Phải xem trọng ý kiến của nhân dân như thế nào?

Công tác xây dựng Đảng - Ngày đăng : 06:22, 04/04/2024

(BKTO) - Thời gian qua, với âm mưu chống phá Đảng, chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, thế lực xấu đã và đang tìm mọi cách chia rẽ mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng Cộng sản Việt Nam.
2(2).jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (năm 1954). Ảnh: ST

Trên không gian mạng, chúng tung tin: Đảng chỉ lo lợi ích cục bộ của Đảng, không chịu nghe dân, không vì quyền lợi của dân. Chúng cho rằng: “Chính quyền “của dân, do dân, và vì dân” chỉ là câu khẩu hiệu mị dân, sáo rỗng” và: “Ở ta thì Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp không thực sự phản ánh ý chí và nguyện vọng của dân, nên dân muốn quản lý chi tiêu ngân sách (từ tiền thuế của mình) cũng bất lực, không thể đề xuất và kiểm tra”. Chúng còn cố tình quy kết: “Đất nước, nhân dân như một công cụ để mấy người lớn... thử nghiệm. Thử nghiệm đúng, vinh quang, thử nghiệm sai dân chịu hết”.

Sự chống phá sai trái trên của các thế lực thù địch, thế lực xấu đã bị thực tế của cách mạng Việt Nam bác bỏ. Vấn đề tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân luôn được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đã trở thành yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của Đảng, của cách mạng Việt Nam.

Ngày 21/8/1956, trong bài báo “Phải xem trọng ý kiến của quần chúng” đăng trên Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta phải nhớ rằng cán bộ đoàn thể cũng như chính quyền, từ trên đến dưới, đều là đầy tớ của nhân dân, phải xem trọng ý kiến của nhân dân”.

Vấn đề quan trọng, cần thiết đặt ra là vì sao phải xem trọng ý kiến của nhân dân và phải xem trọng như thế nào cho đúng đắn, hiệu quả nhất ?

Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ rõ vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Người viết trong Thư gửi cán bộ miền Nam tập kết, ngày 19/6/1956: “Cách mạng và kháng chiến thắng lợi là vì nhân dân ta rất đoàn kết, rất hăng hái, rất tin tưởng và đấu tranh rất bền bỉ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, khi ý kiến của quần chúng nhân dân được coi trọng, lắng nghe thì quần chúng nhân dân sẽ thông suốt về tư tưởng và từ đó tạo ra sức mạnh vô địch. Vào tháng 7/1958, Người chỉ rõ: “Tư tưởng của quần chúng thông, lực lượng và trí tuệ của quần chúng sẽ vô cùng vô tận, khó khăn gì cũng vượt được, công việc to mấy cũng làm nên”.

Từ những tư tưởng, quan điểm trên, Hồ Chí Minh chú trọng nhắc nhở Đảng cần phải coi trọng ý kiến, kinh nghiệm của nhân dân, nghe theo mong muốn, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Trong "Sửa đổi lối làm việc", tháng 10/1947, Người viết: “Vì vậy, mỗi một khẩu hiệu, mỗi một công tác, mỗi một chính sách của chúng ta, phải dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng, phải nghe theo nguyện vọng của dân chúng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên chỉ ra những giải pháp, cách làm tích cực, hiệu quả trong lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Người căn dặn Đảng cần phải: “Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề để cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”. Theo Hồ Chí Minh, ngay cả khi có khuyết điểm hay gặp những khó khăn, bất cập thì Đảng vẫn phải thành thật đưa ra cho quần chúng nhân dân biết để xin ý kiến và tìm cách khắc phục, sửa chữa. Người căn dặn: “Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Hồ Chí Minh còn nhắc nhở phải chú ý nghe theo quần chúng, nhưng tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng, mà phải biết khéo léo tập trung ý kiến của nhân dân, biến đó thành phương pháp, cách làm thiết thực để chỉ đạo quần chúng nhân dân, đồng thời kiên quyết tránh, khắc phục bệnh quan liêu, mệnh lệnh.

94 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tích lũy, đúc rút được nhiều bài học quý báu, hun đúc nên những truyền thống rất tốt đẹp và vẻ vang, trong đó có bài học, truyền thống gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân, Đảng luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu của Đảng. Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, sức mạnh nhân dân là cội nguồn sâu sa của thắng lợi, của phát triển và xác định rõ: “Bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân”. Nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp tích cực, khả thi đã được Đảng ban hành, quy định và thực hiện hiệu quả. Ngày 08/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII: “Công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân”. Đảng cũng luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên không được: “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”.

Tình hình cách mạng trong giai đoạn mới đòi hỏi toàn Đảng, các tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên phải tiếp tục rèn luyện, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, bài học kinh nghiệm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng, 03/02/1930 - 03/02/2024: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”./.

CÔNG MINH