Cần cơ chế, chính sách đủ mạnh, mang tính đột phá để phát triển tỉnh Nghệ An

Kinh tế - Ngày đăng : 10:47, 09/04/2024

(BKTO) - Cuộc họp của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An vừa diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Trưởng Ban Soạn thảo.
na.jpg
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Ảnh minh họa: VGP

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Nghị quyết số 39/NQ-CP ngày 03/4/2024, Chính phủ đã thống nhất thông qua Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024) theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Nghệ An và các bộ, ngành rà soát nội dung chính sách trên nguyên tắc bảo đảm cơ sở lý luận, thực tiễn, khoa học, pháp lý đầy đủ, chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội và phù hợp tình hình thực tế của tỉnh nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và những vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, có tiềm năng, lợi thế, thực sự tạo đột phá cho phát triển của tỉnh Nghệ An.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất gồm 04 nhóm lĩnh vực với tổng số 20 chính sách. Trong đó: Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (07 chính sách); Quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường (02 chính sách); Quản lý đầu tư (07 chính sách); Tổ chức bộ máy và biên chế (04 chính sách).

Trong các nhóm chính sách được đề xuất, có 05 nhóm chính sách tương đồng với các tỉnh, thành phố đã có Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chính sách đặc thù; 04 nhóm chính sách tương tự một phần với các chính sách đã áp dụng và 06 chính sách mới, chưa áp dụng với các địa phương.

06 chính sách mới bao gồm: Một là, cho phép tỉnh Nghệ An không xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương đối với các nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vùng miền Tây Nghệ An.

Hai là, cho phép Ngân sách tỉnh Nghệ An được hưởng 100% số tăng thu do ngân sách trung ương được hưởng từ các khoản thu: thuế bảo vệ môi trường (từ hàng hóa sản xuất trong nước), tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và các loại phí, lệ phí do cơ quan Trung ương thu trên địa bàn tỉnh.

Ba là, khai thác, phát triển quỹ đất đô thị.

Bốn là, cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án không có điều kiện tự trồng rừng thay thế để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; phát triển giống cây lâm nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng.

Năm là, UBND tỉnh Nghệ An có không quá 05 Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Sáu là, cho phép tỉnh Nghệ An được phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các chi nhánh, đơn vị trực thuộc, địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp ngoại tỉnh thuộc các lĩnh vực dịch vụ tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, hàng không hoạt động trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Khoản thu này không dùng để xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.

Tham gia ý kiến tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và những vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Qua đó nhằm thể chế hóa đầy đủ quy định của Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng tập trung vào các nhóm chính sách mới, chưa áp dụng với các địa phương và các nhóm chính sách tỉnh Nghệ An đề xuất liên quan đến phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương không quá 1,5 lần số vốn tính theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 (không bao gồm số vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm, liên vùng); ngân sách tỉnh Nghệ An được giữ lại; tỷ lệ vốn nhà nước tham gia đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An; việc lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước và nước ngoài; quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đã trao đổi về những khó khăn, thách thức hiện nay của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là khu vực phía Tây của tỉnh, nơi có diện tích rộng, có đường biên giới dài nhất cả nước, là khu vực trọng yếu về an ninh nhưng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Do vậy, tỉnh đề xuất một số chính sách về quản lý tài chính để tạo nguồn lực đầu tư, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng tại các huyện nghèo khu vực phía Tây Nghệ An.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đã giải trình, làm rõ thêm các vấn đề được các đại biểu nêu liên quan đến các chính sách cụ thể và khẳng định, trên cơ sở các ý kiến góp ý, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ Biên tập rà soát các nhóm chính sách đảm bảo chất lượng, gắn với mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra; tăng cường liên kết với các địa phương để tạo ra cực tăng trưởng của Nghệ An.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự tích cực, chủ động của tỉnh Nghệ An trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết; đánh giá cao sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan trong quá trình tham gia ý kiến góp ý. Đồng thời nhấn mạnh đến sự cần thiết xây dựng Nghị quyết nhằm cho phát huy hết các tiềm năng lợi thế, tạo sức bật, động lực mới để tỉnh Nghệ An phát triển trong thời gian tới.

Nghệ An vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được ngân sách, chưa phát huy được vai trò là trung tâm của vùng trong một số lĩnh vực được đề ra; chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế để phát triển. Do vậy, để tạo điều kiện cho tỉnh Nghệ An thực hiện được các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được giao, cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đủ mạnh, mang tính đột phá để phát triển.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

PHÚC KHANG