Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Dự án Công nghệ cao Hòa Lạc đã qua giai đoạn khó khăn nhất

Đối nội - Ngày đăng : 16:15, 30/10/2018

(BKTO) - Trả lời đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 30/10 về tình hình triển khai Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội và Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Chúng ta đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ làm tốt.


Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đặt câu hỏi: Hai dự án Đại học Quốc gia Hà Nội và Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được triển khai 20 năm trong sự mong đợi của cử tri huyện Thạch Thất. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc về hai dự án này nhưng đến nay kết quả triển khai còn rất hạn chế. Đề nghị Chính phủ cho biết giải pháp để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới?
                
   

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu chất vấn tại phiên họp sáng 30/10 - Ảnh: quochoi.vn

   
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, chủ tương quy hoạch và xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội và thêm một khu nữa là Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, là chủ trương đã có từ hơn 20 năm. Việc xây dựng cả cụm 3 khu trên ở Hà Nội là rất quan trọng và hiệu quả về lâu dài.

Hiện nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, sau một thời gian gần 20 năm được đầu tư nhỏ giọt, giải phóng mặt bằng kiểu “da báo” thì từ năm 2014, 2015, Chính phủ và các Bộ, ngành, đặc biệt là UBND thành phố Hà Nội đã tập trung quyết liệt để giải quyết. Đến nay, còn 200 ha/1500 ha chưa được giải phóng mặt bằng, tới đây sẽ tiếp tục thực hiện.

Phó Thủ tướng cũng cho biết: Chúng ta cũng đã tìm được nguồn vốn tài trợ ODA của Nhật Bản với khoảng 200 triệu USD để xây dựng hạ tầng Khu công nghệ cao. Đến nay, Khu công nghệ cao gồm có 3 khu chức năng: Khu công nghiệp công nghệ cao, Khu nghiên cứu và phát triển và Khu đào tạo. Trong đó, Khu công nghiệp công nghệ cao sau hơn 2 năm đã thu hút được 66 đự án với tổng đầu tư trên 3 tỷ USD là các dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có tác dụng lan tỏa công nghệ.

Khu nghiên cứu và phát triển đang tích cực xây dựng, đã có nghị định, cơ chế và chuẩn bị xúc tiến đầu tư nhưng phải tập trung lựa chọn, không tham số lượng vì đây phải thực sự là nơi phát kiến và lan tỏa các giá trị công nghệ mới và sáng tạo. Còn Khu đào tạo đã có Đại học FPT và một số trường đại học cũng đang chuẩn bị rất tích cực.

“Chúng ta đã bước qua được giai đoạn khó khăn nhất để tiến tới tương lai và sẽ làm tốt”- Phó Thủ tướng nói.

Đối với Đại học quốc gia Hà Nội, đã thực hiện giải phóng mặt bằng cơ bản nhưng thiếu nhất hiện nay là vốn. Trong suốt những năm vừa qua, mỗi năm đầu tư nhỏ giọt vài chục tỷ trong khi nhu cầu vốn để xây dựng Thành phố đại học ước tính khoảng 2 tỷ USD, trong đó phần vốn nhà nước để đầu tư các khu thiết yếu của đại học, làm cơ sở thu hút đầu tư cũng là hàng chục nghìn tỷ đồng hiện đang rất khó khăn về vốn. Thủ tướng đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tìm nguồn vốn để tập trung đầu tư.

Khu Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam hiện nay cũng mới giải phóng mặt bằng và đầu tư được khu mô hình các làng văn hóa, kinh phí đầu tư mới chiếm khoảng 38% so với nhu cầu. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo xem xét lại trên tinh thần là giữ nguyên mục đích nhưng sẽ xem xét, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, thậm chí quy hoạch lại để thu hút đầu tư. “Tinh thần là Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nhưng không nhất thiết phải do một cơ quan nhà nước đứng ra đầu tư”- Phó Thủ tướng nói.

N. HỒNG