Cơ hội lớn để phát triển của các thương hiệu thực phẩm- đồ uống tại Việt Nam
Đầu tư - Ngày đăng : 09:05, 03/11/2018
(BKTO) - Với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm trở lại đây, ngành thực phẩm- đồ uống được đánh giá là một trong những ngành hấp dẫn nhất tại Việt Nam. Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tiềm năng trong khu vực, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế khi vừa phục vụ cho nhu cầu trong nước, vừa đóng góp cho xuất khẩu.
Thị trường lớn, giàu tiềm năng
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm- đồ uống rất tiềm năng. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu thụ của ngành sản xuất chế biến thực phẩm và sản xuất đồ uống trong 9 tháng đầu năm 2018 tăng lần lượt 8,1% và 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng, thực phẩm- đồ uống hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng (chiếm khoảng 35% mức chi tiêu).
Cơcấu chi tiêu trung bình hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 |
Ngành thực phẩm và đồ uống hiện chiếm khoảng 15% GDP của Việt Nam và có xu hướng tăng lên trong thời gian tới. Dự đoán của hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Business Monitor International (BMI) cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng ngành thực phẩm và đồ uống tại thị trường châu Á tăng cao trong giai đoạn 2016- 2019, trong đó khả năng Việt Nam sẽ đứng ở vị trí thứ ba.
Bên cạnh đó, với tỷ lệ dân số trẻ ngày một cao (ước tính khoảng trên 50% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi), mức thu nhập được cải thiện và thói quen mua sắm thực phẩm chế biến sẵn ngày càng phổ biến, sự phong phú cùng với sự dồi dào các sản phẩm nông nghiệp- nguồn nguyên liệu thô cung ứng cho hoạt động chế biến thực phẩm, đồ uống… đang là những lợi thế để các doanh nghiệp trong ngành đa dạng hóa chủng loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi của người tiêu dùng. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ thực phẩm- đồ uống tiềm năng trong khu vực.
Nhận định về tiềm năng xuất khẩu, đa số các chuyên gia được Vietnam Report hỏi đều cho rằng, Việt Nam hiện đã có những doanh nghiệp tương đối mạnh, có tên tuổi, có sức cạnh tranh, thường xuyên dẫn đầu tại thị trường trong nước, đủ cơ sở để xuất khẩu ra nước ngoài. Do đó, khi Hiệp định Thương mại tự do EU- Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, các doanh nghiệp đều kỳ vọng đây sẽ là cơ hội lớn để các thương hiệu Việt xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, các mặt hàng thủy sản, cà phê, bánh kẹo được dự đoán sẽ có tiềm năng xuất khẩu lớn trong thời gian tới.
Các thương hiệu thực phẩm - đồ uống được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất năm 2018 |
Kết quả khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report cho thấy, người tiêu dùng Việt đang có xu hướng sử dụng các loại thực phẩm tự nhiên, hữu cơ (organic). Trong bối cảnh thu nhập đầu người tăng lên, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các thực phẩm sạch, có nguồn gốc hữu cơ và thân thiện với môi trường, và sẵn sàng chi trả khoản tiền cao hơn cho bữa ăn hàng ngày. Hơn 86% người tiêu dùng tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh khi được hỏi đã lựa chọn các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ, hoặc các sản phẩm đúng mùa vụ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Thực tế, thời gian qua đã có khá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt có cả sự tham gia của những doanh nghiệp lớn ngành bán lẻ.
Cùng với đó, nhu cầu với nhóm hàng hóa tiêu dùng nhanh của người tiêu dùng Việt cũng có sự khác biệt so với trước đây. Để phục vụ cho các đối tượng này, các doanh nghiệp thực phẩm - đồ uống đã thay đổi quy cách và trọng lượng hàng hóa đóng gói sản phẩm nhỏ, sử dụng phù hợp với nhu cầu của cá nhân và dễ dàng mang theo sử dụng trên đường đi. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng hướng tới cung cấp các bữa ăn tươi (ready meals) nhằm mang đến cho người tiêu dùng không chỉ là những sản phẩm đóng gói/ ăn liền khô, mà còn là những sản phẩm tươi, ngon, bổ dưỡng, an toàn và tiện lợi.
Top 10 DN đồ uống uy tín nhất Việt Nam năm 2018
Đặc điểm đáng chú ý nữa là công nghệ đang làm thay đổi trải nghiệm ẩm thực của người tiêu dùng. Trong đó, giới trẻ Việt Nam thích trải nghiệm có xu thế sẵn sàng chi trả để được thưởng thức các loại thực phẩm - đồ uống ngon và lạ. Cùng với sự phát triển của công nghệ, họ có thể dễ dàng truy cập các xu thế ẩm thực mới nhất, hot nhất qua mạng xã hội và đặt hàng thông qua các ứng dụng cho phép tìm kiếm địa điểm ăn uống (Foody), giao đồ ăn (DeliveryNow) và đặt bàn (TableNow)... khiến thị trường ẩm thực trở nên sôi động hơn. Theo nhận định của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, thực phẩm và đồ uống là 2 trong 10 sản phẩm được giao dịch trên mạng nhiều nhất trong năm 2017. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, họ cũng nắm bắt được xu thế này để đa dạng hóa và cải thiện các dòng sản phẩm sao cho phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng hiện đại.
Chính vì thị trường hấp dẫn nên hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành thực phẩm- đồ uống tại Việt Nam cũng diễn ra rất sôi động. Quy mô các thương vụ M&A không ngừng tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, tạo nên những “ông lớn” của ngành thực phẩm - đồ uống, điển hình như Masan, Thành Thành Công, Kido, Pan Group… Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thực phẩm - đồ uống đến từ Thái Lan, Hàn Quốc với lợi thế về tài chính, kinh nghiệm và công nghệ cũng tích cực đầu tư vào Việt Nam. Theo nghiên cứu của BMI, cơ hội đầu tư cho ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam còn khá lớn, đặc biệt trong ngành đồ uống, thực phẩm chế biến và sữa.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ hội để phát triển của các thương hiệu thực phẩm- đồ uống tại Việt Nam là rất lớn. Khi các doanh nghiệp nước ngoài tích cực có mặt tại thị trường Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động, chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm trở nên đa dạng hóa và tiện ích. Song song với đó, tính cạnh tranh được đẩy lên sẽ kích thích các doanh nghiệp trong nước đổi mới để hòa vào “sân chơi” chung.
PHÚC KHANG