Ngành ô tô sẽ bỏ lỡ "cơ hội vàng" nếu không bắt kịp xu hướng thế giới
Kinh tế - Ngày đăng : 18:08, 08/04/2024
Mới đây, Bộ Công Thương đã đăng tải toàn văn Dự thảo Đề cương Chiến lược phát triển các ngành ô tô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân. Dự kiến đến tháng 6 tới, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện Dự thảo lần 1, sau đó tiếp tục chỉnh sửa để hoàn thiện; tháng 9/2024 sẽ báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng phê duyệt.
Tỷ lệ nội địa hóa thấp, chi phí sản xuất lắp ráp cao
Đó là những yếu tố làm cản trở quá trình phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước. Cụ thể, số liệu từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, cả nước hiện có 377 doanh nghiệp ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn. Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1.221, trong đó, đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô.
Tỷ lệ nội địa hóa ngành này cũng thấp so với các nước trong khu vực. Đơn cử với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020, 40 - 45% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030. Nhưng hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Trong nước, hiện mới có Thaco đạt khoảng 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Không chỉ đối mặt với vấn đề nội địa hóa thấp, ô tô trong nước còn chịu chi phí sản xuất lắp ráp cao hơn các nước trong khu vực. Điều này vô hình chung đẩy giá bán xe lắp ráp trong nước lên cao khoảng 20% so với các nước. Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, linh kiện sản xuất trong nước còn ít khiến chi phí sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam cao hơn từ 10 - 20%.
Yếu tố về phụ tùng, linh kiện liên quan trực tiếp đến chi phí sản xuất lắp ráp. Hiện Việt Nam mới chủ yếu sản xuất được các phụ tùng với công nghệ giản đơn, như ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe… Còn lại những linh kiện quan trọng, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao như hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái... vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn.
Trong khoảng 400 doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp, chỉ một số rất ít đầu tư dây chuyền rập thân, vỏ xe; vật liệu làm khuôn mẫu hầu hết phải nhập khẩu. Ngoài ra, hằng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 2-3,5 tỷ USD cho linh kiện, phụ tùng và khoảng 4 tỷ USD nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Nhận định về tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp tô tô trong nước, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đưa ra con số: Hiện tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam ở mức 23 chiếc/1.000 người dân, chỉ bằng 1/10 của Thái Lan và 1/20 của Malaysia. Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam lại có tốc độ tăng trưởng xếp thứ hai Đông Nam Á.
Nhiều chuyên gia ô tô nhìn nhận, để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thật sự phát triển, nước ta cần phải đạt mức tiêu thụ khoảng 600 nghìn xe/năm. Các cơ quan hoạch định chính sách chiến lược phải có cơ chế đột phá, ưu tiên phát triển thì đến đầu những năm 2030, sức tiêu thụ thị trường ô tô tại Việt Nam mới có thể đạt 1 triệu xe/năm.
Khuyến nghị tập trung vào mảng xe điện
Bộ Công Thương đánh giá, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã có nhiều thay đổi cả về quy mô dân số, tăng trưởng kinh tế và chất lượng tăng trưởng. Quy mô, sản phẩm và thị trường tiêu thụ ô tô trong nước qua đó cũng đã có khác nhiều so với trước đây.
Do vậy, để ngành sản xuất ô tô Việt Nam phát triển tốt, việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hết sức cấp thiết và có ý nghĩa cả về thực tiễn và khoa học.
Nội dung chính của Chiến lược là phát huy nội lực của mọi thành phần kinh tế trong nước; chú trọng liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước về các loại xe có lợi thế cạnh tranh; nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước theo hướng hiện đại.
Theo đó, các nhóm sản phẩm ưu tiên gồm xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên, xe chở người đến 9 chỗ, xe chuyên dụng và công nghiệp hỗ trợ.
Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2035, tổng sản lượng xe đạt khoảng 1.531.400 chiếc, trong đó, xe đến 9 chỗ khoảng 852.600 chiếc, từ 10 chỗ trở lên khoảng 84.400 chiếc, xe tải khoảng 587.900 chiếc, xe chuyên dụng khoảng 6.500 chiếc. Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa. Đến năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc…
Các chuyên gia cho rằng, để đạt được mục tiêu trên, cần điều chỉnh lại những quy định không còn phù hợp với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trên thế giới. Trong đó, nghiên cứu, đánh giá xu thế phát triển ô tô trong tương lai là sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường như xe điện, hybrid-điện,… còn các công nghệ sử dụng động cơ đốt trong như xăng, dầu sẽ dần dần bị loại bỏ. Bên cạnh đó, có chính sách tổng thể để người dân được cải thiện, nâng cao thu nhập và giá bán ô tô tiếp cận dễ dàng hơn với người tiêu dùng.
Hiện nay, xu hướng điện hóa ô tô đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Đối với xe điện, xuất phát điểm giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN cơ bản ngang nhau. Nếu trước đây, xe động cơ đốt trong, động cơ ô tô là “trái tim”, hàm chứa tinh hoa công nghệ thì nay, ô tô điện lại là pin - bộ phận cấu thành quan trọng mà nước ta có nhiều điều kiện thuận lợi vượt trội để phát triển.
Tiềm năng thu hút các dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô điện, pin xe điện của Việt Nam là rất lớn nếu các bộ, ngành hữu quan sớm nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ kịp thời người tiêu dùng và các nhà sản xuất ô tô theo đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ. Vấn đề này không chỉ giải quyết được “bài toán” thúc đẩy phát triển phương tiện thân thiện môi trường mà còn giúp kích cầu sức mua, tăng tốc phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Cần phải nói thêm, các quốc gia lân cận đang “chạy đua” mở rộng cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư phát triển xe điện, nếu nước ta không nhanh chóng chớp “cơ hội vàng” này, sẽ lại tiếp tục lỡ nhịp, lặp lại sai lầm như các lần trước đây.
Mục tiêu xuất khẩu 90.000 xe ô tô, kim ngạch xuất khẩu linh kiện phụ tùng đạt 10 tỷ USD vào năm 2035 tại Chiến lược đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 sẽ không thể đạt được nếu không có sự đánh giá kịp thời để điều chỉnh, khắc phục những khiếm khuyết theo từng giai đoạn, đồng thời có chính sách thúc đẩy phát triển ngành theo xu thế phát triển của thế giới là xe điện, xe năng lượng sạch.
Để ngành công nghiệp ô tô của đất nước không bị bỏ lại phía sau, đi vào “vết xe đổ” như những lần trước đây, Chính phủ và các bộ, ngành cần sớm rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, nghiêm túc nhìn nhận vấn đề còn hạn chế, từ đó kịp thời điều chỉnh mục tiêu phù hợp xu hướng trong khu vực và thế giới./.