Doanh nghiệp tận dụng đà phục hồi, nỗ lực mở rộng thị trường
Kinh tế - Ngày đăng : 06:24, 04/04/2024
Doanh nghiệp chủ động thích ứng, đơn hàng xuất khẩu phục hồi
Trải qua năm 2023 các DN gặp rất nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng và nhu cầu suy giảm mạnh, đến thời điểm hiện tại, các DN ở nhiều ngành hàng chủ lực đã đón nhận những tín hiệu tích cực khi đơn hàng có sự hồi phục rõ nét, mang lại những kết quả ấn tượng về xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết thúc quý I/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng và kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao…
Những kết quả tích cực trên có được theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia một phần là do bối cảnh thị trường ngoài nước đang có những tín hiệu khả quan. Theo đó, nhiều thị trường trên thế giới, nhất là những thị trường lớn như Mỹ, khu vực Liên minh châu Âu có sự phục hồi, vượt qua giai đoạn suy thoái, từ đó tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước kéo theo tăng nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, các giải pháp đồng bộ của Chính phủ trong việc hỗ trợ DN phục hồi, khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh đã mang lại nhiều tác động tích cực, giúp cho các DN mở rộng sản xuất tốt hơn...
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả theo chuyên gia kinh tế PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh đó là kết quả của sự nỗ lực từ các DN trong việc tìm kiếm mở rộng đơn hàng ở cả thị trường truyền thống và thị trường mới. “Trải qua một thời gian khá dài đối mặt với khó khăn từ những ảnh hưởng của dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, có thể thấy giờ đây năng lực thích ứng của các DN trong nước đã có nhiều cải thiện, nhiều DN đã linh hoạt đề ra các chiến lược để trụ vững trên thị trường” - ông Thịnh nhấn mạnh.
Nhìn về chặng đường còn lại của năm, theo các chuyên gia, hoạt động xuất khẩu của các DN có một số thuận lợi. Chẳng hạn như: Thị trường các hiệp định thương mại tự do tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại; nhu cầu thị trường thế giới nhìn chung sẽ tiếp tục xu hướng phục hồi. Đồng thời, việc các nước phát triển công nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng sẽ giúp nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất, xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu…
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về đơn hàng xuất khẩu, xu hướng quý II/2024 so với quý I/2024, có 36,9% DN dự kiến có đơn hàng tăng lên; 46% DN dự kiến có đơn hàng ổn định và 17,1% DN dự kiến đơn hàng giảm.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Các chuyên gia nhận định, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN có những khởi sắc là điều đáng mừng và là bước “chạy đà” thuận lợi để kỳ vọng cộng đồng DN sẽ thu được những kết quả kinh doanh tươi sáng cho cả năm 2024. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, dự báo cũng còn không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi DN phải nỗ lực hơn nữa để “về đích” thành công.
Trước hết, kinh tế toàn cầu được dự báo vẫn còn nhiều rủi ro và thách thức khó đoán định; tổng cầu trên thế giới đã có tín hiệu phục hồi nhưng chưa thực sự bền vững. Đặc biệt, những bất ổn mới như căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ kéo dài nhiều tháng nay chưa được giải quyết đang làm đứt gãy nhiều chuỗi vận tải biển quốc tế. Theo đó, các tàu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ… buộc phải di chuyển với cung đường xa hơn, khiến chi phí logistics tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới sức cạnh tranh của DN.
Đáng chú ý, nhiều thị trường trên thế giới, nhất là các nước phát triển đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng, điều này tiếp tục là tiền đề để các nước dựng lên ngày một nhiều hơn những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, môi trường… khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu, từ đó tạo nên sức ép đối với các DN Việt về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của các đối tác nhập khẩu. Chính sách bảo hộ của các nước cũng ngày một tăng. Ngoài ra, việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như: Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ… sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam…
Trước bối cảnh đó, theo các chuyên gia, để có thể tiếp tục thu được những kết quả tích cực trong hoạt động kinh doanh, các DN cần theo dõi sát diễn biến thị trường và những thay đổi chính sách của các đối tác nhập khẩu để đề ra những giải pháp thích ứng và điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp. Đồng thời, tận dụng hiệu quả hơn nữa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do để phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Chủ động nâng cao năng lực, kiến thức về phòng vệ thương mại để có thể vận dụng hiệu quả nếu xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu. Đặc biệt, DN cũng cần tiếp tục chú trọng đầu tư công nghệ, chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh và bền vững, nhằm bắt kịp xu hướng chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
Về phía DN, các DN, hiệp hội ngành hàng cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ về tài khóa, tín dụng hiệu quả nhằm thúc đẩy DN phục hồi; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, giúp DN khơi thông xuất khẩu hàng hóa; đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng, các thương vụ, đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của DN và đưa ra những lưu ý, khuyến nghị kịp thời cho DN./.