Doanh nghiệp tìm cách xoay xở trước áp lực tỷ giá
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 16:11, 18/04/2024
Tỷ giá tăng, doanh nghiệp thêm gánh nặng
Tỷ giá USD/VND đã có biến động khá mạnh trong những tháng đầu năm 2024. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I, chỉ số giá USD tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước. TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tỷ giá tăng cao trước hết là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chưa đưa ra thời điểm cụ thể có thể nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc hạ lãi suất, nên giá trị đồng USD thời gian qua tăng cao, tác động đến đồng tiền của nhiều nước trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Cùng với đó, lãi suất ngân hàng của Việt Nam giảm mạnh trong thời gian gần đây, tạo nên chênh lệch lãi suất giữa USD và VND trên thị trường liên ngân hàng, gây sức ép khiến đồng USD trở nên “nóng” hơn. Ngoài ra, trong những tháng đầu năm, hoạt động xuất nhập khẩu của các DN có sự phục hồi tích cực, khiến nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất bật tăng, góp phần tạo áp lực lên giá USD trong nước. Bên cạnh đó, đầu năm là thời điểm kết thúc năm tài chính của năm trước nên một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển lợi nhuận về nước, đây là một yếu tố mang tính mùa vụ và có tác động làm tăng nhu cầu về ngoại tệ…
Trên thực tế, biến động tỷ giá sẽ khiến hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh của nhiều DN bị tác động, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các DN thuần nhập khẩu thanh toán bằng đồng USD, các DN có dư nợ vay USD lớn... Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) - cho hay, cứ tỷ giá tăng 1%, thì chi phí của Tổng công ty tăng thêm 300 tỷ đồng. Như vậy, với tỷ giá biến động ở mức gần 4% như hiện nay, nếu tính theo tỷ giá trên thị trường tự do, Vietnam Airlines phải tăng thêm khoảng 1.200 tỷ đồng chi phí trong năm nay.
Ngày 29/03/2024, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố Báo cáo cập nhật về tình hình dự trữ ngoại hối quốc tế tính đến cuối quý IV/2023. Theo đó, đến cuối năm 2023, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt hơn 93 tỷ USD.
Tương tự, ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - cho biết, dư nợ vay ngoại tệ của Tập đoàn hiện tại khoảng 38.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,55 tỷ USD. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với việc chi phí của Tập đoàn tăng lên rất mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Ở chiều ngược lại, về lý thuyết, tỷ giá tăng thì các DN xuất khẩu sẽ được lợi. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều DN xuất khẩu trong một số ngành hàng chủ lực, như: Dệt may, da giày, sắt thép… thì DN cũng không được lợi nhiều, vì đa phần DN xuất khẩu hiện nay đều phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào. Đơn cử, đối với ngành dệt may, nguyên liệu sản xuất của ngành chủ yếu được nhập khẩu và đa phần thanh toán bằng USD. Khi tỷ giá tăng sẽ làm tăng chi phí vốn để nhập khẩu nguyên vật liệu, dẫn đến chi phí sản xuất tăng lên, từ đó không chỉ làm giảm biên lợi nhuận, mà còn ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DN. Ngoài ra, tỷ giá tăng cũng khiến chi phí vận chuyển của DN xuất nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, bởi phần lớn DN có hợp đồng vận chuyển thanh toán bằng USD, điều này cũng sẽ “bồi” thêm khó khăn cho DN…
Doanh nghiệp cần chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá
Theo các chuyên gia, với tiềm lực dự trữ ngoại hối và quan hệ cung cầu tiền tệ tích cực, Ngân hàng Nhà nước có đủ công cụ can thiệp thị trường và ổn định tỷ giá, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng, để hạn chế những tác động bất lợi từ tỷ giá, nhiều ý kiến cho rằng, các DN xuất, nhập khẩu cần phải liên tục theo dõi những biến động về tỷ giá, chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh và lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, cũng như lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho DN mình, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD. Đặc biệt, DN cần đa dạng hóa nguồn cung, trong đó có việc hướng đến tìm các nhà cung cấp trong nước, để giúp giảm phụ thuộc vào một thị trường, từ đó giảm rủi ro khi tỷ giá tăng nhanh.
Bên cạnh đó, các DN cũng có thể lựa chọn những biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, như: Sử dụng các công cụ tài chính phái sinh; sử dụng hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi ngoại tệ (swap); lựa chọn những ngân hàng có chính sách tài trợ thương mại hấp dẫn… Ngoài ra, DN nên trích lập đầy đủ quỹ dự phòng biến động tỷ giá, đẩy mạnh thanh toán trước hạn các khoản vay ngoại tệ, đặc biệt khi DN có khoản vay lớn bằng đồng USD, để giảm bớt chi phí lãi vay. Điều này vừa giúp DN giảm thiểu rủi ro do biến động tỷ giá khi giao dịch xuất nhập khẩu, vừa có thể chủ động kế hoạch tài chính của mình.
Về phía cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, nhằm giữ ổn định thị trường ngoại tệ và hạn chế các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị tiền đồng; đảm bảo thanh khoản thông suốt, cũng như đảm bảo các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, cộng đồng DN được đáp ứng đầy đủ.
Về phía DN, các DN, hiệp hội cũng bày tỏ mong muốn Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đề ra các giải pháp hiệu quả để giữ cho tỷ giá ổn định, giúp giảm thiểu ảnh hưởng của biến động tỷ giá lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN./.