Thước đo và động lực từ thương hiệu quốc gia
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 21/03/2024
Thương hiệu quốc gia và thương hiệu của sản phẩm DN có gắn kết chặt chẽ qua lại, vừa là thước đo các lợi thế cạnh tranh về uy tín và giá cả, lợi ích có thể mang lại cho người tiêu dùng, vừa là động lực và có sức mạnh mang tính biểu trưng mức độ ảnh hưởng đến các quyết định mua sắm của người tiêu dùng thông qua các sản phẩm cụ thể, các hoạt động xúc tiến thương mại hay các hoạt động văn hóa nghệ thuật kết thành nền tảng vững chắc để các DN phát triển.
Nhiều năm nay, Việt Nam không chỉ được thế giới đánh giá là điểm sáng trong bức tranh phục hồi, phát triển kinh tế, mà còn trong xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia. Theo kết quả đánh giá của Tổ chức Brand Finance, giá trị Thương hiệu Quốc gia “Vietnam” liên tục được cải thiện trên bảng xếp hạng thế giới, tăng hơn 2,1 lần về quy mô, tăng 11 bậc trong xếp hạng giai đoạn 6 năm từ 2018-2023 và liên tục tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất thế giới: Đạt 235 tỷ USD năm 2018 (xếp hạng thứ 43/100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2017); đạt 274 tỷ USD năm 2019 (tăng 16,5% so với năm trước và tăng 1 bậc, xếp hạng thứ 42); đạt 319 tỷ USD năm 2020 (tăng 29% và tăng 9 bậc, xếp thứ 33); đạt 388 tỷ USD năm 2021 (tăng 21% và duy trì vị trí thứ 33); đạt 431 tỷ USD năm 2022 (tăng 11% và tăng hạng 1 bậc lên vị trí thứ 32); đạt 498,13 tỷ USD năm 2023 (tăng 15,6%, xếp bậc thứ 32/100).
Thương hiệu ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược cạnh tranh và phát triển của mỗi DN, ngành, địa phương và cả quốc gia. Một DN có sản phẩm với thương hiệu uy tín thì thương hiệu của DN đó sẽ được nâng cao. Một quốc gia có nhiều DN với thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia. Nói cách khác, một thương hiệu quốc gia mạnh khi có nhiều thương hiệu DN mạnh và ngược lại. Hiện trên thế giới đã có hơn 80 nước triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia.
Việt Nam xây dựng và triển khai Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value) theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003 và kể từ năm 2008 đã chính thức lấy ngày 20/4 hằng năm là “Ngày Thương hiệu Việt Nam”. Theo thời gian, số lượng DN được công nhận có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia ngày càng tăng: 30 DN năm 2008; 62 DN năm 2014; 97 DN năm 2018... Hằng năm, các DN này có hàng chục mặt hàng xuất khẩu kim ngạch thuộc Top 10 thế giới; đóng góp cho thu ngân sách nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng; thu hút hàng trăm nghìn lao động; hỗ trợ an sinh cho cộng đồng xã hội hàng nghìn tỷ đồng và một số sản phẩm thương hiệu quốc gia đã mang tầm quốc tế…
Quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới của cạnh tranh và hội nhập quốc tế đòi hỏi có sự gia tăng gắn kết thương hiệu sản phẩm của DN với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch; sự phối hợp đồng bộ, thống nhất của hệ thống thể chế từ kinh tế, thương mại đến ngoại giao, từ trung ương đến địa phương và cộng đồng DN cả nước, bám sát nguyên tắc “ưu tiên cho nhóm sản phẩm hàng đầu và tập trung vào những thị trường ưu tiên”…
Đặc biệt, để xây dựng thành công Thương hiệu quốc gia trong khát vọng hùng cường, đòi hỏi sự đồng thuận và có tổ chức thống nhất chung trong sự đồng hành của Nhà nước với DN; sự kết hợp chặt chẽ và hiệu quả bàn tay Nhà nước với bàn tay thị trường và xã hội, xử lý hài hòa lợi ích DN với lợi ích cộng đồng quốc gia, dân tộc; tăng cường sự nhận biết và uy tín đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam; xây dựngViệt Nam là một quốc gia có sức cạnh tranh cao về hàng hoá, dịch vụ đa dạng, phong phú và gắn với các giá trị “Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong”; hấp dẫn các nhà nhập khẩu, phân phối, đầu tư, các du khách, người lao động và người tiêu dùng cả trong nước, cũng như trên toàn thế giới..!
Đồng thời, DN phải khắc phục tư duy lỗi thời “hàng tốt xuất khẩu, hàng kém bán trong nước”; nỗ lực chinh phục người tiêu dùng Việt Nam trên cơ sở xây dựng mạng lưới phân phối rộng khắp, khép kín, với sự phối hợp của đông đảo hiệp hội ngành nghề và sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hai bàn tay thị trường và bàn tay Nhà nước; đáp ứng mọi yêu cầu chất lượng, giá cả và thỏa mãn thị hiếu đa dạng, ngày càng khắt khe, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng; gìn giữ và bảo vệ thương hiệu để tránh sản phẩm bị làm giả trên thị trường; kiểm soát biên giới chặt chẽ, không “tham bát bỏ mâm”, không cho phép hàng ngoại chất lượng thấp tràn vào thị trường trong nước hoặc “mượn” xuất xứ Việt Nam để trung chuyển xuất khẩu, né thuế, chiếm đoạt các ưu đãi hay lách các hàng rào bảo hộ trong cạnh tranh thương mại quốc tế ngày càng gay gắt hơn.
Xây dựng Thương hiệu quốc gia trong chiến lược tổng thể chung là một bước phát triển nhận thức và hành động của lãnh đạo các Bộ, các ngành, các cơ quan trung ương và địa phương, các DN và cả cộng đồng xã hộiViệt Nam; là thước đo và động lực quan trọng cho phát triển DN đất nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Thương hiệu quốc gia là thước đo và động lực phát triển cả vĩ mô và vi mô. Đã qua rồi thời kỳ hàng nội vô danh, ẩn danh hay mượn danh thương hiệu ngoại. Đã đến lúc hàng Việt và DN Việt Nam tự tin hơn và vươn ra, tự đến với người tiêu dùng bằng đôi chân, trí tuệ thông minh và bản lĩnh thương trường của chính mình, trước mắt và lâu dài, cũng là phương tiện quan trọng để hàng Việt vươn xa, hội nhập thành công.../.