Nâng cao hiệu quả công tác xét xử các vụ án tham nhũng
Pháp luật - Ngày đăng : 22:06, 14/03/2024
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác xét xử các vụ án tham nhũng, mới đây, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc cùng Cục phòng chống Ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến “Báo cáo đánh giá thực trạng xét xử các vụ án tham nhũng tại Việt Nam và đề xuất khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác xét xử”.
Theo thông tin từ Hội thảo, nội dung của Dự thảo Báo cáo gồm 5 phần chính: Sơ lược về chống tham nhũng và Cơ quan xét xử các vụ án tham nhũng ở Việt Nam; Quan điểm chỉ đạo về chống tham nhũng và các quy định pháp luật hiện hành về tội phạm tham nhũng; Quá trình tố tụng tại Tòa án và kết quả xét xử các tội phạm tham nhũng; Những khó khăn, vướng mắc; Một số kiến nghị, đề xuất.
Tại Hội thảo, Thẩm phán TAND tối cao Nguyễn Văn Dũng cho biết, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 31/10/2003 với 8 chương và 71 điều. Việt Nam là một trong số 95 quốc gia đầu tiên tham gia ký tại Lễ ký Công ước tại Mexico vào tháng 12/2003. Việt Nam chính thức trở thành thành viên của UNCAC (Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng) kể từ ngày 19/8/2009 sau khi Chủ tịch nước ký Quyết định số 950/2009/QĐ-CTN về việc phê chuẩn UNCAC.
Để thực hiện nghĩa vụ thành viên sau khi phê chuẩn Công ước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng theo Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2010 (Kế hoạch số 445). Theo đó, TAND tối cao được phân công phối hợp triển khai các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Từ khi BCĐ Trung ương về phòng CTN,TC được thành lập, công tác đấu tranh CTN ở Việt Nam ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực.
Tổng kết 10 năm hoạt động kể từ khi thành lập (2012-2022), Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án hình sự - là những vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Các Tòa án đã đưa ra xét xử 120 vụ án với 1083 bị cáo. Các Tòa án đã áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn của Nhà nước; khoan hồng với những người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xét xử các vụ án tham nhũng vẫn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc về các quy định của pháp luật cũng như trong quá trình tổ chức, thực hiện...
Nói về tệ nạn tham nhũng, ông Samuel Juett - Điều phối viên Chương trình thực thi pháp luật và tư pháp, Cục Phòng chống Ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (INL) - nhấn mạnh, tham nhũng được ví như một căn bệnh ung thư trong cơ thể của các xã hội - một căn bệnh gây xói mòn lòng tin của công chúng. Tác động của tham nhũng không chỉ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và phân cực về xã hội, chính trị và kinh tế mà còn cản trở khả năng ứng phó với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, chất lượng giáo dục của các quốc gia.
Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ và chuyên gia của Việt Nam, Dự thảo đã khái quát được về công tác xét xử các vụ án tham nhũng ở Việt Nam từ năm 2005 đến nay, cung cấp nhiều thông tin và đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị có giá trị tham khảo tốt, có ý nghĩa thực tiễn cao./.