Dự báo khí hậu năm 2024 có thể còn tồi tệ hơn năm 2023

Kinh tế - Ngày đăng : 15:05, 20/03/2024

(BKTO) - Nhiều kỷ lục thế giới về khí hậu cực đoan đã bị "xô đổ" trong năm 2023, tuy nhiên năm 2024 có thể còn tồi tệ hơn với hiện tượng El Nino làm tăng nhiệt độ ngay trong những tháng đầu tiên của năm.
bao-ve-moi-truong.jpg
Các nhà khoa học cảnh báo năm 2024 khí hậu có thể khắc nghiệt hơn so với năm 2023 - Ảnh minh họa

Nhiệt độ trung bình của Trái Đất cao nhất trong 174 năm

Ngày 19/3, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết mọi kỷ lục lớn về khí hậu toàn cầu đã bị phá vỡ vào năm ngoái, đồng thời bày tỏ mối quan ngại đặc biệt về nhiệt độ đại dương và tình trạng băng tan.

Báo cáo thường niên Tình trạng Khí hậu Toàn cầu của WMO cho thấy nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã lên tới mức cao nhất trong 174 năm, cao hơn 1,45 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng nhiệt độ đại dương cũng ở mức ấm nhất trong 65 năm, gây hại cho nhiều hệ sinh thái biển. Trong báo cáo, Tổng Thư ký WMO Celeste Saulo nhấn mạnh đến “cảnh báo đỏ.”

Ông nói: “Những gì chúng ta chứng kiến vào năm 2023, đặc biệt là sự ấm lên chưa từng thấy của đại dương, sự biến mất của các dòng sông băng và băng tan ở biển Nam Cực, là các nguyên nhân gây ra mối lo ngại đặc biệt này.”

Biến đổi khí hậu, do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch cùng với sự xuất hiện của tình trạng khí hậu El Nino, đã "xô đổ" nhiều kỷ lục trên thế giới trong năm ngoái.

Các nhà khoa học cảnh báo năm 2024 có thể còn tồi tệ hơn, với hiện tượng El Nino làm tăng nhiệt độ trong những tháng đầu tiên của năm nay.

Ngoài ra, báo cáo mới của WMO cũng cho thấy lượng băng ở Nam Cực sụt giảm mạnh, thấp hơn kỷ lục trước đó tới 1 triệu km2. Xu hướng này kết hợp với quá trình nóng lên của đại dương làm tăng hơn gấp đôi tốc độ mực nước biển dâng trong thập kỷ qua, so với giai đoạn 1993-2002.

Báo cáo cũng cho biết nhiệt độ đại dương ghi nhận ở khu vực Bắc Đại Tây Dương cao hơn mức trung bình 3 độ C vào cuối năm 2023. Nhiệt độ đại dương ấm hơn ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển và nhiều loài cá phải di cư khỏi khu vực này về phía Bắc để tìm kiếm nhiệt độ mát hơn.

Người phụ trách giám sát khí hậu của WMO, ông Omar Baddour cho biết: “Khả năng cao là năm 2024 sẽ phá kỷ lục nhiệt độ của năm ngoái.” 

Thế giới cần sự bùng nổ đầu tư vào năng lượng sạch

nang-luong-tai-tao-cnn.jpg
Năm 2023, thế giới đã lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo với công suất kỷ lục 473 gigawatt (GW) - Anh minh họa

Theo báo cáo đặc biệt về theo dõi kết quả Hội nghị COP28 do Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) trình bày tại Đối thoại Chuyển đổi Năng lượng Berlin (BETD), bất chấp sự mở rộng kỷ lục trên phạm vi toàn cầu của tất cả các nguồn năng lượng tái tạo, thế giới vẫn chưa đi đúng lộ trình mở rộng năng lượng tái tạo cần thiết.

Năm 2023, thế giới đã lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo với công suất kỷ lục 473 gigawatt (GW). Tuy nhiên, mục tiêu hiện nay là công suất năng lượng tái tạo đạt 1.000 GW/năm đến năm 2030. Thực tế hiện tại cho thấy mục tiêu này rất tham vọng.

Phát biển tại đối thoại BETD, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết năm ngoái, thế giới đã lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo nhiều hơn 50% so với năm 2022.

Hội nghị COP28 vừa qua ở Dubai (Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất) cũng thể hiện rõ rằng thời đại nhiên liệu hóa thạch sắp kết thúc.

Hiện tại, chỉ riêng châu Phi đã có khoảng 600 triệu người vẫn chưa được sử dụng điện. Để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu, thế giới thực sự cần một sự bùng nổ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch.

Dẫn chứng những nỗ lực của nhiều quốc gia trên thế giới, Ngoại trưởng Đức cho biết: Uruguay hiện có thể sản xuất 98% điện năng từ năng lượng tái tạo. Oman đang xây dựng một số dự án năng lượng mặt trời lớn để cung cấp điện cho hàng chục nghìn hộ gia đình. Một trong những nhà máy sản xuất amoniac xanh lớn nhất thế giới đang được xây dựng ở Namibia, giúp thúc đẩy hơn quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hydro xanh.

Ngoại trưởng Baerbock nhấn mạnh đã đến lúc thế giới phải loại bỏ nhiên liệu hóa thạch để giải phóng tiềm năng kinh tế của năng lượng tái tạo.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck cho biết nước Đức cũng nỗ lực trong quá trình này. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung cấp điện của Đức tăng hơn 50% trong thời gian qua. Và Đức đang tiếp tục tăng tốc với mục tiêu nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 80% vào năm 2030.

Phó Thủ tướng Habeck cũng cho biết, tại hội nghị COP28, quốc tế đã đề ra mục tiêu lớn về sử dụng năng lượng tái tạo và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch để đạt được mục tiêu toàn cầu. Để thực hiện thành công các mục tiêu này vào năm 2030, việc tăng cường hợp tác quốc tế và sự đóng góp của mỗi quốc gia với những lợi thế và giải pháp riêng là rất quan trọng.

Nam Sơn