Tìm giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 05:19, 28/03/2024

(BKTO) - Hiện nay, thanh khoản của các ngân hàng rất dồi dào nhưng tăng trưởng tín dụng ghi nhận đang ở mức khá thấp, cho thấy khả năng tiếp cận tín dụng và hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) còn khá hạn chế. Chính vì vậy, làm thế nào để tăng khả năng hấp thụ vốn của DN đang là một bài toán khó, cần các giải pháp đồng bộ từ nhiều phía.
12(1).jpeg
Khả năng tiếp cận tín dụng của DN còn khá hạn chế. Ảnh minh họa

Nhiều rào cản hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp

Quan sát thị trường tiền tệ cho thấy, những tháng đầu năm với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế. Tuy nhiên, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, liên tiếp trong 2 tháng đầu năm 2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng âm, cụ thể, tính đến ngày 29/02, tín dụng toàn nền kinh tế giảm 0,72% so với thời điểm cuối năm 2023. Điều này cho thấy, khả năng tiếp cận tín dụng và hấp thụ vốn của DN còn khá hạn chế.

Bình luận về thực trạng trên, chuyên gia kinh tế - PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh - cho rằng, lý do chính khiến DN khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng là do thiếu tài sản đảm bảo, năng lực tài chính giảm sút, không chứng minh được phương án kinh doanh khả thi… Bên cạnh đó, bất động sản là một trong những kênh hấp thụ vốn lớn nhất của nhiều ngân hàng thương mại nhưng do thị trường bất động sản gặp khó khăn, nhiều dự án chậm được tháo gỡ các vướng mắc pháp lý nên không có đủ hàng hóa cung ứng ra thị trường, dẫn tới nguồn vốn tín dụng cho chủ đầu tư và người mua nhà bị giảm mạnh.

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% so với năm 2023, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, ước tính sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế.

Bên cạnh đó, theo TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, khả năng hấp thụ vốn của các DN còn yếu là do khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, đối với thị trường xuất khẩu, do bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới khiến thị trường xuất khẩu thu hẹp, số lượng đơn hàng sụt giảm. Ở trong nước, DN cũng gặp nhiều khó khăn khi sức cầu tiêu dùng yếu, chưa thực sự phục hồi.

Một nguyên nhân nữa khiến hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng được nhiều DN cho biết là do lãi suất cho vay vẫn còn ở mức khá cao. Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - cho biết, Hãng đang từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt khoảng 80-90% năng lực sản xuất mức trước dịch Covid-19, song lãi suất cho vay thời gian vừa qua vẫn cao và khó tiếp cận.

Cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề lãi suất, ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - chia sẻ, dư nợ tín dụng tại toàn Tập đoàn lên đến khoảng 240.000 tỷ đồng. Nếu tăng lãi suất thì chi phí vốn của Tập đoàn sẽ tăng lên khoảng 2.400 tỷ đồng/năm. “Hiện nay, PVN đang trong quá trình đàm phán với các ngân hàng để tái cấu trúc lại các khoản vay với chi phí vốn sử dụng bình quân thấp hơn, giúp chi phí sản xuất kinh doanh tối ưu hơn trong điều kiện thị trường còn nhiều khó khăn” - ông Hùng nói.

Cần đồng bộ các giải pháp

Một trong những yêu cầu được Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 là tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho DN. Để thực hiện được yêu cầu này, theo các chuyên gia, cần sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách cũng như sự chung sức của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và DN, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế.

Dưới góc nhìn của các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - cho rằng, để tăng khả năng hấp thụ vốn của DN, nếu chỉ hỗ trợ bằng chính sách tín dụng là không đủ, bởi lãi suất chỉ là một trong các yếu tố khiến DN hạn chế tiếp cận tín dụng hoặc không có nhu cầu vay vốn. Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ DN bằng các chính sách tài khóa hiệu quả. Một vấn đề nữa Chính phủ cũng cần chú trọng đó là có các giải pháp hỗ trợ DN đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và tập trung khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, qua đó gia tăng các đơn hàng xuất khẩu.

Chính phủ cũng cần có các giải pháp kích cầu nội địa, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, tạo đầu ra cho hàng hóa, sản phẩm của các DN, từ đó làm gia tăng nhu cầu tín dụng của DN đối với hệ thống ngân hàng. “VPBank hiện đang cho vay đối với hơn 40.000 DN, hạn mức tín dụng là 240.000 tỷ đồng nhưng tổng vốn giải ngân mới được khoảng hơn 60.000 tỷ đồng, còn lại không giải ngân được do nhiều lý do, trong đó nhiều DN đủ tiêu chuẩn nhưng không có đầu ra cho thị trường sản phẩm, không có phương án kinh doanh khả thi”- ông Vinh chia sẻ thêm.

Về phía DN, các chuyên gia cho rằng, các DN cần tích cực thực hiện các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, cắt giảm những mảng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, đảm bảo tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh cốt lõi của DN; mở rộng tìm kiếm các đối tác để nâng cao khả năng tiêu thụ hàng hoá, giảm thiểu lượng hàng tồn kho. Đặc biệt, DN cần xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh khả thi; tăng cường quản lý thanh khoản, dòng tiền; đồng thời, nâng cao năng lực quản trị DN, minh bạch tình hình tài chính… để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay.

Nhấn mạnh mối quan hệ ngân hàng - DN là quan hệ “cộng sinh”, ông Lê Mạnh Hùng bày tỏ mong muốn có sự hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng trong việc có thể xem xét áp dụng nâng trần hạn mức cho vay từng trường hợp đối với các tập đoàn lớn, các dự án lớn. Khi đó, các DN lớn, các dự án lớn có thể tiếp cận nguồn tín dụng trong nước. Đồng thời, DN cũng mong muốn được hỗ trợ lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn. “Với độ nhạy của lãi suất lên chi phí sử dụng vốn của DN, chúng tôi rất mong Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ chính sách về lãi suất tối ưu và ổn định, tránh ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của Tập đoàn nói riêng và các DN nói chung” - ông Hùng nói./.

THIỆN TRẦN