Làng "khoa bảng” xứ Nghệ giữ vững giá trị truyền thống giữa dòng chảy hội nhập

Xã hội - Ngày đăng : 12:58, 29/03/2024

(BKTO) - Làng di sản, làng khoa bảng, những tên gọi để phản ánh những bản sắc riêng cho ngôi làng nổi tiếng nhất bậc nhất lịch sử Việt Nam, đó là xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) mà người dân vẫn quen gọi bằng cái tên thân thuộc: Làng Quỳnh Đôi, làng Quỳnh, người Quỳnh Đôi… Nhờ những giá trị văn hóa cội nguồn tiếp nối, người Quỳnh Đôi trong thời hội nhập vẫn luôn giữ vững đạo hiếu và giá trị truyền thống để lưu giữ tiếng thơm của làng, của dòng tộc…
z5289864961388_be6a4e87280e5e957793d3513cd7f32b.jpg
Phía sau cánh cổng làng Quỳnh Đôi. Ảnh: Quang Thành

Mảnh đất của những danh nhân, văn hiến…

Dọc theo con đường vào làng được trải nhựa phẳng lì, láng bóng và sạch sẽ với những dãy nhà mái ngói đỏ tươi, rực rỡ cờ hoa chúng tôi tìm về Quỳnh Đôi - một vùng đất “địa linh” xứ Nghệ.

Từ đầu cổng làng, hình ảnh những chú cá gỗ làm chỉ dấu đã thu hút bao ánh nhìn của những người lần đầu đặt chân đến xứ này như chúng tôi. Những nụ cười như xòe hoa, lấp lánh dưới vạt nắng chiều với ánh mắt trìu mến, thân thương mang đặc trưng xứ Nghệ… Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để những kẻ xa xứ, và cả những người lạ đặt chân đến đất này cảm thấy ấm lòng, thân thuộc.

111.jpg
Diện mạo nông thôn mới ở Quỳnh Đôi hôm nay... Ảnh: Quang Thành

Cổng làng Quỳnh uy nghi bề thế, vừa mang nét truyền thống, vừa hiện đại, với hình ảnh “cá chép vượt vũ môn”. Mà nghe đâu ở xứ này, cổng làng quan trọng không kém với ngôi nhà, với bất cứ công trình nào gắn với nếp sống thường nhật của người dân.

Đi kế bên tôi, một kỹ thuật viên công tác ở một đài truyền hình tỏ vẻ ngạc nhiên lắm, khi lần đầu đặt chân đến một làng quê mà tiện nghi như phố thị, nhà cửa khang trang, mọi ngả đường đều sạch sẽ, con người thì hồn hậu đến thế… Có người bảo, ở xứ này đằng sau cổng làng là bao chuyện thú vị về đất, về người và cả về những nét văn hóa “có một không hai”…

z5294333865735_08592d1c7eac2d07344340532e36a40b.jpg
Cụ Hồ Đình Trù kể về lịch sử của làng, của dòng tộc họ Hồ. Ảnh: N.Lộc

Trong không gian trầm mặc, chúng tôi ghé thăm Nhà thờ họ Hồ - nơi tôn thờ và tưởng niệm cụ Hồ Kha - người góp công lớn khai phá ra Quỳnh Đôi và các bậc hậu duệ trong dòng họ đã có công giúp nước, an dân. Nhiều bậc danh nhân trong số đó được xếp hàng công thần, danh nhân văn hóa thế giới.

Dẫn đoàn tham quan khu di tích, cụ Hồ Đình Trù - một người con trong dòng tộc họ Hồ kể: Nhà thờ họ Hồ được xây dựng trên khuôn viên khá rộng do chính con cháu họ Hồ góp công, góp của xây nên và là nơi bao thế hệ họ Hồ tề tựu về đây để tưởng nhớ tổ tiên.

Quỳnh Đôi có 8 di tích lịch sử văn hóa quốc gia: Đình Quỳnh Đôi; Nhà thờ họ Hồ; Nhà thờ họ Nguyễn Triệu Cơ; Đền thờ Hoàng Khánh; Nhà thờ và mộ Hồ Tùng Mậu; Mộ và Đền thờ Hồ Sỹ Dương; Đền Thần; Mộ và Nhà thờ Hồ Phi Tích.

Khuôn viên di tích được bài trí đơn giản mà lắng đọng, thiêng liêng. Những tấm bia đá được dựng để lưu danh những danh nhân lịch sử, văn hóa là con cháu có gốc họ Hồ như: Vua Hồ Quý Ly; Hoàng đế Quang Trung (Hồ Thơm); Tam giáp Tiến sĩ Hồ Sĩ Dương làm quan bốn triều Vua Lê; Nhị giáp Tiến sĩ Hồ Phi Tích làm quan đến chức Binh bộ Thượng thư; Tham tụng (Tể tướng) Hồ Sĩ Đống; Phó bảng Hồ Bá Ôn...

nu-sy-ho-xuan-huong-1.jpg
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - nhà thơ nữ kiệt xuất, được tôn vinh “Bà chúa thơ Nôm", là một hiện tượng hiếm có trong văn học thế giới. Bà là danh nhân nữ duy nhất của Việt Nam cho đến nay được UNESCO vinh danh. Nhân kỷ niệm 250 năm sinh, 200 năm mất nhà thơ, nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 - 2022), UNESCO cũng có hoạt động tri ân ý nghĩa trên toàn cầu. Ảnh: N.Lộc

Trong khuôn viên di tích, bức tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương được đặt trang trọng. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là con của ông Hồ Phi Diễn (1704 - 1786) - một nhà nho có tiếng ở Quỳnh Đôi. Bà là nhà thơ nữ kiệt xuất của Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, được tôn vinh “Bà chúa thơ Nôm” của thi ca Việt với nhiều tác phẩm đạt đỉnh cao của thơ Nôm và là một hiện tượng hiếm có của văn học thế giới. Bởi thế, trong 6 danh nhân Việt Nam được UNESCO vinh danh, thì chỉ duy nhất Hồ Xuân Hương là nữ.

“Với người làng, thế hệ trước truyền thế hệ sau, tất cả đều coi đây là không gian thiêng, là tiếng vọng về thôi thúc mỗi người con của làng phải nỗ lực phấn đấu trau dồi, luyện rèn để phát triển, xứng đáng với dòng dõi, tổ tiên” - cụ Hồ Đình Trù bảo.

Mạch nguồn truyền thống chảy mãi…

Bao đời nay, sự học ở làng Quỳnh luôn được coi trọng và đặt lên hàng đầu, sự học được nâng lên thành Đạo học. Đạo học làng Quỳnh không phải vì mục đích “vinh thân phì gia” mà học để làm người, học để tu thân và rèn luyện theo giá trị đạo đức, hiếu nghĩa, liêm chính ái quốc, thương dân.

asc_8998.jpg
Người xứ Nghệ luôn trọng sự học. Phát huy truyền thống đó, những người con xứ Nghệ đã và đang công tác tại Kiểm toán nhà nước luôn nỗ lực gắn kết, lan tỏa giá trị tốt đẹp này đến với cộng đồng. Ảnh: N.Lộc

Bởi thế, theo sử sách còn ghi lại, dù nhiều công thần, danh tướng của làng sẵn sàng rời bỏ chốn quan trường để về làng, mang theo đạo học truyền lại cho bao thế hệ học trò. Tại Quỳnh Đôi, họ Hồ có dân số đông (chiếm khoảng 50%) có nhiều người thi đậu. Có nhiều gia đình cha con ông cháu đều thi đậu, như gia đình cụ Hồ Phi Tích có 8 đời liên tiếp đều đỗ đạt cao. Gia đình anh em Hồ Sĩ Vũ và Hồ Sĩ Danh 9 người đều đậu, trong đó có 5 anh em Hồ Sĩ Đống thì một người đậu hoàng giáp, một người đậu phó bảng... Tiếp nối truyền thống hiếu học, hàng năm vào ngày lễ tế tổ dòng họ những người đỗ đạt đều được vinh danh.

Trong dòng chảy của khoa cử thời kỳ nho giáo, vùng đất Quỳnh Lưu đã xuất hiện những gia đình có 4 - 5 thế hệ cùng đậu đạt. Trong đó, Quỳnh Đôi là xếp đầu bảng về số người thi cử, đỗ đạt qua các thời kỳ. Đây được xem là “đất thiêng”, là “địa linh” nên “nhân kiệt” hay “được khí tốt của sông núi nên sinh ra nhiều bậc danh hiền”.

Xác định học để giúp đời, giúp nước, giúp dân, vì thế, trong suốt chiều dài lịch sử của làng, người Quỳnh Đôi luôn thể hiện sáng ngời khí chất của bậc quân tử. Trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, người Quỳnh Đôi có quyền tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng, bất cứ thời điểm lịch sử nào khi đất nước bị xâm lăng cũng có nhiều người tham gia.

z5289864939136_2a7af449480182fedd8a18625666be89.jpg
Người Quỳnh Đôi luôn trọng sự học và giữ đạo của bậc quân tử. Ảnh: Quanh Thành

Tiêu biểu nhất là đồng chí Hồ Tùng Mậu - trợ thủ đắc lực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc thành lập các tổ chức tiền sinh của Đảng, là một trong bảy người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2/1930. Anh hùng liệt sĩ Cù Chính Lan - người chiến sĩ thi đua Ái quốc, đã biểu hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong mọi hoạt động của đời mình. Tiếp nối truyền thống vẻ vang đó, nhiều người con của làng cũng đang góp sức dựng xây đất nước trên nhiều cương vị công tác khác nhau…

Nổi tiếng là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, sản sinh bao bậc hiền nhân, danh tướng cho xứ Nghệ, cho cả nước, Quỳnh Đôi đã đi vào tục ngữ, phương ngôn từ đời này sang đời khác: Làng Quỳnh lắm kẻ đăng khoa/Ông nghè, ông cử như hoa vườn Quỳnh; Lụa tơ làng Hạ/ Văn hiền Quỳnh Đôi;…

Diện mạo mới ở làng khoa bảng…

Không chỉ mang trong mình những mạch nguồn văn hóa từ truyền thống, cội nguồn, Quỳnh Đôi còn thể hiện sức sống mãnh liệt với quá trình hội nhập, phát triển kinh tế trong thời kỳ hiện đại.

z5289864949805_1e7dc20de4da84a5876f0f4a7bfede01.jpg
Không gian làng quê thời kỳ đổi mới, song mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của Quỳnh Đôi. Ảnh: N.Lộc

Chỉ tay về phía khu dân cư khang trang, sạch sẽ, cụ Hồ Đình Trù bảo, Quỳnh Đôi xưa nghèo lắm, nay nhờ hiếu học, con em trong làng rời quê lập nghiệp và trở về đóng góp, xây dựng quê hương. Đặc biệt, diện mạo đổi mới tại “làng khoa bảng” còn là kết quả của những nỗ lực góp công, của xây dựng nông thôn mới nơi đây.

Một cán bộ xã nói với chúng tôi, khi xây dựng nông thôn mới, người dân tự nguyện góp công, góp của, hiến đất, mở đường, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục để cùng làm thay đổi diện mạo quê hương.

Nhờ đó, chỉ sau ít năm phát động, Quỳnh Đôi đã trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới với nhiều kết quả ấn tượng. Cùng với xã Kim Liên (Nam Đàn) và Sơn Thành (Yên Thành), Quỳnh Đôi vinh dự được tỉnh lựa chọn là một trong 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Sinh thời Bác Hồ cũng đã rất quan tâm, chú trọng đến hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người. Các Văn kiện Đại hội, Nghị quyết của Đảng… cũng đã đề cập đến vấn đề này.

Đặc biệt, Văn kiện Đại hội XIII và bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã làm sâu sắc thêm hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới. Trong đó nhấn mạnh: Xây dựng những hệ giá trị này cũng chính là là góp phần phát huy sức mạnh của văn hóa, giá trị của con người trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây cũng chính là khát vọng và đích đến của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.

Trên đà phát triển, Quỳnh Đôi cũng chọn hướng đi riêng. Là một xã thuần nông, song Quỳnh Đôi không có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp. Nhưng bù lại xã có một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, đậm đà bản sắc. Hiếm có nơi nào như mảnh đất này, chỉ trong chưa đầy 1km2 mà có tới 9 di tích Lịch sử - Văn hóa đã được xếp hạng; trong đó có 8 di tích Quốc gia với danh nhân, danh tướng lỗi lạc được thế giới ghi nhận. Phát huy lợi thế sẵn có, người Quỳnh Đôi đã chọn du lịch làm hướng phát triển, bên cạnh làng nghề truyền thống.

z5274134113510_dab22e295748977f31e4fedff048080c.jpg
Cụ Hồ Đình Trù trao đổi thông tin với đoàn trong khuôn viên di tích nhà thờ họ Hồ. Ảnh: Quang Thành

Nói thêm về định hướng phát triển du lịch của địa phương, một cán bộ văn hóa xã chia sẻ: Xã Quỳnh Đôi đã có chủ trương phát triển du lịch, trọng tâm là du lịch văn hóa, du lịch tâm linh. Chính quyền cùng người dân đang nỗ lực đánh thức tiềm năng này, từ đó thực hiện đa mục tiêu, vừa phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân; vừa là cách tốt để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng.

Điều đáng mừng là năm 2023, dưới sự hỗ trợ của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng doanh nghiệp du lịch, tour du lịch đầu tiên với chủ đề “Làng cá gỗ - sau ánh hào quang” đã ra mắt ngày 16/12/2023.

Điểm nhấn của tour du lịch, đó là du khách được trải nghiệm thực tế tại các di tích, xem các tiểu phẩm “Ông đồ Nghệ và con cá gỗ”, đặc biệt là tiểu phẩm “Người đã về đây”. Tiểu phẩm tái hiện lại cảnh năm 1903, Bác Hồ cùng anh trai được cụ Nguyễn Sinh Sắc dẫn theo, ghé thăm và ở lại làng Quỳnh Đôi một thời gian…

Một điểm đến khác, đó là giếng cổ Bà Cả - nguồn nước từng nuôi sống dân làng Quỳnh trong suốt hơn 5 thế kỷ qua, và gắn với cuộc đời "Bà chúa thơ Nôm" Hồ Xuân Hương cũng mang đến những trải nghiệm đặc biệt, đậm chất văn hóa cho du khách khi tới đây.

Trong cuốn “Họ Hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam” của Hồ Sĩ Giàng dẫn: Chuyện rằng có hôm Hồ Xuân Hương ra gánh nước ở giếng bị trượt ngã, nước bắn tung tóe, đám trai làng quanh đó cười giễu. Bà liền ứng khẩu bài thơ: Tức cảnh vũ hậu để đáp trả đám trai chọc ghẹo:

Vén bức màn mây thấy mặt trời

Xanh xanh từng đám, trắng từng nơi

Núi non cũng muốn nhô đầu dậy

Cây cỏ trăm hoa mỉm miệng cười.

Bao năm gắn bó với làng, ông Hồ Sỹ Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi chia sẻ, điểm đặc biệt tại tour du lịch này là hướng dẫn viên đều là con em trong làng. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp phát triển các sản phẩm mới, trong đó có các chương trình ca nhạc, dân ca ví, giặm...

4638383604528116893.jpg
Quỳnh Đôi hướng đến phát triển du lịch văn hóa. Ảnh: Quang Thành

Nói như Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình khi trải nghiệm không gian văn hóa độc đáo ở Quỳnh Đôi: Làng có một thế mạnh khó nơi nào sánh bằng. Do đó, cần đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bản sắc địa phương để phát triển du lịch bền vững, thân thiện.

Dù phát triển về mọi mặt, nổi bật so với nhiều làng quê khác, nhưng điều đặc biệt là trong dòng chảy hội nhập, Quỳnh Đôi vẫn giữ vẹn nguyên những giá trị của một làng văn hóa cổ một thời..., tạo nên một bức tranh mang dáng dấp của sự hiện đại pha lẫn truyền thống, vô cùng hài hòa, cân xứng.

“Những giá trị văn hóa như có một sức mạnh vô hình làm cân bằng nếp xưa với dòng chảy mới” - cụ Trù bảo. Và cũng bởi vậy, người xứ này, dù đi đâu, làm gì cũng luôn nghĩ đến truyền thống văn hóa cội nguồn, luôn thận trọng để không làm điều gây ảnh hưởng đến tiếng thơm của làng, của mỗi dòng họ, gia đình.

Chúng tôi rời làng mang theo bao vấn vương, khi chưa thể khám phá hết bề sâu văn hóa; về bao thế hệ người làng đỗ đạt hiển hách... Nhưng có một điều chắc chắn, đó là những di tích, những câu chuyện lưu truyền, sử sách còn ghi và thực chứng bởi khoa học đã làm nên nét đẹp lấp lánh của ngôi làng cổ...

Những giá trị đó không chỉ nuôi dưỡng đời sống tâm hồn, trở thành sợi dây cố kết cộng đồng, mà còn đang được người dân nơi đây chuyển hóa thành giá trị vật chất để mang lại sự giàu có, phồn vinh bền vững cho làng, cho nước... 

NGUYỄN LỘC