Ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào mới
Kinh tế - Ngày đăng : 10:47, 09/04/2024
Hiệp định được ký kết ngay sau buổi hội đàm giữa hai bên.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên, hợp tác trong lĩnh vực công thương là trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào. Vì vậy, hai bên cần thường xuyên gặp gỡ, trao đổi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Chia sẻ tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam đã trở thành công xưởng của thế giới với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt hơn 735 tỷ USD, nằm trong nhóm 20 nước có quy mô ngoại thương lớn nhất thế giới và nhóm các thị trường hấp dẫn nhất về thu hút FDI. Với quy mô như vậy, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các loại nguyên liệu đầu vào và điện năng từ các nước, trong đó có Lào.
Lào đang dần trở thành một trong những nguồn cung cấp quan trọng các sản phẩm và nguyên liệu phục vụ sản xuất cho các nước ASEAN nói chung và cho Việt Nam nói riêng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Thực tế thời gian qua cho thấy, kim ngạch thương mại song phương hai nước đã có sự tăng trưởng khả quan. Từ 2012 đến nay, hai bên liên tục hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại từ 10-15%/năm như lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra, trừ giai đoạn Covid-19.
Tuy nhiên, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào mới đạt quy mô 1,65 tỷ USD, chỉ bằng 10% tổng kim ngạch ngoại thương của Lào và 0,2% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam. Kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Lào.
Để khai thác tiềm năng hợp tác thương mại, hai Bộ trưởng đã nhất trí các giải pháp cụ thể triển khai Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào; biên bản kỳ họp thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào.
Trong đó có các giải pháp liên quan đến thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá giữa hai nước, gia tăng khối lượng kim ngạch thương mại giữa hai nước; thúc đẩy hợp tác phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào; tập trung khai thác tối đa hiệu quả của các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu hiện có tại khu vực biên giới hai nước; phối hợp chặt chẽ để đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu của Lào; tăng cường hợp tác trong công tác quản lý thị trường; phát triển thương mại điện tử.
Hiện nay, kim ngạch thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch thương mại hai nước. Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Lào giai đoạn tới, hai bên cần triển khai có hiệu quả Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Lào ký tháng 01/2024; rà soát, trao đổi để sửa đổi, bổ sung Thỏa thuận Hà Nội năm 2007 và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào cho phù hợp với tình hình và bối cảnh mới.
Sau buổi hội đàm, hai Bộ trưởng đã ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào mới; đồng thời chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương Việt Nam) và Vụ Cạnh tranh và Kiểm tra thương mại (Bộ Công Thương Lào); Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa GP Holdings, Viện Nghiên cứu cơ khí (Việt Nam) và Tập đoàn Phonesack Group (Lào) về hợp tác xây dựng kho bãi và băng truyền tải than.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào được ký lần đầu năm 2015. Những năm qua, Chính phủ Việt Nam và Lào giao Bộ Công Thương hai nước đàm phán, sửa đổi, bổ sung để xây dựng Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào mới cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Sau quá trình đàm phán kéo dài 03 năm, hai bên đã thống nhất được các nội dung Hiệp định mới.
Hiệp định gồm 05 chương, tương ứng với 15 điều khoản và 05 phụ lục bao trùm các vấn đề quan trọng trong hợp tác thương mại giữa hai nước, bao gồm: Quy định về việc tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ; tạo thuận lợi thương mại; xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử; hợp tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống rửa tiền và vận chuyển trái phép qua biên giới.
Hiệp định khi đi vào thực thi sẽ góp phần giải quyết các vấn đề phát sinh; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thương mại giữa hai nước. Đặc biệt, việc rà soát và đưa ra các ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu đi trước lộ trình giảm thuế của Việt Nam và Lào trong ASEAN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại Việt Nam - Lào./.