Phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Kiểm toán - Ngày đăng : 10:00, 28/03/2024
Thường xuyên tăng cường các biện pháp PCTNTC
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, KTNN luôn đoàn kết, giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng và ngày càng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Đặc biệt, trong công tác đấu tranh PCTNTC, hằng năm, KTNN đã ban hành Kế hoạch công tác PCTNTC của Ngành và Kế hoạch của Tổng Kiểm toán nhà nước - thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, trong đó chỉ đạo toàn Ngành thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng về PCTNTC; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản của KTNN, cải cách thủ tục hành chính trong thi hành công vụ; tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán hằng năm đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng; tập trung kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; tiếp tục tăng cường phối hợp giữa KTNN với các cơ quan có chức năng đấu tranh PCTNTC, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán.
Trong quá trình kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước thường xuyên chỉ đạo tăng cường các biện pháp PCTNTC; đồng thời yêu cầu các Đoàn kiểm toán phải tổ chức thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp, đảm bảo tính đúng đắn của các kết luận, kiến nghị kiểm toán; trường hợp phát hiện các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước để chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra để làm rõ và xử lý theo quy định; 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp gần 2.000 hồ sơ, Báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Việc phối hợp cung cấp tài liệu và chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng đã góp phần không nhỏ cung cấp kịp thời thông tin cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra trong công tác đấu tranh PCTNTC...
Với trách nhiệm thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đã tích cực phối hợp, tham gia với các cơ quan có liên quan trong việc chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực; chủ động đôn đốc đối với cấp ủy, tổ chức đảng được phân công phụ trách báo cáo công tác PCTNTC.
Trong hoạt động nội bộ Ngành, để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, Tổng Kiểm toán nhà nước thường xuyên chỉ đạo toàn Ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thi hành công vụ, nhiệm vụ, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; lựa chọn, bố trí những công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn để đảm nhiệm các vị trí công tác, nhất là vị trí Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng tổ kiểm toán...
Những kết quả trên đã góp phần đưa công tác PCTNTC của Đảng không ngừng được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, khẩn trương; có bước phát triển mới, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Từ năm 1994-2023, KTNN đã thực hiện 3.592 cuộc kiểm toán. Trong đó, từ năm 1994-2010 thực hiện 1.169 cuộc, gồm: 715 cuộc kiểm toán ngân sách, 9 cuộc kiểm toán chuyên đề, 192 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, 253 cuộc kiểm toán doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính, ngân hàng; từ năm 2011-2023 thực hiện 2.423 cuộc, gồm: 988 cuộc kiểm toán ngân sách, 280 cuộc kiểm toán chuyên đề, 642 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, 439 cuộc kiểm toán doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính, ngân hàng, 74 cuộc kiểm toán hoạt động.
Tiếp tục xác định công tác PCTNTC là việc làm cần thiết, tất yếu
Trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, KTNN cần tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan trọng yếu của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh PCTNTC thông qua hoạt động kiểm toán; tiếp tục chủ động cung cấp kịp thời các thông tin, phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTNTC và Hội đồng nhân dân các cấp.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan có chức năng đấu tranh PCTNTC, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán nhằm đấu tranh PCTNTC, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nghiêm Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Từ đó, góp phần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, tạo sự minh bạch hơn nữa, cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
Đặc biệt, KTNN tiếp tục xác định công tác đấu tranh PCTNTC là một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược; phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào - như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đã nhiều lần đề cập./.