Trình Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên vào tháng 5
Pháp luật - Ngày đăng : 16:16, 10/04/2024
Mới đây, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Cơ quan Phòng chống ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (INL) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Theo Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tình cảm, nhận thức; thiếu kiến thức xã hội, pháp luật... Đây là nhóm dễ bị tổn thương, bị tác động tiêu cực nhất trong xã hội nên cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, nhất là trong hoạt động tư pháp hình sự.
Vì vậy, chính sách về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên cần có tiếp cận chuyên biệt, đặc thù phù hợp với lứa tuổi, khả năng nhận thức của các em với mục đích bao trùm là giáo dục, cải tạo, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện nhận thức và hành vi, trở thành công dân tốt cho xã hội.
Hệ thống pháp luật quốc gia của các nước bên cạnh Bộ Luật tố tụng hình sự, Bộ Luật hình sự còn xây dựng luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên. Việt Nam tham gia Công ước Bảo vệ quyền trẻ em từ sớm. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các nước châu Á đã có Luật chuyên biệt trong khi Việt Nam chưa có.
Liên hợp quốc cũng đã khuyến cáo; Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và nhiều chuyên gia cũng đã khuyến nghị xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Do đó, TAND tối cao đã đề xuất với Quốc hội xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, TAND tối cao đã triển khai xây dựng Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào tháng 5 và theo kế hoạch sẽ biểu quyết thông qua trong tháng 10/2024.
“Dự thảo Luật đưa ra thảo luận lần này đã tuân thủ luật khung của Liên hợp quốc về Tư pháp người chưa thành niên, tham khảo tối đa các kinh nghiệm quốc tế, cũng đã cập nhật những bất cập hiện nay của pháp luật trong nước cần phải khắc phục. TAND tối cao đã làm việc hết sức trách nhiệm, khoa học, với tinh thần cầu thị, lắng nghe để có một dự thảo luật có chất lượng cao trước khi trình Quốc hội, đủ nghiêm khắc để bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, nhưng cũng rất nhân văn, mở đường cho người chưa thành niên tái hoà nhập nếu có vi phạm” - Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia Tư pháp trong nước và quốc tế đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Luật Tư pháp người chưa thành niên và góp ý đối với một số nội dung lớn của Dự thảo Luật, như: Chế định xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; trình tự, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên; vấn đề hình phạt và thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên…
Các chuyên gia đều cho rằng, việc đưa Luật Tư pháp người chưa thành niên vào thực thi sẽ củng cố và mở rộng các quy định hiện hành về người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp; đồng thời, triển khai những cải cách quyết liệt, toàn diện nhằm bảo đảm hệ thống tư pháp người chưa thành niên của Việt Nam tuân thủ tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế... Tất cả chúng ta đều có một vai trò để đóng góp.
Tại Hội thảo, cơ quan Phòng chống ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm thực thi Luật Tư pháp người chưa thành niên ở Hoa Kỳ và cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong việc thực thi Luật Tư pháp người chưa thành niên./.