Mạnh dạn cho phép những cơ chế rất mới để “cứu” doanh nghiệp
Emagazine - Ngày đăng : 09:56, 11/04/2024
PGS, TS. Trần Đình Thiên mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Kiểm toán từ những chỉ số tăng trưởng kinh tế quý I.
- Thưa ông, quý I, tăng trưởng kinh tế đạt 5,66%, xuất khẩu hàng hóa tăng 17%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 72%... Ông nhìn nhận như thế nào về những con số này?
PGS, TS. Trần Đình Thiên:
Trước tiên phải nói rằng kinh tế quý I khởi sắc, tạo ra một thế mới cho năm 2024. GDP tăng trước tiên là nhờ nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng tới 6,28%. Dịch vụ cũng khởi sắc, đặc biệt là du lịch. Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số đặc biệt ấn tượng.
Tuy nhiên, cũng phải nhận định rõ ý nghĩa thực chất của sự khởi sắc đó. Nền kinh tế luôn có bức tranh khá tương phản. Chẳng hạn, khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhưng khách du lịch trong nước lại không “hào hứng” bởi nhiều yếu tố cản trở, đặc biệt là việc đi lại, giá vé máy bay...
Cũng như năm ngoái, năm kia, sự khởi sắc liên quan nhiều đến khu vực ngoại, trong khi khu vực nội vẫn đang rất khó khăn.
Tăng trưởng xuất khẩu trong quý I đến 17%, nhập khẩu tăng gần 14%. Xuất siêu hơn 8 tỷ USD cũng là một con số tích cực. Tuy nhiên, phần đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chủ yếu là khu vực đầu tư nước ngoài chứ không phải là khu vực nội địa. Điều này cũng giống với nhóm ngành công nghiệp, khu vực nước ngoài chiếm 60-70% và công nghiệp tăng trưởng cũng chủ yếu thuộc về khu vực FDI.
Đương nhiên, việc thu hút được đầu tư nước ngoài và xuất khẩu tăng trưởng là tốt nhưng nếu chúng ta không làm tốt hơn nữa, không nỗ lực cao độ cho khu vực trong nước thì nền kinh tế có thể sẽ phải đối diện với những thách thức và nguy cơ khó lường.
Vì vậy, phải đặc biệt lưu ý, nền kinh tế tốt lên nhưng vẫn tồn đọng những vấn đề khá nghiêm trọng, khu vực nội địa, khu vực bản địa của Việt Nam rất khó khăn.
- Ông có thể lý giải thêm về sự khó khăn của DN nội?
PGS, TS. Trần Đình Thiên:
DN Việt Nam chưa bao giờ lâm vào tình cảnh như hiện nay. Số lượng DN rút lui khỏi thị trường gấp rưỡi số DN mới thành lập. Số DN mới thành lập chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, số DN rút lui vẫn tiếp tục tăng đến 22-23%. Tình trạng này cũng tương tự năm ngoái.
Những năm trước đây, số DN mới thành lập tăng hơn nhiều hơn so với số DN rút lui khỏi thị trường nhưng riêng năm nay thì ngược lại và ngược khủng khiếp, thành lập có 60.000 thì rút lui 74.000.
Số DN rút lui là số DN có thật, đóng góp GDP thật, đã tạo việc làm thật và đóng thuế thật. Còn DN mới thành lập chưa có gì và nhìn chung quy mô của DN mới thành lập bé hơn DN đang tồn tại. Điều này giải thích tại sao các DN Việt Nam cứ nhỏ dần đi, số DN rút lui khỏi thị trường tăng lên, quy mô DN nhỏ.
Điều đáng nói, DN của ta nhỏ và rất yếu chứ không phải nhỏ mà mạnh. DN của nước ngoài có thể nhỏ nhưng mạnh, nhỏ nhưng công nghệ cao.
Nước ta coi DN là lực lượng chủ lực của kinh tế thị trường nhưng DN gặp khó, nghĩa là kinh tế thị trường của Việt Nam đang tồn đọng nhiều vấn đề liên quan đến chỉ số tổng thể như lưu thông vốn, tiếp cận vốn, các năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam đang rất khó khăn.
Đặc biệt, nếu chúng ta vẫn tiếp tục để DN Việt Nam không cải thiện được tình hình thì có thể số liệu chung vẫn tốt nhưng khu vực nội địa là nguy cơ.
- Như ông trao đổi, nhiều năm nay, DN FDI dẫn đầu về tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu, trong khi đó, DN nội vẫn chồng chất khó khăn và có phần “lép vế” trước DN ngoại. Theo ông, thực tế này phản ánh điều gì?
PGS, TS. Trần Đình Thiên:
Đây là một cấu trúc của nền kinh tế hiện nay. Mặc dù DN FDI chỉ chiếm khoảng 22-23% vốn; sản lượng, tỷ trọng trong GDP khoảng 25% nhưng phần giá trị gia tăng của họ rất cao, phần tăng trưởng của họ đóng góp vào tăng trưởng GDP rất có ý nghĩa và họ được hưởng lợi nhiều hơn từ hội nhập.
DN FDI không cần vay vốn trong nước và cũng không phải chịu khó khăn về vốn trong nước. Khu vực này cũng đang phát triển rất mạnh và Việt Nam như một môi trường đầu tư tốt. Chúng ta mời gọi được đầu tư nước ngoài là tốt và vẫn cần làm tốt hơn nữa.
Thế nhưng đồng thời, chúng ta càng phải nỗ lực hơn rất nhiều cho khu vực DN trong nước. Thực tế, chúng ta chưa nỗ lực cho DN tư nhân, xã hội cũng chưa có thiện chí với những DN lớn của Việt Nam. 98% nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam trong tình trạng: Hơi gió máy là “rạp” xuống hết. Không lo cho DN này thì lực lượng nào làm chủ nền kinh tế?
Một thực tế nữa, DN Việt Nam lo một phần rất quan trọng là tạo ra nhiều việc làm thì lại rất khó khăn. Lạm phát thấp cũng có nghĩa là tiền bơm ra cho khu vực nội địa rất ít. Ta tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, giảm lãi suất nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu tiếp cận vốn của DN.
Nỗ lực giảm lãi suất nhưng trên thực tế, giảm chưa đáng kể. Gói gói tín dụng 20.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng, gói tín dụng chính sách 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ nguồn ngân sách nhà nước... chưa giải ngân được bao nhiêu. Để tiếp cận được lãi suất ưu đãi, DN còn khó khăn.
Đó là tình trạng cấu trúc nhị nguyên, tức là khu vực trong nước và khu vực nước ngoài tách biệt nhau. Điều này cũng đưa ra những chỉ báo: Nếu không cẩn thận, không cụ thể, không sâu sát với tình hình mà chỉ vì những con số chung thì điều này sẽ tạo ra nguy cơ bị bức tranh ảo, bức tranh giả, không thật về nền kinh tế. Thiếu chiều sâu nội lực của nền kinh tế là điều rất nguy hiểm.
- Trong bối cảnh này, Việt Nam nên tiếp cận chính sách như thế nào, thưa ông?
PGS, TS. Trần Đình Thiên:
Chúng ta cần có một cách tiếp cận khác, phải thay đổi tư duy thiết kế chính sách, nếu vẫn làm theo kiểu cũ thì có lẽ đa phần DN Việt Nam không “chờ” được, DN Việt sẽ yếu mãi.
Đáng lẽ, sau Covid-19, phải đánh giá xem DN yếu như thế nào. Đánh giá đúng thì cơ hội để DN trỗi dậy tốt hơn. Đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp “bơm máu” cho họ là cần thiết nhưng ta cứ lo bơm sai. Ta lo cho cả một hệ thống DN không đứng dậy được hay ta lo từng tiêu chuẩn để không sai sót chút nào?
Nhà nước phải làm sao để mặt bằng lãi suất hạ xuống gần mức của các nước giúp DN Việt Nam có cơ hội tiếp cận nguồn vốn giá cạnh tranh như DN nước ngoài. Để làm được điều đó, riêng ngân hàng không hạ lãi suất xuống mức đó được. Khoảng cách đó, Nhà nước phải bù để cho DN Việt Nam hưởng lãi suất thấp, ngân hàng hỗ trợ thêm một phần và ngân hàng cần có thời gian.
Nhà nước đặt mục tiêu 10 năm, 5 năm mặt bằng lãi suất phải như thế nào, trong khoảng thời gian đó, bỏ ra bao nhiêu tiền bù lại cho ngân hàng để DN Việt Nam nào cũng được tiếp cận các điều kiện của ngân hàng với lãi suất thấp. Như thế là khuyến khích đầu tư.
PGS, TS. Trần Đình Thiên
Nhà nước tính từng 0,0 mấy % lãi suất trong khi hệ thống DN đang gay go. Nếu cứ cân đo như thế thì nền kinh tế sẽ gặp nguy cơ. Đây là bài toán lớn, phải có cách tiếp cận trên bình diện lớn.
Cũng với cách đặt vấn đề như vậy, không chỉ đối với lãi suất, chính sách về thuế, tiền lương cũng phải khác. Thủ tướng nói, 1 trong 3 động lực thúc đẩy tăng trưởng là tiêu dùng (3 động lực: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư). Bây giờ tiêu dùng yếu nhất rồi, phải hỗ trợ tiêu dùng thế nào.
DN “chết” như vậy thì việc làm ở đâu. Không có việc làm thì không có thu nhập, lương vốn đã thấp thì phải hỗ trợ như thế nào, cho vay tiêu dùng như thế nào mới khuyến khích tiêu dùng.
5 năm tới, nếu chiếu theo nghĩa chung thì nền kinh tế có thể tốt hơn. Bởi đầu tư nước ngoài vẫn hỗ trợ được nền kinh tế nói chung nhưng như thế lại càng có nguy cơ cho khu vực trong nước. Đó là chưa kể những tai họa từ môi trường như nước biển dâng, hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long...
Chúng ta phải nhận thấy tình hình rất cấp bách, đòi hỏi một cách tiếp cận mới trong tư duy và đường lối chính sách. Đây là cơ hội để thay đổi cách tiếp cận chính sách thu nhập, chính sách tiền lương, chính sách cho vay nhằm hỗ trợ thị trường.
Những cuộc họp gần đây cũng bắt đầu nêu ra những cách tiếp cận khá mạnh bạo, tư duy khá đổi mới. Trong cách xử lý những tồn đọng hiện nay, phải mạnh dạn cho phép những cơ chế rất mới không theo logic cũ.
Hy vọng rằng sẽ có thay đổi nhưng hy vọng phải đi với quyết tâm, phải làm rất khẩn trương, kịp thời thì mới “cứu” được nền kinh tế./.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện: Thùy Anh; Thiết kế: Anh Tuấn