Chuyên gia: Lãi suất tiết kiệm có thể tăng vào nửa cuối năm 2024

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 18:23, 07/04/2024

(BKTO) - Nhiều chuyên gia dự báo lãi suất ngân hàng có thể tăng vào nửa cuối năm 2024, đồng thời tỷ giá USD/VND cũng tăng nhưng sẽ được kiểm soát.

Nhiều ngày nay, cuộc đua giảm lãi suất huy động của các ngân hàng có dấu hiệu chậm lại, thậm chí một số nơi bắt đầu đảo chiều tăng. Diễn biến này khiến nhiều người đặt câu hỏi lãi suất sẽ thế nào trong thời gian còn lại của năm 2024?

Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng có khả năng lãi suất sẽ tăng lên vào nửa cuối năm 2024 nhưng điều này chưa thực sự rõ rệt vì còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu về vốn trong nền kinh tế.

Ông Thịnh nhận xét, gần đây, có khoảng 4 ngân hàng tăng lãi suất huy động nhưng chỉ là mức tăng nhẹ khoảng 0,1-0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn trung và dài hạn trên 13 đến 36 tháng. Động thái này nhằm mục đích tăng vốn trung và dài hạn. Đây là nguồn vốn có thể thay thế cho vốn chủ sở hữu doanh nghiệp trong các chỉ tiêu đảm bảo an toàn vốn. Điều này giúp tăng độ an toàn trong hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất đang trong chiều hướng giảm bởi nguồn vốn trong ngân hàng vẫn rất nhiều, do đó giảm lãi suất là để giảm huy động vốn. “Trong tương lai gần, với bối cảnh lạm phát ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định thì lãi suất ngân hàng còn dư địa giảm, lãi suất huy động giảm trước, sau đó lãi suất cho vay cũng theo đó hạ dần. Mức giảm là bao nhiêu thì còn phụ thuộc vào các chỉ tiêu an toàn vốn tại các ngân hàng", ông Thịnh nhận định.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập cũng đồng tình với quan điểm này. Trả lời trên VOV, ông Hiếu phân tích, Mỹ vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, giữ lãi suất ở mức cao nhằm kiểm soát lạm phát. Nguyên nhân của việc này là sau COVID-19, Chính phủ Mỹ đã bơm một lượng tiền rất lớn vào lưu thông nên tạo ra lạm phát. Đến 2022, lạm phát tại Mỹ có lúc lên đến 9%. Ở thời điểm này, tỷ lệ lạm phát tại Mỹ có giảm nhưng vẫn cao hơn tỷ lệ lạm phát mục tiêu là trên 2%.

“Theo tính toán của tôi, phải đến tháng 6/2024, Feb mới bắt đầu lộ trình giảm lãi suất, nếu lạm phát của Mỹ trong năm 2024 giảm xuống mức từ 2,5 - 2,8%. Mỗi lần giảm, lãi suất có thể sẽ được điều chỉnh từ 0,25 - 0,5%".

Khi Fed giảm lãi suất, chênh lệch lãi suất giữa tiền USD và tiền Đồng giảm đi sẽ làm giảm áp lực tỷ giá, từ đó tạo ra sự ổn định cho nền kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ có nhiều dư địa hơn trong các chính sách tiền tệ.

lai-suat-1.jpg
Lãi suất có khả năng tăng vào nửa cuối năm 2024. (Ảnh minh họa: VietnamFinance)

Fed giảm lãi suất cũng sẽ tạo ra lực đẩy lãi suất ở Việt Nam tăng lên. Khi nền kinh tế Việt Nam được "hâm nóng" vào nửa cuối năm 2024, hoạt động nhập khẩu, sản xuất sẽ tăng lên. Nhu cầu vay tiền tại ngân hàng cũng sẽ tăng.

“Hiện tại, lãi suất ngân hàng đang còn ở mức tương đối thấp. Nhưng khi nền kinh tế được tác động bởi chính sách tiền tệ từ Mỹ, khiến hoạt động tín dụng nóng lên thì lãi suất sẽ tăng lên. Do đó, ở thời điểm này người gửi tiền nên gửi với kỳ hạn ngắn, để khi lãi suất tăng lên trong khoảng nửa cuối năm thì sẽ gửi tiết kiệm kỳ hạn mới với mức lãi suất cao hơn.

Ngược lại, với những người đi vay mà vay được với mức lãi suất hiện tại thì nên vay với kỳ hạn càng dài hạn càng tốt bởi lãi suất trong tương lai sẽ tăng lên”, TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Tỷ giá USD/VND sẽ tăng nhưng có kiểm soát

Cũng theo ông Hiếu, tỷ giá USD/VND đang trong xu hướng tăng, trên thị trường tự do đã lên đến 25.580 đồng/USD. Trong giai đoạn đầu năm của nền kinh tế, doanh nghiệp cần nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa, phần lớn hoạt động nhập khẩu đều thanh toán bằng USD, tạo ra nhu cầu về USD lớn kéo giá USD tăng lên.

Một trong những nguyên nhân nữa là lãi suất của tiền Đồng so với USD. Hiện tại Fed vẫn tiếp tục thắt chặt tiền tệ, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng ở Mỹ vẫn quanh mức 5,5%. Chênh lệch lãi suất qua đêm với tiền đồng là rất lớn làm giảm giá trị tiền Đồng xuống và đẩy tỷ giá tăng cao.

Khi lãi suất tiền Đồng thấp trong khi lãi suất tiền USD cao, nhà đầu tư sẽ đổi tiền đồng sang tiền USD để đầu tư vào những thị trường trên thế giới nhằm  hưởng lãi suất cao. Từ đó tạo nên nhu cầu mua USD và làm tăng tỷ giá.

"Các yếu tố trên cộng hưởng đã đẩy tỷ giá lên. Tôi cho rằng tỷ giá sẽ tiếp tục tăng trên cả thị trường chính thức và thị trường tự do", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

lai-suat-2.jpg
Chuyên gia dự báo tỷ giá USD/VND vẫn tiếp tục tăng, tuy nhiên điều này sẽ được kiểm soát. (Ảnh minh họa: CafeF)

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cũng khẳng định, các nguyên nhân dẫn đến tỷ giá tăng cao là do tác động của giá vàng, do nhu cầu nhập hàng hóa và do đầu tư ra nước ngoài để hưởng chênh lệch lãi suất. Tuy nhiên ông bổ sung thêm một nguyên nhân quan trọng là một bộ phận người dân gặp khó khăn khi đầu tư vào bất động sản, chứng khoán và vàng. Do đó, họ có nhu cầu đầu tư vào các ngoại tệ tương ứng với vàng mà cụ thể là USD. Nhu cầu tăng do đó giá USD tăng lên.

Ông Thịnh đánh giá việc điều hành tỷ giá của cơ quan quản lý tiền tệ trong nước vẫn đang bám sát, tỷ giá đồng USD nằm trong tầm kiểm soát. “Cơ quan điều hành vẫn chưa có động thái gì tỏ sự lo lắng như nâng lãi suất, tăng dự trữ bắt buộc, nới rộng biên độ giao động, thậm chí bán can thiệp, do đó tỷ giá USD vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát".

Ông cho rằng nếu tỷ giá đồng USD tăng đến mức ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước, cơ quan quản lý điều hành lập tức sẽ có những động thái cần thiết để xử lý kịp thời.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh về chính sách điều hành tỷ giá đồng USD bình ổn. Phó Thống đốc cho rằng, việc điều hành tỷ giá là một trong những điều hành kinh tế vĩ mô rất quan trọng, bởi tỷ giá USD không chỉ ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền, sức mua đồng tiền Việt Nam mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến các chính sách kinh tế vĩ mô về kiểm soát lạm phát.

Từ năm 2023, tỷ giá USD/VND đã có nhiều sôi động. Việc điều hành tỷ giá cũng có lúc gặp khó khăn dưới tác động của kinh tế thế giới, khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn. Đầu năm 2024, tỷ giá USD tiếp tục nóng thêm.

Có 3 lý do chính khiến đồng USD liên tục tăng trong thời gian vừa qua. Đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa đưa ra thời điểm cụ thể để nới lỏng chính sách tiền tệ khiến giá đồng USD tăng cao, trực tiếp tác động đến các đồng tiền khác trong đó có Đồng Việt Nam.

Chính sách hạ lãi suất của ngân hàng Việt Nam rất mạnh trong thời gian vừa qua cũng  đã và đang tạo ra bất cập nhất định. Chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và đồng Việt Nam trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục duy trì âm, tức là lãi suất đồng Việt Nam thấp hơn lãi suất đồng USD. Đây cũng là một trong những áp lực khiến cho đồng USD “nóng”.

Trong ba tháng đầu năm, nhập khẩu tích cực khiến nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu tăng hơn so với giai đoạn trước đây.

Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn nhận thấy tỷ giá đồng USD vẫn đảm bảo duy trì sự ổn định, đảm bảo được trạng thái ngoại tệ dương tại các ngân hàng thương mại, đáp ứng được các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho các doanh nghiệp và đảm bảo được các cân đối chung. Trường hợp cuối cùng trong nỗ lực điều hành tỷ giá, NHNN có thể can thiệp để giữ vững ổn định”, Phó Thống đốc khẳng định.

CÔNG HIẾU