FED quyết định giữ lãi suất ổn định ở mức hiện tại
Kinh tế - Ngày đăng : 18:17, 21/03/2024
Fed không vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ
Tuyên bố chính sách mới của Fed mô tả lạm phát vẫn ở mức "tăng cao," trong khi các dự báo kinh tế được cập nhật hàng quý cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, sẽ tăng ở mức 2,6% vào cuối năm 2024, cao hơn so với mức dự báo 2,4% được đưa ra vào tháng 12/2023.
Dự báo tăng trưởng kinh tế cũng được Fed điều chỉnh tăng lên mức 2,1% trong năm 2024, từ mức chỉ 1,4% được đưa ra vào tháng 12/2023, trong khi tỷ lệ thất nghiệp được kỳ vọng ở mức 4,0%, thấp hơn mức dự báo 4,1% đưa ra trước đó; dự báo về tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,9%, tương đương với mức được ghi nhận trong tháng 2/2024.
Trên cơ sở các dự báo trên, 10/19 nhà hoạch định chính sách của Fed nhận định lãi suất chính sách sẽ giảm ít nhất 0,75% cho đến cuối năm 2024 với 3 lần cắt giảm 0,25%. Tuy nhiên, dự báo lãi suất chính sách trung bình dài hạn được các nhà hoạch định chính sách của Fed nâng thêm 0,1%, lên mức 2,6%, từ mức 2,5% đưa ra trước đó.
Các quan chức Fed cũng dự báo lãi suất chính sách sẽ giảm thêm 0,75% vào năm 2025, thấp hơn mức dự báo cắt giảm 1,0% được đưa vào tháng 12/2023, trong khi mức giảm lãi suất của năm 2026 được giữ nguyên ở mức 0,75%.
Tuyên bố chính sách sau cuộc họp của Fed cũng nhất trí đánh giá hoạt động kinh tế của Mỹ đang mở rộng với tốc độ vững chắc, trong khi việc làm vẫn tăng mạnh và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.
Tuy nhiên, tuyên bố tiếp tục lặp lại nhận định được đưa ra trong cuộc họp hồi tháng 1/2024, theo đó Fed không kỳ vọng cắt giảm lãi suất cho đến khi có niềm tin lớn hơn về việc lạm phát đang giảm một cách vững chắc về mức 2%.
Thị trường tài chính trước cuộc họp của Fed đã dự báo gần như chắc chắn ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024.
Chứng khoán Mỹ chốt phiên cao kỷ lục sau quyết định của Fed
Ngay sau khi quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản lần thứ năm liên tiếp của FED, sắc xanh đã bao trùm các sàn chứng khoán tại Mỹ trong phiên ngày 20/3 (giờ địa phương), các chỉ số chứng khoán chính chốt phiên cao kỷ lục.
Khép lại phiên giao dịch chiều 20/3, cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ gồm Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều ghi nhận mức cao kỷ lục từ tháng 11/2021 tới nay.
Cụ thể, chỉ số chứng khoán công nghiệp Dow Jones tăng tới 1%, tương đương 401,37 điểm, để chốt phiên ở mức 39.512,13 điểm. S&P 500 tăng 46,11 điểm lên 5.224,62 điểm và lần đầu tiên xô đổ mốc kỷ lục 5.200 điểm.
Trong khi đó, Nasdaq Composite cũng tăng thêm 202,62 điểm (tương đương 1,3%) và đóng cửa phiên giao dịch ở ngưỡng 16.369,41 điểm.
Số liệu của công ty dữ liệu tài chính Factset cho thấy hầu hết các mã chứng khoán tại các sàn giao dịch của Mỹ đều ghi nhận đà tăng, trong khi thị trường trái phiếu, lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 giảm nhẹ xuống còn 4,271%.
Theo số liệu của Dow Jones Market, thị trường tài chính đã chứng kiến “một làn sóng xanh” cao kỷ lục, trong đó nhiều mã lập đỉnh từ trước tới nay, trong đó các mã chứng khoán công nghệ ghi nhận xu thế tăng mạnh nhất.
Ở thị trường vàng, đà khởi sắc của kim loại quý này vẫn đang tiếp diễn, đưa giá lên mức cao kỷ lục mới trên 2.200 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 21/3. Giá vàng còn có khả năng tăng hơn nữa trong bối cảnh các ngân hàng trung ương đang tiếp tục mua lượng vàng cao kỷ lục.
Vào lúc 14 giờ 27 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng đã tăng 5,26 USD, hay 0,24%, lên 2.209,04 USD/ounce. Các chuyên gia nhận định giá vàng có thể tăng lên 2.300 USD/ounce trong nửa cuối năm 2024, khi các nhà đầu tư hoan nghênh tín hiệu của Fed về việc cắt giảm lãi suất ba lần trong năm nay.
Là một kênh trú ẩn an toàn, vàng trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư, khi các ngân hàng trung ương giảm chi phí cho vay. Tài sản không sinh lời này cũng được coi là một khoản đặt cược chắc chắn khi lợi suất đang bị kìm hãm bởi chính sách tiền tệ mạnh mẽ như cắt giảm lãi suất và kích thích kinh tế.
Các ngân hàng trung ương vẫn đang tăng nắm giữ vàng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị. Hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ, đã giúp bù đắp dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ hoán đổi danh mục vàng (ETF vàng) trong thời gian qua.