Kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện chính sách cho người có công

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:04, 25/03/2024

(BKTO) - Thông qua kiểm toán, Đoàn kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) sẽ chỉ ra các hạn chế, bất cập để kiến nghị với đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí trong thực hiện chính sách cho người có công (NCC).
dsc_3273.jpg
Đoàn kiểm toán của KTNN chuyên ngành III thực hiện kiểm toán. Ảnh TL

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được đề cập trong Đề cương kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công giai đoạn 2021-2023 (Đề cương kiểm toán), ban hành kèm theo Quyết định số 496/QĐ-KTNN ngày 13/3/2024 của Tổng Kiểm toán nhà nước. 

Theo KTNN, thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NCC; xác định đó là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của toàn hệ thống chính trị.

Bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, các chính sách, quy định pháp luật, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực dành cho NCC. 

Theo đó, mục tiêu của cuộc kiểm toán nhằm đánh giá, xác nhận tính trung thực, hợp lý của thông tin, số liệu kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi NCC giai đoạn 2021-2023.

Đánh giá việc tuân thủ pháp luật; tính hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng kinh phí NSNN thực hiện các chính sách ưu đãi NCC giai đoạn 2021-2023 tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Cuộc kiểm toán còn nhằm cung cấp những thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng kiểm tra, điều tra, giám sát quá trình quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi NCC.

Trích Đề cương kiểm toán

Thông qua kiểm toán, Đoàn kiểm toán sẽ chỉ ra các hạn chế, bất cập để kiến nghị với đơn vị được kiểm toán chấn chỉnh công tác quản lý; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn bất cập; phát hiện kịp thời các sai phạm, hành vi tham nhũng, lãng phí và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi NCC được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Kiểm toán nhiều Bộ, ngành, địa phương...

Theo Đề cương kiểm toán, KTNN sẽ thực hiện kiểm toán tại các Bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thực hiện chính sách ưu đãi NCC và thực hiện các nội dung như xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án về ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; tổ chức lập quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC với cách mạng theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo việc thực hiện pháp luật về NCC, xử lý theo quy định về trách nhiệm, thẩm quyền được giao; hướng dẫn thực hiện quản lý, chi trả chế độ trợ cấp và phụ cấp ưu đãi hàng tháng, trợ cấp ưu đãi một lần, nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC; lập, phân bổ, giao dự toán kinh phí; thẩm định và thông báo kết quả thẩm định quyết toán cho các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội…

Bộ Quốc phòng có trách nhiệm trong việc ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi đối với NCC do Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý; chỉ đạo công tác xác minh, cung cấp thông tin đối tượng thuộc quyền quản lý bị bệnh, bị thương, hy sinh; tính pháp lý giấy tờ, hồ sơ; xác nhận thời gian, địa bàn hoạt động; giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội…

Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bảo đảm ngân sách Trung ương thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi NCC; thanh tra, kiểm tra việc sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi NCC; hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi NCC; Thanh tra, kiểm tra việc thu, chi Quỹ Đền ơn đáp nghĩa theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, KTNN cũng kiểm toán, đánh giá công tác quản lý việc thực hiện chính sách dành cho NCC tại các Bộ, ngành khác gắn với lĩnh vực được giao phụ trách.

dsc_4181-1-.jpg
Kiểm toán góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng kinh phí NSNN thực hiện các chính sách ưu đãi NCC. Ảnh: N.Lộc

Tại các địa phương, KTNN sẽ đánh giá về trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách, chế độ ưu đãi đối với NCC trên địa bàn quản lý; tổ chức triển khai các chính sách, chế độ ưu đãi đối với NCC trên địa bàn; bố trí ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ chi quy định tại Điều 45 của Pháp lệnh ưu đãi NCC theo phân cấp, ủy quyền của Chính phủ và quy định của pháp luật về NSNN; Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động nguồn lực trong xã hội để chăm lo, giúp đỡ NCC và gia đình…

Những lưu ý trong tổ chức thực hiện kiểm toán

Theo Đề cương kiểm toán, KTNN chỉ kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí nguồn ngân sách trung ương do ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý; không kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn ngân sách địa phương do qua thu thập thông tin tại 10 địa phương được kiểm toán năm 2024, có 2 địa phương (tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Bến Tre) không phát sinh kinh phí thực hiện các chính sách chế độ ưu đãi NCC, 6/10 địa phương (TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Nam Định, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Thái Bình) không tách riêng nguồn kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi NCC, chỉ thuộc một phần kinh phí sự nghiệp đảm bảo xã hội. 

Phạm vi kiểm toán là giai đoạn 2021-2023 và các thời kỳ trước sau có liên quan. Nguồn kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi NCC do ngành Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý, gồm nguồn ngân sách Trung ương và Quỹ Đền ơn đáp nghĩa.

Trích Đề cương kiểm toán

Đề cương kiểm toán lưu ý: Căn cứ vào Chuẩn mực KTNN, kết quả khảo sát thu thập thông tin và trong quá trình thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên cần tiến hành các thủ tục phân tích một cách kỹ lưỡng các thông tin cũng như các đánh giá thông tin đã thu thập được trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi NCC giai đoạn 2021-2023 tại các Bộ, ngành và địa phương, hệ thống kiểm soát nội bộ để thiết kế các thủ tục kiểm toán cần thiết nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro có sai sót trọng yếu.

Việc xác định rủi ro có sai sót trọng yếu cần được thực hiện một cách liên tục trong tất cả các bước của quy trình kiểm toán. Tuy nhiên ở bước chuẩn bị kiểm toán chỉ tiến hành xác định ở mức độ tổng thể để xác định các vấn đề cần lưu ý và cách thức xử lý cho các bước tiếp theo của quy trình.

Đề cương kiểm toán cũng lưu ý các vấn đề trọng yếu kiểm toán tại từng đơn vị được kiểm toán; thủ tục kiểm toán, hồ sơ mẫu biểu kiểm toán… mà kiểm toán viên phải tuân thủ để đạt được mục tiêu, yêu cầu kiểm toán của Ngành. 

Theo kế hoạch, cuộc kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công giai đoạn 2021-2023 được triển khai thực hiện trong đợt 1 (tháng 3/2024). KTNN chuyên ngành III là đơn vị được giao chủ trì và là đầu mối tổng hợp kết quả cuộc kiểm toán chuyên đề có quy mô toàn Ngành này. 

N.LỘC