Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Nhân lên sức mạnh để đất nước phát triển và trường tồn
Xã hội - Ngày đăng : 16:12, 18/04/2024
Trên thế giới có nhiều tộc người, nhiều quốc gia thờ cúng tổ tiên ở các mức độ và dạng thức khác nhau, nhưng thờ cúng Hùng Vương dưới dạng thờ Quốc tổ thì chỉ có ở người Việt và ở Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là dạng thức độc đáo trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam từ xa xưa mà còn là biểu tượng văn hóa thiêng liêng của lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, được phát triển, nâng cao thành chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn Việt Nam; được phổ cập và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng người Việt trong và ngoài nước. Chính vì thế, ngày 06/12/2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lịch sử của dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao của các Vua Hùng khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”: Kinh Dương vương là con của Đế Minh (cháu ba đời của Viêm đế Thần Nông thị) là bậc thánh trí thông minh và được Đế Minh phong làm vương để trị đất phương Nam (nước Xích Quỷ). Kinh Dương vương lấy con gái Động Đình Quân sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh ra trăm con (tục truyền sinh ra trăm trứng) và được xem là thủy tổ của Bách Việt. Sau bởi “thủy hỏa khắc nhau, khó lòng đoàn tụ”, bèn chia 50 người con theo mẹ về núi, 50 người con theo cha về miền Nam Hải và phong con trưởng làm Hùng Vương. Hùng Vương lên ngôi đóng đô ở Châu Phong, đặt Quốc hiệu là nước Văn Lang, chia nước làm 15 bộ, đặt chư hầu để làm phên dậu, ngôi vua đời đời cha truyền con nối. Tri ân công đức tổ tiên, người Việt đã suy tôn các Vua Hùng là Thủy tổ của dân tộc từ hàng nghìn năm trước. Việc thờ cúng Hùng Vương đã trở thành tập quán, tín ngưỡng và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Cổ nhân từng răn dạy: “Vật gốc ở trời, người gốc ở tổ”; “Đất có thịnh thì cây mới tốt, nguồn có sâu thì nước mới dài”. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, khởi đầu từ thời đại các Vua Hùng khai sơn phá thạch, mở mang bờ cõi cũng chính là “nguồn sâu”, nền móng vững chắc cho sự trường tồn của dân tộc. Tích tụ, bồi đắp qua cả thiên niên kỷ thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tạo thành khối trầm tích mang triết lý nhân văn sâu sắc. Đó là tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, một lòng hướng về tiên tổ, để ngưỡng vọng, tự hào, cảm nhận điểm tựa tinh thần và lan toả, thắp sáng những tình cảm đẹp trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người.
Nhận thức được vai trò, ý nghĩa đặc biệt của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đối với cộng đồng, quốc gia, dân tộc, các triều đại phong kiến Việt Nam đều chú trọng thực hành lễ nghi, tu bổ, tôn tạo đền miếu thờ cúng. Bản ngọc phả viết thời Trần đến đời vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa...”. Đến nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình Bộ Lễ định ngày mùng Mười tháng Ba âm lịch hằng năm làm ngày Quốc lễ…
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc ta. Kế tục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của cha ông, ngay trong thời điểm thế nước như ngàn cân treo sợi tóc, thù trong giặc ngoài đe doạ nền độc lập non trẻ, ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Phó Chủ tịch nước - đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về Đất Tổ làm lễ dâng hương tại Đền Hùng, trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh bảo kiếm nhằm kính cáo với tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược.
Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, trên đường về tiếp quản Thủ đô, ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của vị lãnh tụ vĩ đại được nói vào thời khắc lịch sử đặc biệt, tại đất thiêng Đền Hùng như lời hịch của non sông, tiếng vọng mang hào khí ngàn năm của cha ông đã được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đồng tâm, dốc sức thực hiện với chiến thắng vang dội mùa Xuân năm 1975, giang sơn thu về một mối. Những thành tựu đó là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh đoàn kết dân tộc, truyền thống văn hiến ngàn năm của dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước với điểm tựa tinh thần là cùng chung một nguồn cội - con cháu Vua Hùng.
Ghi nhớ công đức của các Vua Hùng từ buổi đầu dựng nước, chọn đất đóng đô là đất linh, đất đẹp có sơn chầu thủy tụ, ông cha ta đã chép lại, ghi lại bằng những mỹ tự rồi tạc, chạm trên hoành phi, câu đối ở đền thờ các Vua Hùng nơi Đất Tổ để giáo dục, răn dạy, đồng thời lưu lại muôn đời cho con cháu mai sau.
Đến Đền Hùng, ngước lên ta bắt gặp ngay ở cổng đền bức đại tự bốn chữ “Cao sơn cảnh hành”. Bốn chữ ấy vốn được trích ra từ bài Xa Hạt, phần Tiểu Nhã trong Kinh Thi - bộ sách Tứ Thư Ngũ Kinh ông cha ta sử dụng trong khoa cử thời xưa với hai câu đầu “Cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hành hành chỉ”, nghĩa là: “Núi cao để ngưỡng trông, đường lớn dùng để đi”. Có người đã dịch bằng câu thơ lục bát cho dễ nhớ: “Núi cao thì để ngưỡng trông/Đường lớn là để đồng lòng dân đi”.
Rõ ràng muốn lên núi cao nhìn ngắm thì phải có đường, mà đây con đường lớn để đồng bào và nhân dân cùng đi, muôn người như một leo lên đến đỉnh núi thắp nén tâm nhang để tri ân công đức Tổ tiên.
Phía dưới bức đại tự “Cao sơn cảnh hành” là hai đôi câu đối chữ Hán ở hai bên trụ cổng đền mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
Đôi câu đối ở giữa:
Thác thủy khai cơ, tứ cố sơn hà quy bản tịch/Đăng cao vọng viễn, quần phong la liệt tự nhi tôn
Nghĩa là: Mở lối đắp nền, bốn mặt non sông về một mối/Lên cao nhìn khắp, nghìn trùng đồi núi tựa cháu con
Đôi câu đối bên cạnh:
Đăng giả hệ hà tư, vạn cổ giang sơn đế tạo thủy/Giai tai do vượng khí, thiên niên thành quách úy thông gian
Nghĩa là: Lên đây nhớ về cội, muôn thuở giang sơn chốn này tạo dựng/Đẹp thay nhờ vượng khí, nghìn năm thành quách cây cỏ tốt tươi
Những dòng chữ này ngay từ cổng đền chính đã như một thông điệp nhắc nhở con cháu muôn đời khi về với Đền Hùng sẽ biết và nhớ đây là cội nguồn dân tộc, bởi giang sơn này được khởi nguồn, tạo dựng từ đây.
Truyền thống, di sản quý báu của ông cha đã được tiếp nối, trao truyền qua bao thế hệ. Hằng năm, cứ đến ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba, con cháu mọi miền Tổ quốc lại cùng nhau hành hương hoặc thành tâm hướng về Đất Tổ, thắp nén tâm nhang, nhớ về nguồn cội, tri ân công đức Tổ tiên để càng thêm tự hào rằng dân tộc ta có lịch sử văn hóa từ lâu đời, là một dân tộc có nguồn cội, cùng mang “dòng máu Lạc Hồng”, “cha Rồng mẹ Tiên” đã bồi đắp, tích tụ thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và truyền thống lịch sử của dân tộc đã tạo nền móng vững chắc, động lực nhân lên sức mạnh, niềm tin để đất nước Việt Nam phát triển hùng cường, trường tồn cùng thời gian./.