Sửa cơ chế, chính sách để khắc phục chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán
Đối nội - Ngày đăng : 17:15, 31/10/2018
(BKTO) - Chiều nay (31/10), trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán về nội dung, đối tượng, thẩm quyền. Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, cần sửa Luật Thanh tra và các thông tư quy định về hoạt động thanh tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn chiều 31/10- Ảnh: quocchoi.vn |
Trả lời đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: Thanh tra nhà nước hoạt động theo Luật Thanh tra, trong hệ thống có Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh, huyện, thanh tra Bộ, ngành và thanh tra chuyên ngành thuộc sở. Hoạt động của KTNN thì thực hiện theo quy định của Luật KTNN.
Thực hiện theo 2 Luật này, nếu một đối tượng thanh tra hoặc kiểm toán thuộc khu vực nhà nước thì có thể xảy ra trùng lắp giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán. Còn đối với một đơn vị ngoài nhà nước có thể trùng lắp giữa các đơn vị thanh tra trong hệ thống thanh tra nhà nước.
Để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, Luật đã quy định giao Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của hệ thống thanh tra nhà nước. Theo đó, Thanh tra Chính phủ hàng năm đã có định hướng đối với hoạt động thanh tra trong toàn hệ thống. Khi tổ chức thực hiện chọn đối tượng thanh tra cụ thể nếu có chồng chéo giữa các Bộ thì thanh tra Bộ tự xử lý với nhau, trường hợp không xử lý được thì Tổng Thanh tra Chính phủ xử lý.
Đối với KTNN, Thanh tra Chính phủ đã có quy chế phối hợp với KTNN, hằng năm có trao đổi trước khi xây dựng kế hoạch trên tinh thần định hướng của Quốc hội, Chính phủ... để chia sẻ, thống nhất về kế hoạch thanh tra, kiểm toán để tránh trùng lặp. “Chúng tôi phối hợp với nhau rất tốt và hy vọng trong thời gian tới sẽ thực hiện tốt theo các quy định này”- Tổng Thanh tra nói.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán được đại biểu Quốc hội và nhiều người quan tâm vì nó ảnh hưởng tới hoạt động cũng như nguồn lực tổ chức thanh tra và phục vụ hoạt động thanh tra, vì vậy cần kiên quyết xử lý tình trạng này. Để hạn chế đến mức tối đa sự chồng chéo thì trước mắt cần sửa Luật Thanh tra, trong đó chủ yếu là sửa đổi về chức năng hoạt động trong hệ thống thanh tra. Cùng với đó, nghiên cứu sửa đổi Thông tư 01/2014/TT-TTCP về định hướng kế hoạch thanh tra và Thông tư 05/2014/TT-TTCP về tổ chức hoạt động của đoàn thanh tra; đồng thời, nghiên cứu sửa đổi Quy chế phối hợp với KTNN trong thời gian tới để thực hiện tốt hơn.
Đ. KHOA