Đồng yen rơi xuống mức thấp của 34 năm
Tài chính - Ngày đăng : 19:28, 27/03/2024
Lãi suất tăng thúc đẩy hoạt động bán ra đồng yen
Đồng yen đã giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm, giao dịch gần mức 152 yen/USD tại thị trường Tokyo trong phiên 27/3, trong bối cảnh BoJ dự kiến sẽ duy trì lập trường thích ứng bất chấp việc lãi suất tăng đã thúc đẩy hoạt động bán ra đồng yen.
Đồng yen giao dịch ở mức khoảng 151,97 yen/USD sau khi thành viên Hội đồng quản trị BoJ Naoki Tamura cho biết lãi suất ngắn hạn sẽ vẫn ở mức gần 0 trong thời điểm hiện tại, mặc dù ngân hàng trung ương đã thực hiện một bước đi hướng đến bình thường hóa chính sách bằng cách chấm dứt lãi suất âm vào tuần trước.
Các nhà đầu tư đã bán đồng yen để lấy đồng USD trong bối cảnh chênh lệch lãi suất lớn giữa Nhật Bản và Mỹ, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ, còn BoJ theo đuổi các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Vào buổi trưa, đồng USD đạt mức 151,88-91 yen/USD so với mức 151,50-60 yen/USD tại New York và mức 151,32-34 yen/USD ở Tokyo lúc 17 giờ ngày 26/3.
Đồng euro được niêm yết ở mức 1,0824-1,0828 USD/euro và 164,39-49 yen/euro so với mức 1,0825-1,0835 USD/euro và 164,10-164,20 yen/euro tại New York, và 1,0841-1,0843 USD/euro và 164,05-164,09 yen/euro ở Tokyo chiều 26/3.
Chứng khoán đã tăng lên do sự mất giá của đồng yen đã thúc đẩy các nhà xuất khẩu, những người được hưởng lợi từ đồng yen yếu hơn khi chuyển lợi nhuận từ nước ngoài về nước.
Chỉ số Nikkei 225 đã tăng 406,82 điểm, tương đương 1,01%, lên 40.804,85 điểm. Chỉ số Topix tăng 24,65 điểm, tương đương 0,89%, lên 2.805,45 điểm.
Các nhà phân tích cho biết, các nhà đầu tư cũng đã tận dụng cơ hội để mua nhiều loại cổ phiếu sau khi giảm giá vào đầu tuần này.
Trợ lý tổng giám đốc nghiên cứu đầu tư tại SMBC Nikko Securities Inc, ông Chihiro Ota, cho biết chứng khoán Nhật Bản đã đạt đến mức kỷ lục do tâm lý lạc quan, trong đó, các nhà đầu tư cá nhân tích cực mua vào giúp hạn chế sự sụt giảm.
Sự suy yếu của đồng yen không phản ánh các nền tảng kinh tế
Việc BoJ thoát khỏi chính sách lãi suất âm là điều đã được dự đoán từ trước, trong điều kiện kinh tế thuận lợi. Tiền lương tăng mạnh cho thấy lạm phát ổn định và làm giảm sự cần thiết phải để lãi suất ở mức âm hay các chính sách giới hạn lợi suất trái phiếu chính phủ.
Trong cảnh báo mới nhất về sự trượt giá của đồng yen so với đồng USD, ông Masato Kanda, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế nhận định sự suy yếu hiện nay của đồng yen không phản ánh các nền tảng của nền kinh tế.
Phát biểu với báo giới, ông Kanda cho biết nhìn vào tình hình tiền tệ, tỷ giá đồng USD so với đồng yen đã có những biến động lớn lên đến 4% chỉ trong hai tuần qua, điều mà ông cho là bất thường. Theo ông, diễn biến này không phản ánh các nền tảng của nền kinh tế, mà mang tính đầu cơ. Ông cho biết Nhật Bản sẽ sẵn sàng ứng phó một cách thích hợp với những biến động quá mức của đồng yen mà không loại trừ phương án nào. Đồng yen suy yếu có thể ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân vì nó khiến giá hàng nhập khẩu tăng lên.
Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ vào tháng 10/2022 bằng cách mạnh tay mua đồng yen và bán đồng USD, khi đồng yen giảm mạnh xuống mức thấp nhất 32 năm là 151,95 yen đổi 1 USD.
Dù lãi suất tăng được dự đoán sẽ hỗ trợ đồng yen, nhưng những bình luận của Thống đốc Kazuo Ueda nhấn mạnh rằng các điều kiện tài chính sẽ vẫn nới lỏng là một trong những yếu tố khiến đồng yen tiếp tục suy yếu.
Đồng yen là đồng tiền có lãi suất thấp nhất trong số các đồng tiền của nhóm G10, bao gồm đồng AUD của Australia, CAD của Canada, euro của Liên minh châu Âu (EU), yen của Nhật, dollar của New Zealand (NZD), krone của Na Uy (NOK), bảng Anh, SEK của Thụy Điển, franc Thụy Sỹ và USD. Điều này khiến cho đồng yen trở thành đồng tiền lý tưởng cho các giao dịch carry trade.
Carry trade là chiến lược giao dịch ăn chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền, trong đó các nhà đầu tư bán hoặc vay các đồng tiền có lãi suất thấp để thu lợi nhuận từ việc mua vào các đồng tiền có lãi suất cao hơn.
Giới đầu tư đang dự đoán lãi suất của Nhật Bản sẽ không tăng nhanh từ mức hiện tại, qua đó càng kéo dài thời gian mà giới đầu tư có thể tận dụng đồng yen cho các giao dịch carry trade. Lãi suất ngắn hạn của Nhật bản hiện chưa đến 0,1% và được dự đoán sẽ chỉ tăng khoảng 0,2 điểm phần trăm trong năm nay.
Trong khi đó, lãi suất của Fed hiện là 5,25-5,5%, và được dự đoán phải đến tháng Bảy mới giảm 0,25 điểm phần trăm. Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ và Nhật Bản hiện gần 3,5 điểm phần trăm.
Bức tranh lãi suất này cũng đang giữ chân các dòng tiền lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản ở nước ngoài, nơi họ có thể thu lợi nhuận nhiều hơn. Điều này khiến đồng yen mất đi sự hỗ trợ từ các dòng kiều hối. Giới đầu tư Nhật Bản đang giữ khoảng 3.000 tỷ USD trong các trái phiếu nước ngoài và các giao dịch mua bán đồng yen.