Doanh nghiệp nhỏ và vừa “khó lớn”

Đầu tư - Ngày đăng : 02:00, 17/11/2016

(BKTO) - Kết quả cuộc điều tra Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) lần thứ 6 do ViệnNghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với một số đối tác trongvà ngoài nước thực hiện vừa được công bố tuần qua. Cuộc điều tra được thực hiệnnăm 2015 nhằm nhận thức rõ về những khó khăn mà DN gặp phải trong quá trìnhhoạt động để đánh giá môi trường kinh doanh hiện tại của Việt Nam.


DNNVV gặp nhiều trở ngại trong kinh doanh

Theo đại diện của CIEM, tỷ lệ các DNNVV Việt Nam gặp phải những trở ngại lớn đối với sự phát triển vẫn khá cao. Có tới 83% số DN (trong tổng số 2.628 DNNVV được điều tra) cho biết họ gặp trở ngại trong kinh doanh, tỷ lệ này tương đương so với kết quả điều tra DNNVV năm 2013. Trong đó, thiếu vốn và khó tiếp cận tài chính tiếp tục được đánh giá là trở ngại lớn nhất đối với các DN. Tuy nhiên, so với các cuộc điều tra trước đây, tỷ lệ này đã giảm, từ 45% năm 2011 xuống 30% năm 2013 và 24% năm 2015. Dù bị đánh giá là trở ngại lớn thứ hai, nhưng tỷ lệ các DN gặp khó khăn về cầu sản phẩm đã giảm dần, từ 27% năm 2013 xuống còn 21% năm 2015. Khó khăn đứng vị trí thứ ba là áp lực cạnh tranh mà DNNVV phải đối mặt với tỷ lệ DN lựa chọn tương đương với kết quả của 2 cuộc điều tra năm 2011 và 2013. Gần 90% DN cho rằng họ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực hoạt động của mình, áp lực cạnh tranh càng tăng lên theo chiều tăng quy mô của DN. Những kết quả này cho thấy, dường như các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện chút ít nhưng thứ tự các khó khăn vẫn không có sự thay đổi.

Nhiều khó khăn vẫn bủa vây các DN nhỏ và vừa. Ảnh: TK

Cuộc điều tra cũng chỉ rõ, những hạn chế của thị trường tài chính luôn được xem như là một trong những vướng mắc lớn nhất đối với tăng trưởng của DNNVV Việt Nam. Trong cuộc điều tra năm 2013, 47% trong tổng số 2.563 DN có hoạt động đầu tư mới, tỷ lệ này đã tăng lên mức 49% trong điều tra năm 2015. Điều này thể hiện xu hướng tích cực của hoạt động đầu tư, tuy nhiên, xu hướng này chỉ thể hiện ở nhóm các DN quy mô siêu nhỏ, còn 2 nhóm DN quy mô nhỏ và vừa đều có tỷ lệ DN đầu tư mới giảm. Tính chung cả giai đoạn 2013-2015, khoảng 65% DN có đầu tư mới; nguồn tài chính quan trọng nhất cho các khoản đầu tư mới là vay từ các ngân hàng hoặc tổ chức chính thức khác. Thế nhưng nguồn tài chính này lại giảm 4% so với cuộc điều tra trước, đây là kết quả mà Nhóm nghiên cứu cho là “đáng ngạc nhiên” khi mà nhiều chương trình hỗ trợ đầu tư của Chính phủ đã được triển khai. Trong Kế hoạch phát triển DNNVV 5 năm 2011-2015 cũng đã đặt mục tiêu đầu tư của khu vực DNNVV chiếm 35% tổng đầu tư toàn xã hội. Sự không khớp nhau giữa việc cải thiện chính sách hỗ trợ đầu tư và thực tế vay vốn từ các tổ chức tài chính chính thức có thể là do việc triển khai các chính sách này trên thực tế còn chậm hoặc các hình thức hỗ trợ đầu tư từ các chương trình của Chính phủ chưa thực sự nhắm tới nhu cầu của các DNNVV.

Loay hoay trong định hướng đầu tư, phát triển sản xuất

Cuộc điều tra cho thấy, các khoản đầu tư năm 2015 được các DNNVV thực hiện nhằm tăng năng suất chứ không phải là để cải thiện chất lượng, sản xuất sản phẩm mới hay đáp ứng yêu cầu về môi trường. Số liệu khảo sát chỉ ra rằng, có sự tăng nhẹ về giá trị của các khoản đầu tư vào đất đai, máy móc và thiết bị, nhà xưởng trong tổng đầu tư. Một điểm đáng lưu ý, khoảng 58% các DN đầu tư vào nhóm “các lĩnh vực khác”, trong đó chỉ có 3% thực hiện đầu tư cho nghiên cứu phát triển, cải thiện vốn con người, sáng chế và đầu tư vào các DN khác. Như vậy, 55% giá trị đầu tư là chưa được xác định rõ.

Về năng lực sản xuất, 40% DN tin rằng họ có thể tăng năng lực sản xuất khoảng 10% và 36% cho rằng có thể tăng năng lực sản xuất lên đến 25%. Chỉ có 5% DN cho rằng họ có thể tăng năng lực sản xuất lên từ 50% đến 100%. Điều này chứng tỏ sự khó khăn của thị trường đầu ra chính là lực cản đối với việc tăng năng lực sản xuất của DN. 33,7% DN cho rằng họ có hàng hóa tồn kho và gặp khó khăn trong việc tiêu thụ.

Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cho sản phẩm của DN cũng gặp khó, bởi các DNNVV mang đặc trưng của chuyên môn hóa, chỉ khoảng 11% số DN sản xuất từ hai loại sản phẩm trở lên. Đa dạng hóa sản phẩm chưa được coi là công cụ để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm rủi ro đối với các DN. Hơn nữa, phần lớn các DN (58,5%) tiêu thụ sản phẩm trong cùng quận, huyện mà họ đặt trụ sở và khoảng một nửa số khách hàng thậm chí là cùng phường, xã với các DN; 25% khách hàng vẫn trong cùng một tỉnh; dưới 15% khách hàng là ở các tỉnh khác. Trong phạm vi tiêu thụ hạn hẹp như vậy, chiến lược đa dạng hóa khách hàng để cạnh tranh vẫn chưa được các DNNVV chú trọng. Đồng thời, các DNNVV dường như không quá năng động ở thị trường nước ngoài. Tỷ lệ các DN xuất khẩu năm 2015 chỉ là 6,8%. Cũng vì bỏ ngỏ thị trường “ngoại” nên một tỷ lệ lớn các DNNVV không có Chứng nhận chất lượng hoặc môi trường được thừa nhận trên bình diện quốc tế. Đơn cử, với Giấy chứng nhận Vệ sinh an toàn thực phẩm, chỉ có 3,7% DN được phỏng vấn cho biết có áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế.

Do phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nên các DNNVV vẫn đang rất gian nan trên con đường phát triển nâng tầm quy mô DN.


HỒNG THOAN