Cần bổ sung cơ chế, chính sách để Hà Nội bứt phá

Kinh tế - Ngày đăng : 05:19, 28/03/2024

(BKTO) - Với quan điểm “đô thị đặc biệt phải có chính sách đặc biệt”, thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách để giải quyết những bất cập nội tại của Thủ đô và phát triển bứt phá.
10-thay.jpg
Toàn cảnh trung tâm Thủ đô Hà Nội nhìn từ hồ Hoàn Kiếm ra sông Hồng. Ảnh: ST

Cần các quy chuẩn, tiêu chuẩn tiên tiến hơn trong quy hoạch

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đến thời điểm này đã được tiếp thu, chỉnh lý rất nhiều nội dung, thể hiện được tinh thần phân cấp, trao quyền mạnh cho Thủ đô tự quyết định các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức tiên tiến cho phát triển.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) nhận xét, các quy định liên quan đến quy hoạch trong Dự thảo Luật còn chung chung, mang tính mong muốn, kỳ vọng mà không có căn cứ, tiêu chí đánh giá cụ thể nên sẽ rất khó thực hiện. Theo đại biểu, Dự thảo Luật cần phải quy định rõ về các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng trong quy hoạch, theo hướng những quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng trong quy hoạch Thủ đô cần phải tiên tiến hơn so với các quy chuẩn, tiêu chuẩn thông thường và phải tương đương với các đô thị văn minh trên thế giới. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, cần luật hóa việc khai thác các dòng sông trên địa bàn Hà Nội để các dòng sông tạo ra nguồn lực, phát huy được tiềm năng phát triển cho Thủ đô, đặc biệt là khu vực sông Hồng. “Phải quy hoạch ưu tiên những thứ phát triển mang tính chất tinh túy nhất về vùng Thủ đô” - đại biểu Cường nêu quan điểm.

Vấn đề nổi cộm trong chính sách đặc thù hiện nay là chưa có chế tài đủ mạnh xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường và những phạm vi từ đạo luật khác tác động đến môi trường, như: Quy hoạch, giao thông, chất thải… Vì vậy, tôi đề nghị cần bổ sung quy định cho phép Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội có thể ra quy định về chế tài để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường ở mọi lúc, mọi nơi…

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) nhấn mạnh, vấn đề của Thủ đô Hà Nội hiện nay là ô nhiễm môi trường, không khí, ùn tắc giao thông đang gây khó khăn cho người dân Thủ đô và người dân cả nước đến học tập, công tác. Vậy sửa Luật lần này có giải quyết được vấn đề này hay không? Mặt khác, theo Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị thì tỷ lệ đất dành cho giao thông khoảng 16-26%, cho cây xanh 10m2/người vào năm 2030. Vậy tỷ lệ này hiện nay của Hà Nội là bao nhiêu, khi sửa Luật này thì hướng các chỉ tiêu thế nào? Đặt vấn đề này, đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế giải quyết các vấn đề này vào Điều 28 về bảo vệ môi trường, Điều 30 về phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông, nhất là các cơ chế cho quận nội thành.

Đại biểu Minh cũng chỉ rõ, Hà Nội là nơi tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu với nhiều chuyên gia đầu ngành song “đề tài thì nhiều, áp dụng thì ít, hồ sơ thanh toán dày hơn hồ sơ nghiên cứu”. Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia trên địa bàn Thủ đô thiếu cơ chế linh hoạt, như: Chế độ sử dụng tài sản công khi được các tổ chức cho tặng, cơ chế thử nghiệm giải pháp công nghệ mới, cơ chế mua sắm thiết bị đặc thù... Do đó, Dự thảo Luật cần bổ sung cơ chế, chính sách để Hà Nội bứt phá về nghiên cứu và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia là mô hình chuẩn có thể nhân rộng trong tương lai.

Quan tâm đến vấn đề thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) phân tích, nếu Thủ đô đưa ra các ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược mạnh quá sẽ ảnh hưởng đến tính hấp dẫn hay cạnh tranh việc thu hút đầu tư với các vùng xung quanh, đồng thời sẽ thu hút dòng lao động về Thủ đô quá đông, tạo áp lực lên đô thị. Do đó, đại biểu cho rằng, việc thu hút đầu tư vào Thủ đô phải thực sự trọng tâm, để hỗ trợ cho vùng xung quanh, giảm áp lực đô thị.

Thận trọng với cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Liên quan đến quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng xác định nội dung, lĩnh vực được phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát, xác định khung pháp lý cần thiết để TP. Hà Nội có thể cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn Thành phố, phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền Thành phố. Trong đó, Dự thảo cho phép miễn trừ áp dụng một số quy định trong luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định… phù hợp với phạm vi, yêu cầu, mục đích thử nghiệm.

Thảo luận vấn đề này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, Dự thảo Luật đã mở rộng hơn nhiều so với cơ chế thử nghiệm áp dụng cho TP. Hồ Chí Minh trong Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, cơ chế thử nghiệm được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực. Đại biểu đề nghị nên tiếp cận theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt. “Luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định. Theo kinh nghiệm quốc tế, các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định nhưng thường là tài chính, ngân hàng; giáo dục; y tế” - đại biểu Nghĩa phát biểu.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định về đầu ra, như: Việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm thế nào? hậu quả pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao? Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung các quy định này trong Dự thảo Luật.

Cũng đề cập đến vấn đề này, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) chỉ ra, quy định tại Dự thảo Luật về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát còn những điểm bất cập, không rõ giới hạn, dễ xung đột pháp luật. “Cần sửa quy định Điều 25 phù hợp với yêu cầu và thực tế áp dụng ở Việt Nam theo hướng quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn theo từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù; không nên quy định chung để có thể áp dụng tràn lan, dễ sơ hở” - đại biểu đề nghị.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cũng nhận định, phạm vi thử nghiệm có kiểm soát trong Dự thảo Luật còn tương đối rộng. Theo đại biểu, có thể xây dựng danh mục thử nghiệm trong các lĩnh vực gắn trực tiếp với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và xu hướng chung, như: Lĩnh vực tài chính, chuyển đổi số, AI… Đồng thời, thử nghiệm thường gắn với rủi ro, mà rủi ro thì cần quy định loại trừ một số trách nhiệm liên quan vấn đề này. Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) đề nghị làm rõ hơn quy định liên quan đến việc tạm dừng và đình chỉ thử nghiệm, bởi quyết định này dẫn đến hậu quả pháp lý là đơn vị đề xuất thí điểm phải dừng thực hiện./.

ĐĂNG KHOA