Ưu tiên đầu tư ngân sách cho y tế dự phòng

Xã hội - Ngày đăng : 07:10, 04/11/2018

(BKTO) - Thảo luận tại nghị trường Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng chi NSNN cho y tế, trong đó chú trọng đầu tư cho y tế dự phòng, phòng chống bệnh không lây nhiễm…theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.


Là người nhiều năm gắn bó với ngành y tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhấn mạnh: Thông thường đầu tư cho dự phòng hiệu quả gấp 2 lần đầu tư cho chữa bệnh. Sử dụng xét nghiệm sàng lọc đái tháo đường trong cộng đồng thì hiệu quả gấp 10 lần so với chi phí cho điều trị. Đặc biệt sàng lọc, phát hiện và tư vấn cho bệnh Thalasemia (tan máu bẩm sinh) thì hiệu quả gấp 2 nghìn lần chi cho điều trị.
                
   

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị ưu tiên nguồn lực phòng chống các bệnh không lây nhiễm- Ảnh: quochoi.vn

   
Nhưng thực tế, ở Việt Nam y tế dự phòng mới quan tâm đến các bệnh dịch mà chưa quan tâm đến các nhóm bệnh lý khác; hoạt động phòng bệnh chưa được quan tâm đúng mức và toàn diện. Dù có quy định các địa phương phải đảm bảo 30% kinh phí cho y tế dự phòng nhưng thực hiên chưa nghiêm túc, có tỉnh có, có tỉnh không.

“Tôi đề nghị Bộ Y tế cần sử dụng NSNN do Quốc hội phê chuẩn hàng năm để cấp về cho các tỉnh đảm bảo đủ cho các hoạt động của y học dự phòng. Như vậy sẽ có kinh phí để thống nhất và kịp thời triển khai các hoạt động dự phòng. Đồng thời, cần sớm xây dựng Luật Phòng bệnh, trong đó mở rộng các hoạt động dự phòng bệnh tật lên các nhóm bệnh lý khác như bệnh không lây nhiễm, bệnh bẩm sinh di truyền, bệnh lý học đường… Bảo hiểm y tế, cần cân đối một cách hợp lý để đầu tư cho hoạt động phòng bệnh”- đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị.

Cũng theo đại biểu Trí, kinh phí cho y tế luôn là vấn đề nóng bỏng ở hầu hết các quốc gia và cần phải có những biện pháp hiệu quả. Theo đó, cần làm thật tốt bảo hiểm y tế để có được một lượng kinh phí lớn, phục vụ trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó, việc quan trọng nhất là sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế theo nguyên tắc bảo hiểm y tế phải có mệnh giá và thanh toán phải theo mệnh giá.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh hơn hơn nữa việc xã hội hóa y tế để kêu gọi được nhiều nguồn vốn từ các đơn vị, các DN, tư nhân đầu tư vào y tế. “Ở Nhật Bản, một quốc gia chăm sóc rất tốt sức khỏe cho nhân dân, có tỷ lệ y tế tư nhân năm 1994 là 76% và đến nay là khoảng 82%. Ở Việt Nam, NSNN còn rất hạn hẹp và phải đầu tư cho nhiều việc quan trọng khác thì hướng đi này chắc chắn là hướng đi đúng và hợp lý”- đại biểu nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) cho rằng, cần thiết phải chú trọng đầu tư cho lĩnh vực y tế, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; tăng cường chất lượng giường bệnh để nâng cao chất lượng phục vụ…

Theo đại biểu Yến, tỷ lệ chi NSNN cho toàn ngành y tế có xu hướng giảm, năm 2016 là 97.600 tỷ đồng, chiếm 7,67% so với tổng chi NSNN và ước thực hiện năm 2018 là 92.715 tỷ đồng chiến 5,85% tổng chi NSNN, kể cả việc tăng chi 2.245 tỷ đồng đối với năm 2016 để chi và hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách xã hội. Tỷ lệ chi như vậy chưa đảm bảo theo tinh thần Nghị quyết 20- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới. Trong đó, ưu tiên, bố trí ngân sách, đảm bảo tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi NSNN.

Đại biểu đề nghị, cần tập trung NSNN cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần, trong đó dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng.

Nêu thực tế tỷ lệ chi từ tiền túi của người bệnh rất cao, 43% so với tổng chi y tế quốc gia, đại biểu Yến cho rằng, tỷ lệ chi từ tiền túi của người bệnh cao sẽ gây nên những khó khăn, tổn thất về tài chính, khiến nhiều gia đình đang ở mức sống trên trung bình trở thành đói nghèo sau khi điều trị bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho y tế phải dưới 30% mới đảm bảo được sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Mục tiêu của nước ta theo Nghị quyết số 20- NQ/TW là đến năm 2025, tỷ lệ này là 35% và đến năm 2030 giảm còn 30%. Trong khi đó còn rất nhiều nhu cầu cần phải được NSNN đầu tư như: đầu tư để từng bước giải quyết vấn đề chất lượng khám, chữa bệnh còn chênh lệch lớn giữa các tuyến và vùng miền; đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở cần; kinh phí hoạt động cho y tế dự phòng, chương trình mục tiêu y tế dân số, đặc biệt, chi cho công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm trong bối cảnh 17% dân số của chúng ta đang mắc các bệnh không lây nhiễm rất cần phải được phát hiện sớm, điều trị và quản lý lâu dài. Vì vậy, Chính phủ tiếp tục tăng chi NSNN cho y tế.

KIM AN