Giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng: Cần thiết nhưng phải có lộ trình

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 12:00, 17/11/2016

(BKTO) - Giai đoạn 2(2016-2020) của quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được khởiđộng. Một trong những vấn đề đặt ra ở giai đoạn này là cần xây dựng lộ trình phùhợp để có thể giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng.


Cần thiết giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước

Đến thời điểm này, tỷ lệ sở hữu nhà nước tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là 100%; Ngân hàng Thương mại (NHTM) Cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) là 95,3%; NHTM Cổ phần Ngoại thương (Vietcombank) là 77,1% và NHTM Cổ phần Công thương (Vietinbank) là 64,5%. Như vậy, tính bình quân, Nhà nước đang nắm giữ 84% vốn tại 4 ngân hàng. Đồng thời, 4 ngân hàng này và 6 ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước khác (gồm 3 ngân hàng 0 đồng, 1 ngân hàng hợp tác xã và 2 ngân hàng chính sách) đang chiếm tới 50% tổng tài sản của toàn hệ thống.

Do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối nên các NHTM nhà nước thiếu sự bứt phá trong hoạt độngẢnh: TK

Nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, tỷ lệ sở hữu nhà nước tại 4 ngân hàng trên còn quá cao so với khu vực và thế giới nên cần thiết phải giảm xuống ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực - Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV nhận định, việc giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước đối với DN cũng như ngân hàng là yêu cầu và điều kiện quan trọng để hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và thực hiện các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Hơn nữa, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, Nhà nước nên giảm dần tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng để tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt khác.

Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam đã giúp các chuyên gia nhận thấy rằng, sự cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng chưa thực sự bình đẳng. Đơn cử, các NHTM nhà nước thường được ưu tiên, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn ODA, còn các NHTM tư nhân hầu như không có nhiều cơ hội để tiếp cận nguồn vốn này. Việc Nhà nước nắm cổ phần chi phối tại một số ngân hàng thương mại khiến cho quyền lực tập trung vào các cổ đông lớn, cổ đông nhỏ ít có tiếng nói, tương quan giữa các cổ đông không tương xứng, gây khó khăn cho quá trình điều hành và quản trị DN; các NHTM nhà nước thiếu tính linh hoạt, năng động, sáng tạo và sự bứt phá trong hoạt động.

Mặt khác, hiện nay, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của 4 NHTM nhà nước nói trên còn thấp (chỉ khoảng 10%), năng lực tài chính tăng chậm hơn so với quy mô tổng tài sản. Thực trạng này khiến cho hoạt động của các ngân hàng vẫn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Bởi vậy, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Thị Mùi, cần giảm tỷ lệ vốn nhà nước ở các ngân hàng này để tạo thặng dư vốn, từ đó có thể giúp ngân hàng bổ sung vốn và nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế.

Xây dựng lộ trình phù hợp

Cơ cấu lại các TCTD tiếp tục là một trong những nội dung trọng tâm của Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 mà Quốc hội thông qua mới đây. Việc giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng trong thời gian tới sẽ góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngân hàng. Vấn đề đặt ra là xây dựng lộ trình này thế nào cho phù hợp?

Giám đốc Công ty Luật Vietthink Lê Đình Vinh cho rằng, tài chính - ngân hàng vốn là hệ thống huyết mạch của nền kinh tế nên cần giảm dần tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng. “Nếu thoái vốn một cách nóng vội thì dễ đẩy lượng tài sản lớn ra thị trường trong khi thị trường chưa đủ sức để hấp thụ hết; thậm chí còn tạo kẽ hở trong cổ phần hóa, gây thất thoát tài sản nhà nước. Thực tế này đã từng xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới”- ông Vinh khuyến cáo.

Để giảm dần tỷ lệ sở hữu nhà nước tại một số ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực và PGS.TS Nguyễn Thị Mùi đã đề xuất lộ trình cụ thể. Trước mắt, có thể giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại 4 NHTM nêu trên xuống 75%, rồi 65%; sau đó, sẽ giảm tiếp xuống còn 51% vào năm 2020. Lý do chưa thể giảm sâu tỷ lệ này tại các ngân hàng xuống dưới 51% là để tránh các cú sốc và giúp Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả, góp phần ổn định vĩ mô. Về lâu dài, sau năm 2020, nếu điều kiện cho phép, chúng ta có thể giảm tiếp tỷ lệ này.

Hiện một số nhà đầu tư nước ngoài mong muốn nắm giữ cổ phần chi phối hơn để tham gia vào công tác quản trị điều hành và làm thay đổi về chất của các ngân hàng. Để giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước, các ngân hàng Việt vẫn đang tích cực tìm kiếm những cổ đông chiến lược. Kiến nghị của các ngân hàng cũng như nhiều chuyên gia là Chính phủ cần nới room mạnh hơn nữa cho khối ngoại, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển nhượng cổ phần của các ngân hàng, nhất là khối NHTM nhà nước.

NGỌC MAI