Chi phí tuân thủ pháp luật
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:17, 28/03/2024
Công tác xây dựng, ban hành pháp luật ngày càng được thực hiện bài bản, khoa học, chuyên nghiệp, đổi mới và hiệu quả hơn. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề ra là cắt giảm chí phí tuân thủ pháp luật cho người dân và doanh nghiệp.
Chi phí tuân thủ pháp luật là tất cả các khoản tiền mà bạn phải bỏ ra để đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Đó là chi phí cho thủ tục hành chính (phí đăng ký kinh doanh, phí cấp phép hoạt động, phí nộp thuế...); chi phí cho hoạt động tuân thủ (chi phí thuê luật sư tư vấn, chi phí đào tạo nhân viên về pháp luật...); chi phí cho các biện pháp phòng ngừa rủi ro pháp lý (chi phí mua bảo hiểm, chi phí thực hiện đánh giá rủi ro pháp lý...)… Nói cách khác, chi phí tuân thủ pháp luật là "tiền mua sự an tâm". Khi bạn tuân thủ luật pháp, bạn sẽ tránh được các rủi ro như: Bị phạt, bị kiện tụng, ảnh hưởng đến uy tín...
Đối với các doanh nghiệp, chi phí tuân thủ pháp luật là một khoản đầu tư cho sự phát triển bền vững. Khi tuân thủ luật pháp, doanh nghiệp sẽ tạo dựng được hình ảnh uy tín, thu hút khách hàng, nhà đầu tư và có thể hoạt động lâu dài.
Theo một số nghiên cứu, chi phí tuân thủ pháp luật cho cả xã hội thường chiếm trung bình 10% GDP ở các nước phát triển và 15% GDP ở các nước đang phát triển. Nói chung, các nước có chi phí tuân thủ pháp luật thấp thì kinh tế - xã hội càng dễ phát triển. Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (B1) của một số nước như sau: Singapore: B1 = 3.1 (thấp nhất); New Zealand: B1 = 3.2; Đan Mạch: B1 = 3.3; Mỹ: B1 = 5.7; Việt Nam: B1 = 7.0 (cao). Giá trị B1 càng cao, chi phí tuân thủ pháp luật càng cao.
Theo Ngân hàng Thế giới, chi phí tuân thủ pháp luật bình quân cho doanh nghiệp ở Việt Nam chiếm 20-30% lợi nhuận. Trong lúc đó, tại Singapore, con số này chỉ là 5-10%. Rõ ràng, xét về chi phí tuân thủ pháp luật, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đã thấp hơn 3 lần so với doanh nghiệp của Singapore.
Cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật (CPPL) mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và quốc gia. Đối với doanh nghiệp, đó là giảm gánh nặng tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao uy tín. Đối với quốc gia, đó là thu hút đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp và tăng trưởng kinh tế.
Để cắt giảm chi phí tuân thủ thì trước hết phải tính toán được chi phí này trong quá trình lập pháp. Ngoài ra, việc tính toán CPPL trong quá trình lập pháp cũng là điều kiện quan trọng để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi của luật pháp. Có một số phương pháp để tính toán CPPL trên thế giới.
Phương pháp thứ nhất là phân tích chi phí: Xác định các nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng bởi luật pháp (doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức...); xác định các loại chi phí liên quan đến việc tuân thủ luật pháp đối với mỗi nhóm đối tượng, bao gồm: Chi phí trực tiếp (phí, lệ phí, chi phí cho các thủ tục hành chính, chi phí đào tạo, chi phí mua sắm thiết bị...), chi phí gián tiếp (mất thời gian, mất cơ hội kinh doanh, chi phí cho việc giải quyết tranh chấp...); định lượng các loại chi phí dựa trên dữ liệu thực tế hoặc ước tính.
Phương pháp thứ hai là sử dụng mô hình: Có một số mô hình được phát triển để tính toán CPPL, ví dụ như: Mô hình chi phí - lợi ích (so sánh lợi ích của luật pháp với chi phí để tuân thủ luật pháp); Mô hình tác động của quy phạm (phân tích tác động của luật pháp đối với các nhóm đối tượng khác nhau).
Phương pháp thứ ba là tham khảo ý kiến: Tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp luật, kinh tế, doanh nghiệp và các bên liên quan khác để có được đánh giá toàn diện về CPPL. Chúng ta cần nghiên cứu để lựa chọn phương pháp tính toán CPPL phù hợp cho Việt Nam.
Cuối cùng, để thúc đẩy việc cắt giảm CPPL, kiểm toán chi phí tuân thủ pháp luật là rất cần thiết. Đây là một công việc quan trọng, nhưng khá khó khăn, phức tạp. Về mặt lý thuyết, Kiểm toán nhà nước (KTNN) có thể kiểm toán để biết được toàn bộ chi phí tuân thủ pháp luật của cả cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện đầy đủ và chính xác điều này gặp nhiều khó khăn do khối lượng công việc KTNN đang phải đảm nhiệm là rất lớn; thu thập đầy đủ dữ liệu là rất khó khăn; KTNN bị hạn chế về pháp lý liên quan đến việc kiểm toán doanh nghiệp tư nhân và FDI. Tuy nhiên, KTNN có thể lựa chọn một số lĩnh vực cần ưu tiên để kiểm toán, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác để thu thập dữ liệu và thực hiện kiểm toán CPPL./.