Đại biểu Quốc hội bức xúc trước tình trạng đầu tư công đội vốn, lãng phí
Đối nội - Ngày đăng : 19:10, 26/10/2018
(BKTO) - Dự án vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng; dự án đội vốn, kéo dài tiến độ cũng như những bất cập trong quản lý, phân bổ vốn đầu tư công là một trong những vấn đề khiến nhiều đại biểu Quốc hội bức xúc, lo lắng.
Hôm nay 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016- 2020; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019; Đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016- 2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đánh giá những thành tựu trong phát triển kinh tế- xã hội nửa nhiệm kỳ qua là “bước phát triển ngoạn mục”. Theo đại biểu, năm 2018 đã kết thúc thắng lợi, đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong sự điều hành vững chắc, sát sao, quyết liệt của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đây là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt được hầu hết tất cả các chỉ tiêu về kinh tế- xã hội, trong đó có hơn 2/3 các chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. Nhìn lại những ngày đầu nhiệm kỳ với bề bộn khó khăn, sau nửa nhiệm kỳ, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP từ 5,91% giai đoạn 2011- 2015 thì đến nay là 6,57% của giai đoạn 2016- 2018. Quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,3 lần so với năm 2015. Dự trữ ngoại tệ đạt kỷ lục 60 tỷ USD. Nợ công giảm 2 con số từ 63,7% năm 2016 xuống còn 61,4% năm 2018. Nợ xấu giảm từ 24,46% năm 2016 xuống còn 2% năm 2018.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2018 ước tính đạt 18 tỷ đô la, cao nhất từ trước tới nay. Kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống nhân dân được nâng lên rõ nét. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tinh giản tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị đạt kết quả bước đầu khả quan và tích cực. Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước đã làm nức lòng cử tri các nước.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu thảo luận tại phiên họp sáng 26/10-Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu dẫn chứng: Dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ vừa nghiệm thu thông xe chỉ sau vài trận mưa đã hỏng; Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh- Hà Đông đội vốn hơn 18.000 tỷ đồng tăng 205,27%, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2013 nay đã quá 6 năm vẫn chưa kết thúc; Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành- Suối Tiên với mức đầu tư ban đầu là 17.387,6 tỷ đồng đã điều chỉnh tăng thêm là 47.325 tỷ đồng, tăng 272%, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào đúng năm 2018 nhưng đến nay vẫn còn 52% khối lượng công việc chưa thực hiện.
“Theo KTNN, Bộ Giao thông Vận tải có 27/42 dự án điều chỉnh tăng thêm 1.222,352 tỷ đồng và 97,2 triệu USD. Cứ tình trạng điều chỉnh tăng thêm vốn, kéo dài thời gian thế này thì thất thoát lãng phí là nhiều vô kể”- đại biểu Cầu bức xúc và đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xử lý nghiêm những sai phạm này. Nếu không, tới đây Nhà nước giao cho Bộ Giao thông Vận tải quản lý xây dựng Dự án sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc Nam và nhiều công trình giao thông quan trọng của đất nước với tổng mức đầu tư hàng triệu tỷ đồng thì thất thoát lớn là điều khó tránh khỏi.
Một thách thức cũng được đại biểu Nguyễn Hữu Cầu chỉ ra đó là thu ngân sách năm 2018 tăng 3% nhưng có chiều hướng sụt giảm mạnh. Những năm gần đây, nguồn thu ở 3 khu vực chính không đạt dự toán, hai đầu tàu kinh tế là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội 2 năm liên tục hụt thu, tình trạng thất thu thuế còn rất lớn, nợ thuế tăng, thất thoát lãng phí trong đầu tư đất đai còn lớn… Đó là những “điểm tối” đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp căn cơ hơn trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) cho rằng, tình trạng đầu tư công chưa được quản lý hiệu quả, thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ trong nhiều công trình là rất đáng lo ngại. Đại biểu đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có giải pháp căn cơ, hiệu quả hơn trong việc phê duyệt dự án, quản lý dự án đầu tư công, tăng cường cơ chế giám sát, trong đó phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân trong các công trình xây dựng trọng điểm có vốn đầu tư cao.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) thì cho rằng, trong đầu tư công thời gian qua đã hạn chế được trình trạng phân tán, dàn trải, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Nhưng thực tế cho thấy, vẫn còn bất cập như: tìnhh trạng bố trí vốn cho các công trình không nằm trong kế hoạch trung hạn; phân bổ vốn cho dự án trong khi chưa xác định tổng mức đầu tư; phân bổ chậm. Đây là những hạn chế cần sớm khắc phục, để nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Đ. KHOA