Biểu lộ cảm xúc tại nơi làm việc: Hướng dẫn dành cho kế toán và kiểm toán viên

Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 13:20, 27/03/2024

(BKTO) - Đối với những người làm trong ngành kế toán và kiểm toán, việc hiểu và áp dụng những nguyên tắc về cảm xúc tại nơi làm việc không chỉ cải thiện chất lượng công việc mà còn góp phần tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh và hỗ trợ sự phát triển cá nhân...
tran-khanh-lam(1).jpg
TS. Trần Khánh Lâm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA). Ảnh: Tác giả cung cấp

Trước đây, nơi làm việc thường được coi là không gian không có cảm xúc, nơi mà mọi biểu hiện của tình cảm đều không được chấp nhận vì cho rằng nó không chuyên nghiệp hoặc là dấu hiệu của sự yếu đuối. Tuy nhiên, quan điểm này đã thay đổi rõ rệt.

Ngày nay, chúng ta nhận ra rằng việc bỏ qua yếu tố cảm xúc trong công việc có thể dẫn đến các vấn đề như quyết định kém, xung đột không giải quyết và stress, kiệt sức. Đối với những người làm nghề kế toán và kiểm toán, việc đối mặt với sự thay đổi này có thể là một thách thức nhưng cũng là điều cần thiết.

Hiểu về trí tuệ cảm xúc tại nơi làm việc

Trí tuệ cảm xúc (EQ) là khả năng nhận thức, kiểm soát và đánh giá cảm xúc của bản thân và người khác. Nó bao gồm khả năng hiểu và quản lý cảm xúc để giao tiếp hiệu quả, đồng cảm với người khác và xây dựng các mối quan hệ bền chặt.

Việc hiểu rõ điều này rất quan trọng trong việc xây dựng một văn hóa chấp nhận về cảm xúc trong khi vẫn giữ được sự chuyên nghiệp của công việc.

Nhận thức sai lầm về hạnh phúc liên tục

Nhiều người tin rằng hạnh phúc là một trạng thái định mệnh, không thể thay đổi và chỉ dành cho những người "được chọn". Tuy nhiên, hạnh phúc thực sự có thể thay đổi và phát triển thông qua các lựa chọn và hành động của chúng ta.

Có một quan niệm sai lầm rằng hạnh phúc liên quan trực tiếp đến thành công, khiến mọi người cảm thấy áp lực phải luôn xuất hiện lạc quan. Sự theo đuổi không ngừng này có thể làm giảm sự thoải mái vì nó bỏ qua các cảm xúc khác quan trọng như giận dữ, ghen tị và buồn bã bởi vì hạnh phúc thực sự xuất phát từ bên trong và liên quan đến cảm giác yên tâm, thư thái trong tâm hồn.

Đón nhận các cảm xúc

Quan trọng là phải nhận thức rằng không thể lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc. Các cảm xúc (kể cả những cảm xúc được coi là tiêu cực) đều có vai trò giúp chúng ta thích nghi và nó cung cấp thông tin quan trọng về môi trường xung quanh chúng ta. Nó giúp chúng ta xử lý dữ liệu và tập trung vào các mối đe dọa tiềm ẩn, từ đó là cần thiết cho sự sống còn và sự thoải mái của chúng ta.

Đối phó với xung đột và cảm xúc tại nơi làm việc

Trong một nhóm làm việc coi trọng việc trao đổi và tranh luận lành mạnh (như các kiểm toán viên, kế toán viên) thì việc xung đột là điều không thể tránh khỏi. Hai loại xung đột chính trong môi trường làm việc, đó là xung đột về công việc và xung đột về mối quan hệ.

Xung đột về công việc thường liên quan đến những bất đồng về ý tưởng, quy trình, hoặc hướng đi của dự án. Loại xung đột này có thể có lợi nếu được quản lý đúng cách, vì nó khuyến khích sự đa dạng quan điểm và có thể dẫn đến các giải pháp sáng tạo hơn.

Xung đột về mối quan hệ thì liên quan đến những mâu thuẫn cá nhân, thường xuất phát từ sự khác biệt về tính cách hoặc giá trị. Loại xung đột này thường có tác động tiêu cực đến tinh thần làm việc và cần được giải quyết nhanh chóng để tránh ảnh hưởng lâu dài đến đội ngũ.

Xây dựng môi trường công việt cởi mở về cảm xúc

Khi nói đến việc tạo ra một văn hóa làm việc cởi mở về mặt cảm xúc, việc lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của nhau là chìa khóa. An toàn tâm lý giúp tạo ra một không gian làm việc mà ở đó nhân viên cảm thấy thoải mái chia sẻ ý tưởng và phản hồi, kể cả khi chúng có thể chưa hoàn thiện hoặc khác biệt; mọi người được khuyến khích thừa nhận và học hỏi từ sai lầm, thay vì che giấu hoặc đổ lỗi.

Khi nhân viên không sợ hãi việc thể hiện suy nghĩ của mình, họ có thể đưa ra các giải pháp sáng tạo và đột phá. Mọi người trong nhóm cảm thấy thoải mái khi đưa ra ý tưởng, thừa nhận sai lầm và mạo hiểm mà không sợ bị nhóm xã hội loại bỏ.

Tạo điều kiện cho thể hiện cảm xúc tại nơi làm việc

Để tạo ra một môi trường làm việc hạnh phúc, việc xây dựng một văn hóa mở, nơi mọi người có thể tự do biểu hiện cảm xúc thực sự của họ, là vô cùng quan trọng. Một môi trường như vậy không chỉ khuyến khích sự trung thực và mở lòng, mà còn tạo điều kiện cho sự hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau. Sự an toàn tâm lý và niềm tin giữa nhân viên và quản lý được xây dựng thông qua việc không phán xét và cam kết lắng nghe.

Linh hoạt trong cách làm việc và đón nhận sự đa dạng về cảm xúc cũng đóng vai trò quan trọng, giúp mỗi cá nhân cảm thấy rằng họ được chấp nhận và trân trọng, kể cả khi họ không cảm thấy hạnh phúc. Môi trường làm việc như vậy không chỉ nâng cao hiệu suất làm việc mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và khỏe mạnh về mặt tinh thần cho tất cả mọi người.

Tóm lại, đối với những người làm trong ngành kế toán và kiểm toán, việc hiểu và áp dụng những nguyên tắc về cảm xúc tại nơi làm việc không chỉ cải thiện chất lượng công việc mà còn góp phần tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh và hỗ trợ sự phát triển cá nhân. Thấu hiểu và tôn trọng cảm xúc của bản thân và đồng nghiệp, không chỉ làm tăng hiệu quả công việc mà còn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong nơi làm việc./.

TS. TRẦN KHÁNH LÂM - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VACPA