Dư địa tăng trưởng lớn, ngành hàng rau quả viết tiếp giấc mơ tỷ đô
Kinh tế - Ngày đăng : 10:27, 28/03/2024
Tăng trưởng ấn tượng
Năm 2023, giá trị xuất khẩu rau quả đạt khoảng 5,6 tỷ USD, tăng 66,7% so với năm 2022 - dẫn đầu nhóm nông sản. Đây là năm có giá trị xuất khẩu rau quả cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, giá trị xuất khẩu sầu riêng tăng trưởng bứt phá, vươn lên vị trí số 1 trong ngành hàng với khoảng 2,2 tỷ USD, tăng hơn 5 lần so với năm 2022. Các sản phẩm dưa hấu, bưởi, nhãn đều có mức tăng trưởng 50-200% so với cùng kỳ năm ngoái…
Để duy trì đà tăng trưởng, hướng đến phát triển bền vững, ngành rau quả cần khắc phục triệt để các tồn tại về chất lượng sản phẩm, công nghệ bảo quản, chế biến còn yếu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cơ giới hóa còn hạn chế khiến chi phí tăng cao, giá thành chưa thực sự cạnh tranh…
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường
Tiếp đà tăng trưởng, chỉ 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 815 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cho biết, các đơn hàng xuất khẩu được phủ kín quý I/2024 ngay từ sớm và hiện đang nỗ lực lấp đầy đơn hàng quý II. Kết quả này được đánh giá là bước khởi đầu "thuận buồm xuôi gió" cho các doanh nghiệp xuất khẩu ngành hàng rau quả trong năm 2024.
Với những tín hiệu tích cực của thị trường, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) dự báo, năm 2024, ngành hàng rau quả có thể đón nhận những kỷ lục mới, với mức tăng trưởng từ 15-20% so với năm 2023, tương đương 6,5-7 tỷ USD (mục tiêu cả năm 2024 là 6 tỷ USD).
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, lý do xuất khẩu rau quả liên tục thiết lập kỷ lục mới là nhờ Trung Quốc và nhiều quốc gia tăng mua hàng Việt. Phân tích cụ thể về yếu tố thị trường, ông Nguyên cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường chính của rau quả Việt Nam, chiếm 61,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước. Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt trên 501,37 triệu USD, tăng mạnh 56,4% so với 2 tháng đầu năm 2023. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này có giá trị cao như: Sầu riêng, thanh long…
Tiếp theo là thị trường Đông Nam Á đạt trên 50,71 triệu USD, tăng 40% so với 2 tháng đầu năm 2023, chiếm 6,2%; Mỹ đạt 39,63 triệu USD, tăng 24,5%, chiếm 4,9%; Hàn Quốc đạt 41,02 triệu USD, tăng 52%, chiếm 5%; Thái Lan đạt 28,63 triệu USD, tăng 125%, chiếm 3,5%...
Nhìn vào mức tăng trưởng cao, tăng qua các năm của ngành hàng rau quả, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) Nguyễn Như Tiệp lạc quan cho rằng, nông sản Việt ngày càng khẳng định được chỗ đứng khi được thị trường, nhất là các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đón nhận. Lý do là Việt Nam có nguồn rau trái đa dạng, giá cả phù hợp và đặc biệt các khâu chế biến, bảo quản sản phẩm được đảm bảo hơn, giúp cho sản phẩm có khả năng cạnh tranh tốt với nhiều thị trường khác.
Cùng chung nhận định về triển vọng xuất khẩu ngành rau quả trong năm 2024, các chuyên gia cho rằng, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả thế giới. Điều này đồng nghĩa với dư địa ngành hàng vẫn còn và có thể bứt phá mạnh mẽ hơn...
Triệt để khắc phục tồn tại
Nhấn mạnh cơ hội tăng trưởng của ngành hàng rau quả còn rất lớn, các chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch dài hơi để tạo đà cho sự phát triển này. Trong đó, một số việc cần làm ngay là phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo an toàn; nâng cao khả năng chế biến, bảo quản sản phẩm…
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), diện tích cây ăn quả cả nước tăng đều qua các năm. Tổng diện tích cây ăn quả cả nước khoảng 1,2 triệu ha, trong đó, hai vùng sản xuất lớn nhất là Đồng bằng sông Cửu Long và Trung du miền núi phía Bắc. Hiện cả nước có khoảng 50 loại cây ăn quả, trong đó có 14 cây ăn quả chủ lực. Sự đa dạng này giúp tạo ra nguồn cung dồi dào, sẵn sàng đáp ứng tốt nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Điều quan trọng là ngành hàng này phải khẳng định được giá trị, cải thiện hình ảnh với thị trường, từ việc đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ đến chất lượng sản phẩm.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc xuất khẩu phải gắn với vùng trồng, gắn với cơ sở đóng gói, tránh việc mượn danh mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến xuất khẩu. Mặt khác, hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng trái cây tươi, khó bảo quản để tiếp cận các thị trường xa. Do đó, doanh nghiệp ngành rau quả cần chú trọng đến khâu chế biến, kiên trì, đảm bảo chất lượng, an toàn sản phẩm, vì đây là yếu tố sống còn để giữ được thị trường.
Theo Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Lê Thanh Hòa, dù đã có nhiều chuyển biến, song trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thị trường về an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp, hợp tác xã cần hoàn thiện, áp dụng các tiêu chuẩn thực hành tốt như: VietGAP, GlobalGAP… phù hợp với các yêu cầu của thị trường. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn thương mại và chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm rau quả.
Khẳng định Bộ NNPTNT sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, song ông Hòa cho rằng, bản thân doanh nghiệp cần phải thay đổi ý thức, hành động một cách mạnh mẽ hơn về vấn đề đảm bảo nguồn gốc, tính an toàn của sản phẩm. “Doanh nghiệp cần nâng cao khả năng quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm; thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo thông tin về sản phẩm, đáp ứng quy định của thị trường” - ông Hòa cho biết./.