Kinh tế Việt Nam: Lạc quan nhưng vẫn nên thận trọng
Kinh tế - Ngày đăng : 20:55, 11/04/2024
Ngày 11/4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO).
Tăng trưởng kinh tế với nhịp độ vững chắc
Báo cáo cho biết: Nhu cầu toàn cầu suy giảm và lãi suất quốc tế cao đã tác động đến tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, việc chuyển hướng nhanh chóng sang chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng và đầu tư công quy mô lớn là một trong những biện pháp then chốt để duy trì phục hồi tăng trưởng trong năm 2023.
Sự phục hồi tương đối toàn diện trong các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ và hoạt động ổn định của ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho đà phục hồi của Việt Nam.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối tích cực, thặng dư thương mại được duy trì, tiêu dùng trong nước phục hồi, kích thích tài khóa được tiếp tục với chương trình đầu tư công đáng kể được coi là chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024.
Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam - kỳ vọng: “Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với nhịp độ vững chắc trong năm 2024 và năm tới, bất chấp môi trường toàn cầu còn nhiều thách thức”.
Nền kinh tế có khả năng tăng trưởng nhanh hơn một chút trong năm 2024 so với năm 2023, mặc dù rủi ro thiên về hướng tiêu cực, báo cáo của ADB cho biết.
Cụ thể hơn, theo Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB Nguyễn Bá Hùng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025. Tốc độ tăng trưởng này được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Sự tăng trưởng tương đối toàn diện trong các ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ và nông nghiệp ổn định sẽ giúp quá trình phục hồi từng bước khả thi. Dòng vốn FDI và kiều hối tích cực, thặng dư thương mại được duy trì, hỗ trợ tài khóa được tiếp tục và chương trình đầu tư công đáng kể cũng sẽ kích thích tăng trưởng.
Sự trở lại dần của các đơn hàng mới và tiêu dùng đã vực dậy tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vào cuối năm 2023 và đà tăng có xu hướng mạnh hơn trong năm 2024. Điều kiện kinh doanh được cải thiện có thể thúc đẩy đầu tư tư nhân trong năm 2024.
Xuất khẩu và nhập khẩu sẽ tăng trưởng ở mức 4 - 4,5% trong năm nay và năm tới do nhu cầu bên ngoài đang dần phục hồi. Hoạt động sản xuất được khôi phục sẽ thúc đẩy nhập khẩu đầu vào sản xuất. Do đó, thặng dư tài khoản vãng lai được dự đoán ở mức 1,5% GDP trong năm 2024.
Lãi suất trong nước thấp, các biện pháp chính sách tài khóa và tăng lương sẽ thúc đẩy các dịch vụ tiêu dùng trong năm 2024. Hoạt động kinh tế phục hồi, dù chậm nhưng sẽ thúc đẩy các dịch vụ logistic, trong khi chính sách thị thực cởi mở hơn sẽ thúc đẩy du lịch.
Về tổng thể, ngành dịch vụ được dự báo sẽ tăng trưởng 7,7% trong năm 2024. Nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa nông nghiệp và các hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu nông sản.
Chính sách tiền tệ sẽ theo đuổi mục tiêu kép là bình ổn giá và tăng trưởng, ngay cả khi không gian chính sách bị hạn chế. Tình trạng suy thoái dự kiến của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 có thể kiềm chế giá dầu toàn cầu, từ đó làm giảm áp lực lạm phát. ADB dự báo lạm phát tăng nhẹ lên mức 4% trong năm 2024 và 2025.
Chính sách tài khóa - chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng
Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Hùng nhận định, bên cạnh những điểm tích cực, nền kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn tiềm ẩn những rủi ro, thách thức. Trong đó, thách thức từ môi trường bên ngoài ngày càng lớn.
Những bất ổn địa chính trị toàn cầu đang tác động tới nền kinh tế thế giới và dự báo sẽ gây ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng toàn cầu chậm và lãi suất điều hành toàn cầu vẫn ở mức cao có thể cản trở tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, làm chậm quá trình phục hồi xuất khẩu của Việt Nam.
Sự trì hoãn bình thường hóa lãi suất tại Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển khác cũng sẽ cản trở việc chuyển hướng chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.
Quan trọng hơn, tăng trưởng chậm lại đã làm gia tăng rủi ro về tính dễ đổ vỡ cấu trúc, đặc biệt là sự phụ thuộc quá mức vào ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI làm đầu tàu, mối liên kết yếu kém giữa ngành công nghiệp chế biến - chế tạo với phần còn lại của nền kinh tế, các thị trường vốn non trẻ, sự phụ thuộc quá lớn vào tín dụng ngân hàng và các rào cản pháp lý đối với doanh nghiệp.
Áp lực trong ngắn hạn vẫn có thể tồn tại do những căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là chưa kể những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu cùng những khó khăn nội tại của nền kinh tế liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, thị trường tài chính.
Biện pháp tài khóa là giải pháp chính sách then chốt để hỗ trợ, kích thích tăng trưởng. Trong đó, đầu tư công vừa hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn vừa tạo tiền đề cho tăng trưởng trong dài hạn.
Chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Bá Hùng
Trong bối cảnh không gian chính sách tiền tệ hạn chế, ADB cho rằng, chi tiêu tài khóa và đầu tư sẽ là chìa khóa tăng trưởng trong năm 2024. Vị thế tài khóa thuận lợi, với thâm hụt ngân sách không đáng kể và tỉ lệ nợ công trên GDP thấp đủ để mang lại không gian tài khóa hỗ trợ tăng trưởng.
Cũng theo chuyên gia của ADB, năm 2024, đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế. Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp chính sách khác nhau để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi.
Tuy nhiên, để duy trì tiến độ, ADB khuyến nghị cần có các biện pháp mang tính hệ thống hơn nhằm cải thiện các quy trình pháp lý và quy định để có thể thực hiện thành công. Bằng cách chủ động khắc phục những trở ngại này một cách toàn diện trong suốt chu trình dự án, Việt Nam có thể phát huy tối đa tiềm năng của các sáng kiến đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững./.