Kinh nghiệm thực tiễn trong quản trị công ty tốt và quản lý rủi ro hiệu quả
Tài chính - Ngày đăng : 14:40, 16/04/2024
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế UBCKNN - cảm ơn Đại sứ quán Úc và ASICđã phối hợp với UBCKNN tổ chức Hội thảo.
“Khi các tổ chức niêm yết và các nhà đầu tư đều tuân thủ các nguyên tắc quản trị tốt và các biện pháp quản lý rủi ro hiệu quả sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán, góp phần vào tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi” - ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng cho biết, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa ASIC-UBCKNN, hai bên đã xây dựng và thống nhất Kế hoạch hoạt động nâng cao năng lực trong năm 2024, bao gồm 4 chương trình hội thảo trực tuyến kết hợp trực tiếp, tập trung vào các chủ đề: Quản trị công ty và quản lý rủi ro; Bảo vệ khách hàng và bảo vệ nhà đầu tư với nội dung trọng tâm vào tăng cường minh bạch tài chính, thông cáo báo chí; tài chính bền vững và trí tuệ nhân tạo.
“Trong đó, Hội thảo ngày hôm nay là Hội thảo đầu tiên, nhằm nâng cao nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc quản trị công ty tốt và quản lý rủi ro hiệu quả” - ông Dũng chỉ rõ.
Trao đổi tại Hội thảo, bà Arabella Bennett - Bí thư thứ hai, Ban kinh tế Đại sứ quán Úc, đại diện Bộ Ngoại giao và thương mại Úc (DFAT) - bày tỏ vui mừng trước sự phối hợp hiệu quả giữa ASIC và UBCKNN; đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan quản lý chứng khoán của Việt Nam đã thực hiện trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi.
“Mong rằng những nội dung trao đổi tại Hội thảo sẽ là những thông tin hữu ích, cũng là cơ hội để hai bên có thể cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm thực tế cho việc quản lý thị trường chứng khoán” - Bà Arabella Bennett bày tỏ.
Cũng tại Hội thảo, các diễn giả đến từ ASIC đã chia sẻ thông tin về khung quản lý rủi ro doanh nghiệp. Theo đó, ASIC có Văn phòng Rủi ro Tổng thể (CRO) là cơ quan giám sát việc quản lý rủi ro doanh nghiệp, khả năng phục hồi kinh doanh, an ninh bảo vệ và quản lý tuân thủ của toàn bộ ASIC, bao gồm cả việc điều phối các hoạt động liêm chính của Uỷ ban Liêm chính giám sát.
Khung quản lý rủi ro doanh nghiệp của ASIC bao gồm 7 yếu tố: Chính sách quản lý rủi ro - RMP; tuyên bố khẩu vị rủi ro - RAS; phương pháp rủi ro và bộ công cụ; vai trò và trách nhiệm; hệ thống và dữ liệu; đào tạo và văn hóa; kiểm soát và đảm bảo.
Thực hiện giám sát việc quản lý rủi ro, ASIC áp dụng theo mô hình ba tuyến gồm: Uỷ ban và giám sát quản lý - Ban kiểm toán - Giám sát độc lập. Trong đó, để đảm bảo ASIC tuân thủ các yêu cầu, hướng dẫn và quy định pháp lý, đồng thời đảm bảo nhân viên của ASIC hiểu rõ nghĩa vụ của mình thì nhân viên thuộc ASIC có trách nhiệm tham gia các chương trình đào tạo bắt buộc - là một thành phần quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro tổ chức tại ASIC.
Đối với vấn đề quản trị công ty, các diễn giả đã giới thiệu một số nội dung chính liên quan đến vấn đề cưỡng chế thực thi bổn phận và trách nhiệm của thành viên Hội đồng quản trị, quy định giải quyết các xung đột lợi ích và giao dịch liên quan đến thành viên Hội đồng quản trị.
Ngoài ra, các diễn giả của ASIC đã phân tích một số trường hợp sai phạm của công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Úc (AXS) và việc xử lý nghiêm minh nhằm thiết lập và nâng cao tiêu chuẩn đối với các thành viên Ban Giám đốc và Hội đồng quản trị, đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan đến rủi ro.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã nghe đại diện UBCKNN chia sẻ về thông tin quản trị công ty tại Việt Nam và trực tiếp trao đổi với các diễn giả của ASIC về các nội dung trong khuôn khổ chương trình Hội thảo./.