Nhân lực du lịch: Chất lượng chưa cao, nguy cơ thua ngay trên sân nhà

Xã hội - Ngày đăng : 14:13, 17/04/2024

(BKTO) - Những hạn chế, bất cập trong công tác đào tạo khiến chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa cao, làm giảm sức cạnh tranh của du lịch Việt, cũng như đưa đến nguy cơ lao động du lịch Việt mất việc ngay tại thị trường trong nước…
dsc_1134.jpg
Yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đang được đặt ra bức thiết. Ảnh: N.Lộc

Trong bối cảnh ngành du lịch đang đẩy mạnh phục hồi, việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của ngành là vấn đề cấp thiết hiện nay. Do đó, việc nhận diện rõ hạn chế, từ đó có giải pháp khắc phục kịp thời cần được cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan quan tâm thực hiện... 

Nguồn nhân lực kém khả năng cạnh tranh

Theo Vụ Đào tạo (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL), hàng năm các cơ sở đào tạo du lịch cho tốt nghiệp ra trường được khoảng 20.000 lao động. Trong đó, trình độ trung cấp chiếm 91% tổng số lao động được đào tạo. 

Xét về số lượng, nguồn nhân lực du lịch được đào tạo như hiện nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu của tình hình mới. 

_dsc8787.jpg
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, cùng với đó là những nhu cầu, đòi hỏi với điểm đến ngày càng cao hơn... Ảnh: N.Lộc

Báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho thấy, chất lượng, năng suất lao động trong ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể, năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 so với Singapore, 1/10 so với Nhật Bản và 1/5 so với Malaysia... 

Với năng suất lao động như hiện nay, lao động ngành du lịch có nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi nhân lực từ các nước ASEAN như: Thái Lan, Philippines, Malaysia...

Trong bối cảnh thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch cho phép dịch chuyển lao động có tay nghề thuộc khối ASEAN, người làm du lịch nước ngoài có thể vào Việt Nam khiến người làm du lịch Việt có nguy cơ mất việc ngay trên sân nhà nếu không nâng cao năng lực chuyên môn và thái độ làm việc.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy

Nguyên nhân của tình trạng này được các doanh nghiệp, giới chuyên gia lý giải là do công tác đào tạo trong nước hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu.

Qua khảo sát tại các cơ sở đào tạo du lịch cho thấy: Mã ngành đào tạo chưa được cập nhật, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của xã hội; chương trình đào tạo ở các cấp độ  thiếu tính đồng nhất, đặc biệt là với các cơ sở chỉ tham gia đào tạo 1 hoặc 2 chuyên ngành về du lịch. 

Vì thế, “cần có sự thống nhất trong vấn đề xây dựng chương trình đào tạo du lịch giữa các Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành khác” - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Đỗ Thị Thanh Hoa cho biết.

Bên cạnh đó, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Lê Anh Tuấn cho rằng, trong khi du lịch là ngành đòi hỏi lao động phải làm được việc, chú trọng tính thực hành cao, thì trên thực tế, phương pháp giảng dạy tại nhiều trường còn nặng về lý thuyết, chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề thực hành, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, làm giảm khả năng cạnh tranh của ngành du lịch. 

“Đây là dấu hiệu cho thấy chất lượng giảng viên còn yếu và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy không đảm bảo, sinh viên không được chú trọng thực hành nghề nghiệp dẫn đến khi ra trường các doanh nghiệp phải đào tạo lại, gây lãng phí nguồn lực” - ông Tuấn cho biết. 

Cần sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các bên…

Trong bối cảnh ngành du lịch đang đẩy mạnh phục hồi, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng cao, song việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng để thực hiện tốt các dịch vụ gây trở ngại đáng kể đối với sự phát triển của ngành du lịch. Do đó, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cả nước hiện có 195 cơ sở đào tạo du lịch (tập trung ở hai loại hình đào tạo công lập và tư nhân) gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng; 71 trường trung cấp và 4 trung tâm đào tạo nghề...

Nhận diện những bất cập trong công tác đào tạo, PGS,TS. Dương Đức Thắng - Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Công nghệ Đông Á) cho biết: Công tác đào tạo theo phương thức truyền thống hiện không còn phù hợp với tiêu chuẩn, đòi hỏi ngày càng cao của ngành du lịch.

dao-tao-nhan-luc-cong-nghe-du-lich.jpg
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Ảnh ST

Các yếu tố như kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ và khả năng thích ứng với công nghệ đang định hình vai trò của hướng dẫn viên du lịch thời kỳ mới. “Nhiều sinh viên được đào tạo chuyên sâu về du lịch thậm chí không cạnh tranh được với những sinh viên học ngoại ngữ do yếu kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài” - ông Thắng nói và cho rằng, đây là vấn đề đáng báo động, cần phải được khắc phục ngay.

Trong khi đó, PGS,TS. Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hiện chưa có chuẩn mực, tiêu chí về đào tạo chuẩn quốc tế, đó là cái khó để các trường xây dựng mô hình đào tạo phù hợp.

"Giải pháp để khắc phục tình trạng này là các trường có thể áp dụng các quy định về kiểm định đào tạo quốc tế với chuẩn mực như mạng lưới các trường đại học ở châu Á, châu Âu" - ông Long cho biết. 

Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm đưa ra chương trình chung cho các cơ sở đào tạo với tiêu chí bám sát tiêu chuẩn kỹ năng nghề, tăng cường tỉ lệ thực hành, ngoại ngữ và tin học; thí điểm đào tạo một số ngành nghề bằng tiếng Anh. Đồng thời, tăng cường hoạt động liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch chuẩn quốc tế...

Đặc biệt, để đảm bảo cơ hội được tiếp cận với công việc từ sớm cho sinh viên, các cơ sở đào tạo cần xây dựng mối liên hệ thường xuyên, chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch trong đặt hàng đào tạo. Trên cơ sở nhu cầu, đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo xây dựng chỉ tiêu, tiêu chí đào tạo hàng năm. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào công tác đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành tại doanh nghiệp, từ đó tận dụng nguồn tuyển dụng sau khóa học... 

_dsc9250.jpg
Bản thân mỗi lao động du lịch cần tăng cường học tập, tự đào tạo để đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Ảnh: N.Lộc

Về giải pháp cần thực hiện ngay, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các doanh nghiệp tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn để cập nhật kiến thức, kỹ năng, xu thế du lịch mới nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới hiện nay.

Bên cạnh đó, bản thân mỗi doanh nghiệp, người lao động cần thấy được sự cần thiết phải nâng cao năng lực, kỹ năng làm việc để đáp ứng tốt yêu cầu của công việc.

“Hơn ai hết, mỗi người lao động cần phải coi việc nâng cao trình độ là nhu cầu tự thân để tự mình học tập, đổi mới, bổ sung điểm thiếu” - chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh.

N.LỘC