Thái Nguyên thu hút vốn đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn

Địa phương - Ngày đăng : 19:40, 18/03/2024

(BKTO) - Tỉnh Thái Nguyên lên kế hoạch tiếp cận doanh nghiệp châu Âu, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Canada, Trung Quốc, Thái Lan… để thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn trong năm nay.
cong-nghe-cao-1.jpg
Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng và cơ hội gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Ảnh ST

Mũi nhọn là công nghiệp bán dẫn

Với nhiều tiềm năng, lợi thế sẵn có và sự chủ động kết nối để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, Thái Nguyên có cơ hội lớn để phát triển công nghiệp bán dẫn trở thành động lực mới cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong cơ cấu giá trị sản phẩm công nghiệp của tỉnh, nhóm ngành điện tử gồm: máy tính bảng, điện thoại thông minh và linh kiện chiếm phần lớn. Đặc biệt, Thái Nguyên được coi là "thủ phủ" sản xuất điện thoại thông minh, với số lượng chiếm khoảng 70% sản lượng sản xuất của cả nước.

Là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất trên địa bàn tỉnh, Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã sớm bắt nhịp với lĩnh vực bán dẫn. Tập đoàn đã nghiên cứu sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn thử nghiệm vào tháng 5/2023, chính thức đi vào sản xuất từ cuối năm 2023 tại Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV).

Đây là dự án sản xuất nằm trong phần mở rộng đầu tư tăng thêm 920 triệu USD của Samsung đã được UBND tỉnh cấp phép vào tháng 2/2022.

Theo đó, vốn đầu tư vào nhà máy của SEMV tăng từ 1,35 tỷ lên 2,27 tỷ USD. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới như Samsung sản xuất sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn tại Việt Nam là một “tin vui” cho nền công nghiệp trong nước, vì từ trước tới nay, họ chỉ tập trung vào lắp ráp dựa trên linh kiện nhập khẩu từ bên ngoài.

Với chiến lược tập trung thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, trên cơ sở môi trường đầu tư thông thoáng và cởi mở, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động kết nối, mời gọi nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực, nhất là nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Trong chuyến công tác tại Mỹ vào cuối năm 2023, ông  Trịnh Việt Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc làm việc, trao đổi quan trọng nhằm kết nối hợp tác đầu tư với Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực Thái Nguyên có nhiều tiềm năng, lợi thế và được tỉnh đặc biệt quan tâm. Với môi trường đầu tư thuận lợi, quyết tâm chính trị lớn và dư địa phục vụ sản xuất công nghiệp còn nhiều, Thái Nguyên mong muốn thu hút các nhà đầu tư Mỹ vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư đến triển khai các dự án trên địa bàn.

ban-dan-2.jpg
Tính đến thời điểm hiện tại, những “ông lớn” trong ngành bán dẫn đã hiện diện ở Việt Nam không chỉ có Intel hay Samsung. Ảnh ST

Ông John Neuffer, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ khẳng định: Hiệp hội đặc biệt quan tâm đến môi trường đầu tư của Việt Nam, trong đó có Thái Nguyên.

Ông cam kết sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp sản xuất bán dẫn tìm hiểu và quyết định triển khai các dự án tại Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, mang lại những giá trị, lợi ích cho các bên.

Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp bán dẫn đòi hỏi kỹ thuật cao, nguồn nhân lực có tay nghề, tỉnh Thái Nguyên cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đặc biệt là quan tâm phát triển nguồn nhân lực, xác định lộ trình thu hút các nhà đầu tư Mỹ từng bước cùng chinh phục lĩnh vực này.

Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực

Để sẵn sàng đón nhà đầu tư sản xuất công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, Thái Nguyên đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thái Nguyên có 12 khu công nghiệp, với tổng diện tích 4.245ha (trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung) và 41 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 2.067ha. Hệ thống giao thông tiếp tục được đầu tư hiện đại và kết nối đồng bộ.

Trong chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2024, Thái Nguyên cũng ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh về công nghiệp chế tạo, điện tử, bán dẫn...; thu hút đầu tư các dự án vào các khu, cụm công nghiệp mới được thành lập của tỉnh.

Các nước thành viên tham gia các Hiệp định FTA đa phương với Việt Nam (CPTPP, RCEP, EVFTA...), châu Âu, Mỹ, Anh và các quốc gia có nền kinh tế phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Canada, Trung Quốc, Thái Lan… là mục tiêu để tỉnh Thái Nguyên lên kế hoạch tiếp cận hút vốn đầu tư.

Năm 2024, các doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đạt doanh thu quy đổi khoảng 34 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 31 tỷ USD, nộp ngân sách đạt 10.000 tỷ đồng. Theo đó, Thái Nguyên phấn đấu thu hút thêm 15 dự án đầu tư mới vào các khu công nghiệp trên địa bàn, thu hút vốn đầu tư đăng ký mới đạt 500 triệu USD và 4.500 tỷ đồng.

Hà Linh