt động thanh tra, kiểm tra trong ngành. Tuy nhiên, Cục Thuế này lại không có phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro để theo dõi và phân tích sự tuân thủ của người nộp thuế đối với các điều khoản thanh toán cũng như các nghĩa vụ tuân thủ trong tương lai. Chính vì thế, để đảm bảo các khoản thuế được nộp về NSNN một cách đầy đủ, Cơ quan Kiểm toán quốc gia Australia (Australian National Audit Office - ANAO) đã phải tham gia vào quá trình này. Mục tiêu kiểm toán của ANAO là đánh giá tính hiệu quả của các công cụ thu thuế do Văn phòng Thuế Australia thực hiện.
Để đạt được các mục tiêu kiểm toán, ANAO sử dụng phương pháp lấy mẫu một cách ngẫu nhiên, phân tầng theo ngành nghề đối với tất cả các khu vực trong năm tài chính. ANAO đã xem xét tối thiểu 10% tổng số DN trong mỗi ngành nghề kinh doanh. Mẫu cho mỗi ngành nghề kinh doanh bao gồm 5 trường hợp hàng đầu theo giá trị phương sai thanh toán.
Trong hoạt động kiểm toán thuế, cơ quan KTNN và thanh tra thuế của Australia có sự kết hợp khá tốt. Với các DN có quy mô lớn hay các tập đoàn lớn, KTNN tiến hành đánh giá tập trung vào thuế thu nhập, nghĩa vụ của người sử dụng lao động cũng như kiểm toán thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) của các DN. Khi đó, cơ quan thuế cũng sẽ tiến hành đánh giá nội bộ khu vực kiểm toán GST của các DN lớn. Tuy nhiên, dựa trên luật pháp, cơ quan đưa ra đánh giá cuối cùng vẫn là ANAO.
Kosovo: Kết luậncủa KTNN có giá trị cao hơn thanh tra ngành
Tại Cộng hòa Kosovo, theo Hiến pháp và luật pháp nước này, Văn phòng Kiểm toán quốc gia là tổ chức kiểm soát kinh tế, tài chính cao nhất và hoạt động độc lập. Văn phòng này thực hiện kiểm toán đều đặn và chịu trách nhiệm trước Hội đồng Kosovo. Báo cáo tài chính của Cục Quản lý thuế tại Kosovo (Tax Administration of Kosovo - TAK) được kiểm toán hằng năm bởi Văn phòng Kiểm toán quốc gia. Các cuộc kiểm toán sẽ phân tích những điểm còn hạn chế, rủi ro trong quản lý và kiểm soát các nguồn thu, chi của TAK để từ đó đưa ra các kiến nghị phù hợp. Các kiến nghị và kết luận của Văn phòng Kiểm toán quốc gia Kosovo luôn có tính pháp lý cao nhất. Khi xảy ra những kết luận khác nhau giữa KTNN và tổng thanh tra thuế thì kết luận của KTNN sẽ có giá trị cao hơn.
Việt Nam: Luật Quản lý thuế cần tuân thủ Hiến pháp và các luật liên quan
Tại Việt Nam, thuế là một công cụ mà Nhà nước sử dụng để quản lý đất nước. Tổng cục Thuế là tổ chức trực thuộc Bộ Tài chính, sử dụng NSNN để vận hành bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về các nguồn thu nội địa.
Xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý thuế cũng như từ chính các luật thuế được Quốc hội thông qua, “nguyên tắc quản lý thuế” phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Nguyên tắc này cần được xem xét cụ thể trên cơ sở thực tiễn quản lý thuế tại Việt Nam, kết hợp với kinh nghiệm quốc tế cũng như dự liệu những vấn đề đã, đang diễn ra tại Việt Nam và thế giới. Một trong những nguyên tắc quan trọng đối với vấn đề quản lý thuế là phải luôn tuân thủ theo Hiến pháp và luật định.
Hiện nay, hoạt động kiểm toán của KTNN về thuế và hoạt động thanh tra, kiểm tra của thanh tra thuế vẫn còn có sự chồng chéo. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu cơ chế phối hợp trong việc cung cấp thông tin về tình hình thanh tra, kiểm tra và việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các Bộ, ngành, địa phương. Vấn đề khó khăn nhất là thiếu sự thống nhất về nguyên tắc quản lý thuế, đối tượng, phạm vi, thời gian…
Với chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN cần tiến hành tăng cường kiểm toán nguồn thu ngân sách, đặc biệt là các nguồn thu từ thuế (chiếm hơn 90% nguồn thu NSNN). Thuế là nguồn thu chủ yếu của NSNN, cũng chính là lợi ích quốc gia, do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN hoặc thay thế Luật Quản lý thuế trong tương lai bắt buộc phải cân nhắc kỹ và dự liệu mọi tình huống để đưa ra những phương án quản lý thuế hài hòa nhất, tối ưu nhất.
Ông Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Văn phòng Chính phủ: Cần phải bổ sung các đơn vị được kiểm toán và phạm vi kiểm toán của KTNN, bảo đảm bao quát hết đối tượng kiểm toán của KTNN theo Hiến pháp, nhất là lĩnh vực kiểm toán thuế, lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường, công nghệ thông tin, đơn vị được hỗ trợ NSNN… Không nên có quan điểm năng lực của KTNN đến đâu thì làm đến đó, mà cần tư duy theo hướng chúng ta cần kiểm toán đến đâu thì phạm vi hoạt động của KTNN đến đó. Có những phạm vi đưa vào Luật chưa thực hiện được ngay nhưng sẽ mang lại tác dụng răn đe. Tôi cho rằng, cần phải tổ chức một hội thảo riêng về nội dung tài chính, tài sản công để khái niệm này được hiểu một cách đầy đủ, bao quát. Ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh: Có ý kiến cho rằng, DN ngoài quốc doanh không dùng tài sản công nên không thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN. Song thực tế cho thấy, chỉ mới thực hiện đối chiếu thuế, KTNN đã giúp tăng thu cho NSNN rất nhiều. Theo tôi, KTNN cần phải thực hiện việc kiểm toán thu ngân sách (thu thuế) chứ không chỉ đối chiếu thuế như hiện nay. Mặc dù chúng ta đã có lực lượng thanh tra thuế, nhưng đây là thanh tra chuyên ngành nên liệu có đảm bảo sự khách quan và bao quát hết các hoạt động thu thuế? Cho nên, vấn đề kiểm toán thuế cần phải được quy định trong các bộ luật để việc thu thuế đảm bảo sự khách quan. Bà Nguyễn Thị Yến - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập và hoạt động độc lập, nhưng khi quyết định của cơ quan quản lý thuế có sự khác biệt với báo cáo kiểm toán của KTNN về nghĩa vụ nộp thuế thì Luật Quản lý thuế lại quy định thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý thuế. Điều này hoàn toàn không hợp lý. Theo tôi, Luật cần quy định lấy kết quả của cơ quan có thẩm quyền cao nhất và ở đây cơ quan thuế không thể có thẩm quyền cao hơn KTNN. Do đó, kết luận của cơ quan KTNN phải mang tính quyết định. |
ThS. TRẦN PHƯƠNG THÙY
Khoa Kế toán, kiểm toán (Học viện Ngân hàng)
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 25-10-2018
Khoa Kế toán, kiểm toán (Học viện Ngân hàng)
Theo Báo Kiểm toán số 43 ra ngày 25-10-2018