Doanh nghiệp của Ủy ban Quản lý vốn sẵn sàng hợp tác với đối tác Hoa Kỳ
Kinh tế - Ngày đăng : 15:37, 22/03/2024
Tại buổi làm việc, bà Sarah Morgenthau cho biết, trong chuyến công tác lần này, thành phần đoàn bao gồm lãnh đạo Chính phủ Hoa Kỳ, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) và 50 doanh nghiệp hàng đầu. Đây là hoạt động được USABC tổ chức thường niên với sự tham gia của các công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin và truyền thông, dịch vụ tài chính, logistics, sản xuất, năng lượng, hàng không vũ trụ và quốc phòng, y tế, hàng tiêu dùng, nông nghiệp và thực phẩm, quỹ đầu tư cùng nhiều lĩnh vực khác.
Bà Sarah Morgenthau cũng nhấn mạnh, đây là phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất của Hoa Kỳ tới Việt Nam kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 vừa qua. Trong thời gian ở Việt Nam, đoàn công tác sẽ làm việc với các Bộ, ban, ngành, địa phương Việt Nam nhằm xúc tiến các cơ hội đầu tư hoặc mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
“Các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đang đầu tư ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực lớn, bao gồm năng lượng sạch, bán dẫn, hay viễn thông... giúp tăng cường chuỗi cung ứng và tạo việc làm cho người dân; trong khi đó, Việt Nam cũng đang mở rộng hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng với kinh tế Hoa Kỳ” - bà Sarah Morgenthau cho biết.
Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Hoa Kỳ (EXIM) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) vừa ký Biên bản ghi nhớ (MOU) trị giá 500 triệu USD để tạo điều kiện tài trợ cho hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam. EXIM sẽ hợp tác chặt chẽ với VDB để xác định các dự án về cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và các dự án khác nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam.
Bà Sarah Morgenthau
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa EXIM và VDB thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Việt Nam với các giải pháp tài chính cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh nhằm hiện thực hóa các cam kết về phòng, chống biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ luôn đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam và nhìn nhận Việt Nam như một thị trường mới nổi và điểm đến đầu tư hấp dẫn. Vì vậy, bà Sarah Morgenthau bày tỏ các doanh nghiệp muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với khối doanh nghiệp nhà nước do UBQLV làm đại diện chủ sở hữu.
Theo Phó Chủ tịch UBQLV Nguyễn Ngọc Cảnh, UBQLV là cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam; được giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước do Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu hiện đang hoạt động trên những lĩnh vực trọng điểm của đất nước như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, đầu tư tài chính, viễn thông - công nghệ thông tin và hạ tầng.
Những năm qua, các doanh nghiệp nhà nước do UBQLV làm đại diện chủ sở hữu đã, đang và luôn tiếp tục mở rộng thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác của Hoa Kỳ. Trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) duy trì hợp tác với Casa Systems, Cisco, Lockheed Martin, Microsoft, Amazon, Google, Meta và Qualcomm.
Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ dựa trên 10 trụ cột, trong đó, quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư giữa hai nước có vai trò hết sức quan trọng. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ trên thế giới và là đối tác lớn nhất tại ASEAN.
Phó Chủ tịch UBQLV Nguyễn Ngọc Cảnh
Trong lĩnh vực hạ tầng, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp với Boeing trong 30 năm qua; gần đây nhất, Vietnam Airlines và Boeing đã ký Ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX, trị giá 10 tỷ USD, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam mới đây của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Vừa qua, lãnh đạo UBQLV đã có những chỉ đạo đối với Vietnam Airlines trong công tác hoàn thiện Đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn của Tổng công ty do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong đó, có chiến lược phát triển đội tàu bay, có các nội dung liên quan đến tàu bay của Boeing. Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) có quan hệ hợp tác với SSA Marine trong quản lý và vận hành cảng nước sâu tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.
Trong lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện đang triển khai một số dự án năng lượng quan trọng với ExxonMobil. Theo Phó Chủ tịch UBQLV Nguyễn Ngọc Cảnh, hiện nay, phát triển năng lượng tái tạo là một chủ trương lớn của Việt Nam. Nhiều cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo đã được ban hành, trong đó tập trung vào khuyến khích phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, nhất là nguồn điện gió, điện mặt trời, sinh khối…
Cùng với đó, thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nỗ lực triển khai 14 dự án nguồn điện. Ngoài EVN còn có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng tích cực tham gia vào công tác phát triển nguồn điện, đáp ứng nhu cầu lớn của nền kinh tế.
Về công tác truyền tải điện, theo Quy hoạch điện VIII, trong giai đoạn 2021-2030, EVN cần hoàn thành nhiều công trình lưới điện 500 kV - 220 kV. Do đó, công tác tìm kiếm nguồn tài chính, cân đối nguồn vốn là vấn đề quan trọng trong thời gian tới. Các Tập đoàn: EVN, Petrovietnam và TKV cũng quan tâm tới những hỗ trợ về kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, thiết bị vận hành hệ thống điện từ những đối tác hàng đầu của Hoa Kỳ như General Electric (GE)…/.