Việt Nam nỗ lực “chuyển mình” theo hướng tăng trưởng xanh
Kinh tế - Ngày đăng : 15:24, 11/04/2024
Chuyển đổi xanh đang trở thành xu thế tất yếu
Theo các chuyên gia, nghiên cứu gần đây của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, hiện nay, các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt giá trị trên 5.000 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Kinh tế xanh còn tạo ra cơ hội để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị xanh, công trình xanh, tài chính xanh...
Theo đó, việc nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh nhằm tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp, cho các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế có ý nghĩa cấp thiết và sống còn. Trên bình diện quốc gia, chiến lược về tăng trưởng xanh còn thể hiện quyết tâm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và bền vững.
Chia sẻ về vấn đề này, tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2024 với chủ đề “Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững: Từ chiến lược, chính sách của Chính phủ tới các sáng kiến, giải pháp của địa phương và doanh nghiệp” mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, cộng đồng quốc tế đã đạt được nhận thức sâu sắc, có quyết tâm cao, mục tiêu tham vọng về việc cần hợp tác và hành động vì kinh tế xanh và bền vững.
Theo đó, tại tất cả các tổ chức, diễn đàn hợp tác đa phương và song phương, kinh tế xanh và bền vững là một trong những nội dung nghị sự được quan tâm hàng đầu. Hàng loạt các liên kết, sáng kiến mới gắn với các lĩnh vực xanh đang được thúc đẩy mạnh mẽ như: Xây dựng thế giới tốt đẹp hơn (B3W) của Nhóm G7, Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI) của Trung Quốc, Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC) của Nhật Bản, Diễn đàn Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G), Cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM), Luật chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EU)...
Kinh tế xanh đã và đang được cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn có tính pháp chế cao, được đề cập trong các cam kết thương mại quốc tế. CBAM đã được thực hiện từ ngày 01/10/2023, Luật chống phá rừng của EU sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 và các nước trên thế giới sẽ tiếp tục ban hành những quy định để hạn chế “dấu chân nhựa”, “dấu chân carbon”.
Đối với Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, là một nền kinh tế hội nhập và gắn kết sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Việt Nam không thể nằm ngoài vòng xoáy phát triển xanh và bền vững hiện nay. Đặc biệt, vấn đề đặt ra không phải chỉ là nằm trong vòng xoáy mà Việt Nam cần quyết tâm nắm bắt cơ hội từ vòng xoáy đó để tạo đột phá trong phát triển, hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045.
“Trong tiến trình đó, là một nước đang phát triển, một nền kinh tế đang chuyển đổi, Việt Nam và từng địa phương đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ, đồng hành của bạn bè quốc tế, nhất là trong huy động nguồn tài chính xanh, phát triển các công nghệ giảm phát thải và đào tạo nguồn nhân lực” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói.
Cần tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy chuyển đổi xanh
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định trong chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh.
Điển hình như vấn đề chuyển dịch năng lượng đã có những chuyển biến tích cực, trong đó năng lượng tái tạo hiện chiếm 27,1% tổng công suất và chiếm 13,7% về sản lượng trong hệ thống điện toàn quốc. So với mục tiêu đề ra đến năm 2030 đạt khoảng 15 - 20% và so với mục tiêu đến năm 2045 đạt khoảng 25 - 30%.
Bên cạnh đó, tín dụng xanh luôn duy trì mức tăng trưởng khoảng 20%/năm từ năm 2017 đến nay và chiếm gần 4,5% tổng dư nợ của nền kinh tế năm 2023. Giai đoạn 2019-2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.
Ngoài ra, hiện cả nước có khoảng 240.000 héc-ta đất canh tác hữu cơ (trong khi năm 2016 chỉ là 77.000 héc-ta); có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ… Đặc biệt, năm 2023, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon thông qua Ngân hàng Thế giới thu về 51,5 triệu USD…
Theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, từ năm 2023, các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính tự nguyện. Đến năm 2025, kiểm kê phát thải khí nhà kính sẽ là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần sự chung tay của tất cả các bên để tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tiến trình này và triển khai đồng bộ, hiệu quả các chiến lược, kế hoạch đã đề ra.
“Để chuyển đổi xanh, phải nhất quán quan điểm đây là sự nghiệp chung của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó cần phải thúc đẩy, tập trung vào 3 trụ cột chính là thể chế, khoa học công nghệ và nguồn lực, nhất là nguồn lực về tài chính” - ông Hiển nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề tài chính, theo ông LIM Dyi Chang - Giám đốc Cấp cao Khối Khách hàng doanh nghiệp - Ngân hàng UOB Việt Nam, việc huy động, phát triển được một nguồn tài chính xanh lớn sẽ góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
“Trọng tâm của tài chính xanh là các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Bằng cách khuyến khích đầu tư xanh và tích hợp đánh giá rủi ro môi trường vào hoạt động cho vay, các ngân hàng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp nguồn vốn cho các dự án bền vững” - ông LIM Dyi Chang chia sẻ.
Đưa thêm khuyến nghị để thúc đẩy tăng trưởng xanh, từ góc nhìn địa phương, ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy TP. Hải Phòng đề xuất 2 vấn đề chính. Thứ nhất, Chính phủ và các địa phương cần tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện và cách tiếp cận phù hợp, để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, trong đó trước mắt cần cho phép thí điểm các mô hình kinh tế mới theo hướng xanh, bền vững.
Thứ hai, chuyển đổi xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện đặc thù và năng lực khác nhau của các địa phương, chẳng hạn địa phương có thế mạnh về nông nghiệp sẽ cần có những yêu cầu và lộ trình khác địa phương đã có nền tảng phát triển công nghiệp... Do đó, các địa phương cần nêu cao tinh thần hợp tác, có sự chia sẻ, hài hòa lợi ích vì mục tiêu chung của đất nước.
“Hưởng ứng định hướng chiến lược của Chính phủ về phát triển xanh, bền vững, TP. Hải Phòng đang khẩn trương, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam Thành phố theo định hướng khu kinh tế xanh đầu tiên tại Việt Nam; đồng thời phát triển quần đảo Cát Bà trở thành điểm đến du lịch xanh” - ông Châu chia sẻ thêm./.