Cao tốc Bắc – Nam: Gỡ “nút thắt” để tăng tốc
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 06:23, 04/04/2024
Bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, đặc biệt là Kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán nhà nước, với một trong những trọng tâm là kiểm toán các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Báo Kiểm toán triển khai tuyến bài nhằm đánh giá những kết quả đạt được, nhận diện điểm nghẽn, kiến nghị giải pháp góp phần thúc đẩy việc triển khai dự án đảm bảo hiệu quả, chất lượng, tiến độ.
Bài 1: Hiện thực hóa tuyến giao thông “xương sống” Bắc - Nam
Là tuyến giao thông huyết mạch có tầm quan trọng đặc biệt, việc tổ chức triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước. Nhiều nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã được ban hành giúp tạo cơ sở pháp lý vững chắc, cùng với sự vào cuộc khẩn trương, tích cực của các cơ quan, đơn vị, tuyến cao tốc “xương sống” Bắc - Nam đang dần thành hình…
Bệ phóng cho kinh tế “cất cánh”…
Phát triển hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược đã được nhắc đến trong văn kiện của 3 Đại hội Đảng, từ năm 2011 đến nay. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng chiều dài đường cao tốc cả nước đạt 3.000km; đến năm 2030, cả nước phải có ít nhất 5.000km cao tốc.
Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông nhấn mạnh: Hệ thống kết cấu hạ tầng hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là rào cản lớn, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, trong khi đường sắt tốc độ cao chưa thể triển khai, việc đầu tư ngay tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là không thể trì hoãn.
Cụ thể hóa chủ trương này, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết nhằm hiện thực hóa giấc mơ cao tốc trên trục giao thông “xương sống” quốc gia. Phát biểu tại lễ khánh thành dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Việc đầu tư dự án có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu sẽ giúp “tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, mở ra không gian phát triển mới” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua 32 tỉnh, thành phố, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng đoạn Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố, tác động đến 45% dân số, đóng góp 52% GDP và đặc biệt là kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm. Với mức độ ảnh hưởng như vậy, các chuyên gia cho rằng, đây là hành lang vận tải quan trọng, có tính lan tỏa nhất tới cả nước.
Hành lang vận tải Bắc - Nam luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch của đất nước. Chính vì vậy, để tạo ra động lực đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương trên hành lang này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063km từ Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau. Như vậy, nhiệm vụ về xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc trong giai đoạn này và tới đây là hết sức nặng nề.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Đánh giá cao chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn TP. Hà Nội) ví von tuyến cao tốc giống như “Con đường thống nhất” Bắc - Nam trong thời kỳ mới, góp phần gắn kết về chính trị, thu hẹp khoảng cách vùng miền và lan tỏa về kinh tế - xã hội.
Đưa ra ý kiến đánh giá về chủ trương đầu tư dự án quan trọng này, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ rõ, Dự án được đầu tư phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam; đồng thời, giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ song hành, đặc biệt là Quốc lộ 1 không thể khắc phục.
Tuyến huyết mạch dần thành hình…
Trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng và cân nhắc nguồn lực, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020. Khi giai đoạn 1 (giai đoạn 2017-2020) của Dự án đang được khẩn trương triển khai thì ngày 11/01/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 44/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (giai đoạn 2021-2025) với 12 dự án thành phần đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố. Đồng thời, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cho dự án với nguồn vốn rất lớn.
Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành hàng loạt nghị quyết, văn bản làm cơ sở cho việc triển khai dự án được thuận lợi. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, sự vào cuộc của địa phương, các nhà thầu, “siêu dự án” cao tốc Bắc - Nam được tiến hành khẩn trương, thần tốc. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm - cơ quan được giao thẩm quyền quyết định đầu tư Dự án - cho biết, tuyến cao tốc giai đoạn 2017-2020 đã hoàn thành 9/11 dự án thành phần, còn 2 dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo dự kiến hoàn thành năm nay. 12 dự án thành phần giai đoạn 2021-2025 đang được các đơn vị nỗ lực triển khai, bám sát tiến độ đề ra…
Cơ sở hạ tầng giao thông kém là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới chi phí logistics của nền kinh tế rất cao, chiếm 20% GDP, cao gần gấp đôi so với các nước đang phát triển và cao hơn so với mức bình quân toàn cầu tới 14-15%. Đó là một chi phí rất lớn, làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc
Hình dáng tuyến cao tốc huyết mạch của đất nước đang dần được định hình và mang lại những đổi thay to lớn cho vùng có dự án đi qua. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn, dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi vào vận hành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa các tỉnh, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư. Như chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, dự án Nha Trang - Cam Lâm đóng vai trò kết nối trục Bắc - Nam qua tỉnh Khánh Hòa cũng là điều kiện thuận lợi nhất để tỉnh phát huy lợi thế, tập trung xây dựng các khu công nghiệp, khu du lịch hiện đại… Thực tế cho thấy, đợt cao điểm du lịch trong năm qua, lượng khách đến các khu du lịch của các tỉnh: Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bình Thuận tăng lên rõ rệt. Các dự án đầu tư vào các tỉnh cũng được tăng lên do giao thông thuận lợi, nhờ đó tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân tại các vùng có dự án đi qua.
Thực tiễn phát triển đã minh chứng vai trò không thể thiếu của hạ tầng giao thông trong việc kết nối giữa các trung tâm kinh tế, văn hóa, đô thị của cả nước, nhất là khi tuyến cao tốc Bắc - Nam được ví như “xương sống” giao thông quốc gia. Với ý nghĩa đó, việc hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông đúng tiến độ và mục tiêu 5.000 km cao tốc vào năm 2030 sẽ là tiền đề, là bệ phóng đưa đất nước ta hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn và nhất là qua hoạt động kiểm toán cho thấy còn không ít bất cập, hạn chế nảy sinh đang tạo ra những thách thức trong triển khai xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông… Những vấn đề này sẽ tiếp tục được Báo Kiểm toán đề cập trong các kỳ tiếp theo./.