Chứng khoán Nhật Bản và Mỹ bứt phá mạnh trong quý đầu năm

Đầu tư - Ngày đăng : 14:17, 30/03/2024

(BKTO) - Thị trường chứng khoán tại hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong ba tháng đầu năm 2024. Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 lần đầu tiên vượt mốc lịch sử 40.000 điểm nhờ đồng yen yếu giúp cải thiện xuất khẩu, kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng và nhu cầu thiết bị bán dẫn AI tăng cao. Trong khi đó, tại phố Wall, chỉ số S&P 500 tăng hơn 10%, ghi nhận quý tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2019 nhờ lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện, thị trường lao động sôi động và kỳ vọng tránh được suy thoái.
chung-khoan-nhat-ban.jpeg
Thị trường chứng khoán Nhật Bản liên tiếp thiết lập các kỷ lục mới - Ảnh minh họa

Chỉ số Nikkei 225 lần đầu tiên vượt mốc lịch sử là 40.000 điểm

Riêng chỉ số Nikkei đã tăng tới 44% (12.328 điểm) so với tài khóa trước đó, mức tăng mạnh nhất từ trước đến nay nhờ đồng yen suy yếu làm tăng triển vọng doanh thu tốt hơn cho các nhà xuất khẩu. Chốt phiên giao dịch ngày 29/3, Nikkei tăng 0,5% so với ngày hôm trước, lên 40.369,44 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,65%, lên 2.768,62 điểm.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản liên tiếp thiết lập các kỷ lục mới trong quý này, đặc biệt chỉ số Nikkei 225 trong ngày 4/3 đã lần đầu tiên vượt mốc lịch sử là 40.000 điểm.

Đồng yen rẻ là một trong những yếu tố tạo ra sự tăng trưởng cho thị trường chứng khoán Nhật Bản. Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu đồng yen tăng trở lại khi chính sách tiền tệ của Nhật Bản và Mỹ thay đổi thì lợi nhuận của các nhà đầu tư sẽ giảm sút.

Theo các nhà phân tích, những yếu tố khác góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng trưởng là quản trị doanh nghiệp được cải thiện, dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường nhờ đồng yen yếu hơn, kỳ vọng ngân hàng trung ương Nhật Bản sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và nhu cầu thiết bị bán dẫn mạnh trong bối cảnh bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI).

Chứng khoán Mỹ tiếp tục hướng đến những mốc cao mới

chung-khoan-my.png
Chỉ số S&P 500 đã tăng 10,2% sau ba tháng đầu năm nay - Ảnh minh họa

Chứng khoán Mỹ tiếp tục hướng đến những mốc cao mới trong bối lợi nhuận doanh nghiệp tăng mạnh, thị trường lao động tích cực, tạo ra kỳ vọng kinh tế Mỹ tránh được suy thoái.

Chỉ số S&P 500 đã tăng 10,2% sau ba tháng đầu năm nay, giúp S&P 500 có được quý I tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2019. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 5,6% và 9,1% trong cùng kỳ.

Chốt phiên giao dịch 28/3 (giờ địa phương), chỉ số S&P 500 tăng nhẹ 5,86 điểm (tương đương 0,11%), lên mức 5.254,35 điểm. Đây là lần thứ 22 chỉ số S&P 500 ghi nhận các mức đỉnh về điểm số trong quý I/2024. Trước đó, đã từng có 17 phiên giao dịch xác lập các kỷ lục của S&P 500 trong 50 phiên giao dịch đầu tiên của năm 2024 - chuỗi bùng nổ kéo dài nhất kể từ năm 1998 tính trong cùng thời kỳ. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq cũng liên tục xác lập những đỉnh mới trong quý I.

Trong bảy ông lớn về công nghệ có sức chi phối lớn trong chỉ số S&P 500, cổ phiếu của Apple giảm 11% trong quý I, do những lo ngại về doanh số bán hàng suy yếu tại thị trường Trung Quốc. Cổ phiếu Tesla giảm đến 29,5%. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của Alphabet, công ty mẹ của Google, tăng 8%, nhưng vẫn xếp sau mức tăng trưởng hai con số đến từ cổ phiếu của Nvidia, Meta, Microsoft và Amazon.

Nam Sơn