Kế hoạch kiểm toán năm 2024 - Gọn nhưng chất

Kiểm toán - Ngày đăng : 10:57, 11/04/2024

(BKTO) - Ngay từ khi xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2024, Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ đạo, quán triệt các đơn vị thực hiện nghiêm túc tinh thần “gọn nhưng chất”. Theo đó, KHKT năm 2024 đã được ban hành với 121 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 8 nhiệm vụ so với năm 2023 và giảm khoảng 30% số nhiệm vụ so với năm 2022. Kết quả này cho thấy sự quyết tâm của Ngành trong việc thực hiện phương châm “gọn” khi xây dựng KHKT.
a_trang-6.jpg
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: N.LỘC

Thông tin trên được ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) - chia sẻ tại Tọa đàm truyền hình “Kế hoạch kiểm toán năm 2024 - Gọn nhưng chất” do Báo Kiểm toán tổ chức ngày 10/4.

“Gọn” nhưng không bỏ qua những vấn đề quan trọng

Ông Vũ Ngọc Tuấn nhấn mạnh, “gọn” nhưng không có nghĩa là bỏ qua những vấn đề quan trọng. Trong KHKT năm 2024, chúng tôi vẫn xác định 2 vấn đề mà mục tiêu Chiến lược đã nêu, đó là kiểm toán báo cáo quyết toán của 33 Bộ, cơ quan Trung ương và kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương của 57/63 tỉnh, thành phố. Nếu so sánh với lộ trình đề ra đến năm 2025 trong mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN thì tỷ lệ này đã đạt và vượt. Đối với kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động, KTNN thực hiện khoảng 31 nhiệm vụ kiểm toán, đạt khoảng 27%.

Với tinh thần “gọn nhưng chất”, KTNN cũng tập trung lựa chọn những chuyên đề kiểm toán đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, như: Kiểm toán các dự án đầu tư thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội; kiểm toán các dự án đường cao tốc; kiểm toán chuyên đề sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập… Ngoài ra, KTNN cũng lựa chọn các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, như kiểm toán chuyên đề việc quản lý giá điện.

Theo mục tiêu của Chiến lược Phát triển KTNN, đến năm 2025, KTNN sẽ kiểm toán thường xuyên hằng năm 80% báo cáo quyết toán của các Bộ, ngành, địa phương và tỷ lệ các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động chiếm khoảng 30%. Đến năm 2030, kiểm toán thường xuyên hằng năm 100% báo cáo quyết toán của các Bộ, ngành, địa phương và tỷ lệ các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động chiếm khoảng 40%.

“Nhìn chung, với KHKT năm 2024, KTNN đã giải quyết được đồng thời nhiều mục tiêu. Một mặt vừa đảm bảo lộ trình thực hiện mục tiêu Chiến lược Phát triển KTNN - tập trung vào kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, cũng như tăng cường kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động. Mặt khác cũng đáp ứng được việc lựa chọn các chủ đề phù hợp, đáp ứng các yêu cầu phục vụ giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của Quốc hội” - ông Vũ Ngọc Tuấn nhận định.

Tập trung kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách

Kiểm toán quyết toán ngân sách là một nội dung đã được quy định trong Luật KTNN nhằm xác nhận, đánh giá tính trung thực, hợp lý của số liệu quyết toán ngân sách; cung cấp thông tin cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương.

Theo ông Vũ Ngọc Tuấn, dựa vào kinh nghiệm đúc rút được trong những năm qua, nội dung kiểm toán báo cáo quyết toán năm 2024 sẽ tập trung đánh giá tính pháp lý của báo cáo quyết toán, từ hồ sơ biểu mẫu, quy trình lập, thẩm định, xét duyệt của các cấp; xác nhận số liệu quyết toán để đảm bảo cho số liệu quyết toán thu là đúng thực thu, đúng niên độ, chi đảm bảo theo dự toán và đúng nội dung. Bên cạnh quyết toán thu, chi, cũng phải tập trung vào một số vấn đề: Chi chuyển nguồn - đây là vấn đề Quốc hội hết sức quan tâm và đã đưa vào Nghị quyết yêu cầu phải kiểm toán. Do đó, KTNN phải tập trung kiểm toán làm sao đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước; chấp hành, điều hành dự toán trong năm, nhất là việc chấp hành dự toán, thanh toán tạm ứng, ứng trước dự toán, sử dụng nguồn dự phòng, sử dụng ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương - làm sao để đảm bảo ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương sẽ bị thu hồi để giảm bội chi ngân sách trung ương nếu hết nhiệm vụ chi hoặc không được phép chuyển nguồn theo quy định.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đảm bảo chất lượng kiểm toán

“Cần thực hiện đồng bộ rất nhiều giải pháp để đảm bảo chất lượng kiểm toán đáp ứng đúng như kỳ vọng” - ông Vũ Ngọc Tuấn nói. Theo đó, để thực hiện KHKT năm 2024 đúng tinh thần “gọn nhưng chất”, ngay từ đầu năm, Vụ Tổng hợp đã tham mưu lãnh đạo KTNN ban hành một loạt văn bản chỉ đạo, được các đơn vị coi như kim chỉ nam trong hoạt động kiểm toán, như: Chỉ thị về Thực hiện KHKT năm 2024 với rất nhiều nội dung, giải pháp cụ thể; phương án tổ chức kiểm toán; hướng dẫn về mục tiêu, trọng yếu và các nội dung kiểm toán chủ yếu.

Theo lộ trình đổi mới công tác quyết toán NSNN, sắp tới sẽ giảm thời gian quyết toán từ 18 tháng xuống khoảng 12 tháng. Mặc dù dự kiến áp dụng trong năm 2025 nhưng KTNN cũng đang từng bước tiếp cận và xác định mục tiêu, nội dung kiểm toán phù hợp ngay từ sớm.

Trong phương án tổ chức kiểm toán, ngay từ khi xây dựng KHKT, KTNN đã yêu cầu các đơn vị tập trung ưu tiên các nguồn lực để kiểm toán các nhiệm vụ đáp ứng việc cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin phục vụ cho công tác giám sát của Quốc hội. Liên quan đến các nhiệm vụ kiểm toán báo cáo quyết toán, KTNN yêu cầu các đơn vị phối hợp với các Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp để xác định thời gian kiểm toán phù hợp. Đặc thù của báo cáo quyết toán thường dồn vào cuối năm nên thời gian kiểm toán rất ngắn, do đó, cần đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa KTNN với các đơn vị và các địa phương được kiểm toán.

Hơn nữa, với tinh thần “gọn”, Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo các đơn vị kiểm toán phải bố trí, sắp xếp, lồng ghép các nhiệm vụ kiểm toán: Các KTNN khu vực không được thực hiện quá 2 đợt kiểm toán trong 1 năm tại cùng 1 địa phương; hoặc tại 1 địa phương, ngoài KTNN khu vực thì mỗi năm chỉ có 1 đơn vị KTNN chuyên ngành thực hiện kiểm toán, qua đó giúp giải quyết được vấn đề về chồng chéo trong hoạt động của Ngành. Đồng thời, Vụ Tổng hợp đã tham mưu lãnh đạo KTNN để phối hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra giải quyết vấn đề chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…

Ngoài việc có phương án tổ chức kiểm toán khoa học, trong quá trình tổ chức thực hiện, các đơn vị phải thường xuyên nắm bắt tình hình để tham mưu cho lãnh đạo KTNN có sự quản lý, điều hành kịp thời; thông qua các đợt kiểm toán, các đơn vị phải đúc rút kinh nghiệm, chia sẻ trong toàn Ngành; các đầu mối chủ trì các cuộc kiểm toán chuyên đề hoặc các cuộc kiểm toán dự án quan trọng quốc gia phải có hướng dẫn triển khai cũng như tổng hợp toàn bộ kết quả kiểm toán…

Liên quan đến việc phát hành báo cáo kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị phải cơ bản hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán trước ngày 31/10 để đảm bảo phát hành các báo cáo kiểm toán trước ngày 31/12/2024 và kịp thời công khai, cung cấp thông tin cho đơn vị được kiểm toán, cũng như các cơ quan của Quốc hội.

Ông Vũ Ngọc Tuấn cho biết, hiện nay, KTNN đang triển khai việc cung cấp thông tin kết quả kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội thông qua việc số hóa các báo cáo kiểm toán. Cùng với việc công khai báo cáo kiểm toán, KTNN cũng tiến hành kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kiến nghị./.

VIẾT CHUNG